Hàng “tốt”, giá thấp!
Một ngày làm việc của những người bán kính mắt trên vỉa hè tuyến phố Lê Duẩn bắt đầu từ 9 giờ sáng, kết thúc lúc 5 giờ chiều và không có ngày nghỉ. Mỗi sạp kính rộng chừng vài mét vuông đủ để bày bán vài trăm cặp kính dán nhãn mác các hãng nổi tiếng trên thế giới; kính ta, kính Tây đủ tất và cả kính trắng giả cận. Theo người bán, bày bán kính trên áo mưa, công an tới sẽ cuộn tròn cả sạp kính và chạy.
Với tất cả khách mua, người bán đều khẳng định: “Ở đây toàn hàng nhập, bọn chị chỉ làm mỗi việc lắp ráp gọng kính”. Một phụ nữ bán kính cho biết một chuyến đi hàng mất hai ngày về làng kính Lịch Động, Thái Bình, lấy tận gốc như vậy mới có lời, còn không phải đánh hàng từ Lạng Sơn về nhưng tuyến này rủi ro nhiều.
Một thanh niên tạt xe vào lề đường hỏi kính và người bán tư vấn cho một cặp kính đen gọng nhựa và giới thiệu đây là loại kính thời trang mới nhất hiệu Americian, hàng mới nhập về nên cả sạp chỉ còn có hai đôi. Trong khi người thanh niên đeo kính vào, chủ cửa hàng tiếp tục liến thoắng: “Riêng kính tại hàng chị... em khỏi phải lo... mắt kính hàng nghiêm nên em thử coi cảnh vật xung quanh xem, không bao giờ bị lóa”. Người bán phát giá 120.000 đồng và cuối cùng được bán với giá 30.000 đồng. Theo những người bán, bán một cặp kính 30.000 đồng lời 10.000 đồng nhưng phải đi hàng trăm cây số, nếu công an thu là mất trắng.
Tại đường Láng, một đoạn phố dài 4km cũng đã có tới hơn chục điểm bán kính di động.
Mắt tốt thành... có tật
Ngay cả những cửa hàng kính thuốc trên các tuyến phố, PGS-TS Đỗ Như Hơn khẳng định nếu khảo sát thì cũng không thiếu những kính kém phẩm chất, người bán kính chỉ thuần có “chuyên môn” về mài, lắp. Nếu đeo kính không đúng, nhiều trường hợp từ mắt bình thường thành mắt có tật khúc xạ, từ tật khúc xạ nhẹ thành nặng. Bộ Y tế vừa ra quy định những chủ cửa hàng kính buộc phải có chứng chỉ một năm của trường thiết bị y tế mới được tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, vì đây là quy định mới nên cũng phải đợi một, hai năm nữa ngành y tế triển khai kiểm tra, người tiêu dùng mới có thể yên tâm khi đo, lắp kính tại những cơ sở này.
|
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Như Hơn, phó giám đốc Viện Mắt trung ương, tai hại nhất đối với người mua kính là gặp phải người bán thiếu hiểu biết về nhãn khoa và kính kém chất lượng. Mua kính tại các sạp vỉa hè chứa đủ hai yếu tố bất lợi này.
Kính chuẩn phải bảo đảm lọc được một số tia hồng ngoại, tử ngoại có thể gây hại đến mắt. Trong khi đó, kính không bảo đảm chất lượng thường làm bằng vật liệu rẻ tiền, không có chức năng cản tia hồng ngoại, tử ngoại, làm cho mắt dễ bị tổn thương hơn. Nhiều kính rẻ tiền có cấu tạo lồi lõm hơn so với yêu cầu chuẩn, gây nên biến dạng hình ảnh. Người sử dụng nếu đeo lâu dài sẽ phải tự điều tiết, bắt buộc mắt phải thích nghi với sự biến dạng hình ảnh do kính gây ra, dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh lý về mắt rất khó lường. Có cả trường hợp dị ứng với gọng kính kém chất lượng, bị đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt trùng với diện tiếp xúc của kính và da.
Ảnh hưởng của kính sai tiêu chuẩn lên mắt theo dạng tích lũy dần. Do vậy, người sử dụng không thể nhận biết được hậu quả ngay nên vẫn vô tư dùng vì giá chợ quá rẻ! Tại Viện Mắt trung ương, không ít bệnh nhân đau mắt, giảm thị lực, khi bác sĩ thăm khám tiền sử bệnh thì phát hiện có yếu tố... kính vỉa hè. Dù mắt chưa có phản ứng gì nhưng khi xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu sau một thời gian đeo kính kém chất lượng, người dùng cần đến khám chuyên khoa vì những biến chứng của mắt rất phức tạp.
|