Xe buýt khối lớn đã vận hành hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. |
Hệ thống xe buýt nhanh nội đô sẽ vận hành theo hai hướng từ thị trấn Văn Điển và quận Thanh Xuân đi vào trung tâm thủ đô Hà Nội. Xe buýt có công suất vận chuyển tối đa 160 hành khách, chạy với tần suất 2 phút/chuyến.
Xe buýt nhanh sẽ đi từ Văn Điển, dọc hành lang Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Phố Huế, Hàng Bài, qua hồ Hoàn Kiếm rồi theo Tràng Thi, tới Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, nối với tuyến Láng Hạ, đi tới Thanh Xuân.
Theo ông Cesar Arias, Trưởng dự án BRT, Công ty tư vấn MVA Asia, hệ thống xe buýt nhanh sẽ chạy trên làn đường riêng, nên hành khách đi xe buýt nhanh không phải chịu cảnh tắc đường do các loại hình giao thông khác gây ra.
Ưu điểm của loại xe này là có thể vận chuyển tới 160 người, thời gian lên xuống xe chỉ trong vòng 15-20 giây. Dọc tuyến, cứ 500 m sẽ bố trí một điểm đỗ và thềm bến đỗ sẽ cao bằng sàn xe để hành khách lên xuống dễ dàng, cũng như phục vụ cho người tàn tật. Bên cạnh đó, xây dựng xe buýt nhanh giảm chi phí hơn các loại hình vận chuyển khách công cộng khác. Ước tính, giá thành xây dựng tuyến xe buýt nhanh là 2,5 triệu USD/km, thấp hơn khoảng 10-20 lần chi phí xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, xe điện trên cao.
Tuy nhiên, mặt đường Hà Nội chỉ rộng khoảng 10-15 m nên các phương tiện khác dễ bị ùn tắc khi lòng đường bị thu hẹp, như tuyến Phố Huế, Tràng Thi... Mặt khác, các tuyến phố có nhiều giao cắt nên dễ nảy sinh xung đột giữa các luồng phương tiện. Trao đổi với VnExpress, ông Cesar Arias, Trưởng dự án BRT, Công ty tư vấn MVA Asia, cho rằng, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu kỹ các tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân, Lê Duẩn - Giải Phóng cho thấy, các tuyến này có lưu lượng phương tiện lớn và diện tích mặt đường đủ để triển khai xe buýt nhanh có hiệu quả.
Ngoài ra, để cho xe buýt nhanh không phải dừng đỗ tại các vị trí giao cắt, dự án sẽ lắp đặt hệ thống tín hiệu ưu tiên tại các nút giao cắt, rút ngắn thời gian chạy xe. Ông Cesar tin rằng, thời gian qua nút của xe buýt nhanh chỉ trong vòng 2 giây, nên không ảnh hưởng tới các phương tiện khác tại điểm giao cắt.
Mối lo ngại hiện nay của đơn vị tư vấn là ý thức chấp hành giao thông của người dân hiện chưa cao, sẽ có tình trạng đi lấn đường dành riêng xe buýt nhanh, không chấp hành tín hiệu ưu tiên cho loại phương tiện này...
Theo Ban quản lý dự án giao thông đô thị, dự án triển khai xe buýt nhanh có tổng vốn khoảng 80 triệu USD, được vay từ Ngân hàng thế giới. Dự kiến, dự án sẽ triển khai và thi công vào đầu năm 2006 và hoàn thành cuối năm 2008.
Đoàn Loan
▪ Bà Rịa - Vũng Tàu: Những di tích có nguy cơ biến mất (29/09/2005)
▪ Du lịch nước ngoài coi chừng "lọt bẫy" mua sắm (29/09/2005)
▪ Từ năm 2006, gắn tiêm vaccine sởi với đưa trẻ đến trường (29/09/2005)
▪ Tiền polymer hỏng do lỗi kỹ thuật có thể đổi tại ngân hàng (29/09/2005)
▪ Chỗ dựa tin cậy của dân làng (29/09/2005)
▪ Sẵn sàng chia sẻ với người nghèo (29/09/2005)
▪ Suy ngẫm sau một cơn bão lớn (29/09/2005)
▪ Bao giờ mở cửa Bảo tàng Quảng Trị? (29/09/2005)
▪ Tang hoang Cát Thịnh (29/09/2005)
▪ Có chí thì nên (29/09/2005)