Tết Nguyên đán: Cảnh giác với nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Các Website khác - 11/01/2006
Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, năm 2005, trong số bệnh nhân bị ngộ độc vào điều trị thì có đến 40% số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, số người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sẽ tăng gấp ba lần ngày thường.
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Dụ (ảnh) , giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Thường thì vào các ngày lễ, Tết... là dịp cao điểm có số người bị ngộ độc nhiều nhất trong năm. Bằng chứng là Tết nào, chúng tôi cũng phải tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm, chưa kể uống phải rượu giả...

* Nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm, thưa bà?

- Có hai loại ngộ độc thực phẩm thường mắc. Thứ nhất, đó là ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra. Loại ngộ độc thứ hai là ngộ độc thực phẩm do hoá chất, chẳng hạn khi bệnh nhân ăn phải hóa chất bảo quản hoa quả, hàn the có trong giò, chả v.v.

Người ta sử dụng hàn the để bảo quản thực phẩm (giò, chả...) được lâu hơn, giữ protein lâu không phân hủy. Nếu người tiêu dùng ăn vào một lượng lớn, có thể xảy ra ngộ độc cấp. Còn nếu để nó tích lũy lâu trong cơ thể, một thời gian sau người tiêu dùng sẽ mắc một số bệnh mạn tính, thậm chí là ung thư nặng, biến đổi gene, ảnh hưởng đến thai nhi...

* Theo giáo sư, khi bị ngộ độc thực phẩm, biểu hiện chung là như thế nào?


Một quán hàng ăn vỉa hè
ở Hà Nội.

- Biểu hiện chung của các ca ngộ độc thực phẩm là nôn, đau bụng từng cơn, ỉa chảy liên tục, rối loạn nước điện giải, đôi khi kèm tức ngực, khó thở... Khi có các dấu hiệu trên cần đưa ngay bệnh nhân đi cấp cứu, tránh để lâu chất độc có thể ngấm sâu và bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong.

* Được biết, GS là chủ nhiệm đề tài về một loại thuốc chống độc rất hiệu quả, vậy khi nào thì sản phẩm thuốc này đến tay người tiêu dùng?

- Sản phẩm này có tên là Antipois B-Mai, dạng nhũ, thành phần chính là than hoạt tính. Người bệnh nếu uống thuốc này vào thì ngay lập tức thuốc sẽ hút hết chất độc, không cho hấp thu vào máu. Thuốc này có thể bán rộng rãi mà không cần phải kê đơn, vì bản chất nó không có hại. Chúng tôi đã nhượng quyền cho Xí nghiệp Dược phẩm Quy Nhơn sản xuất loại thuốc này.

* Trong khi công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, và nguy cơ ngộ độc trong dịp Tết Bính Tuất 2006 là rất cao, giáo sư có thể cho mọi người một lời khuyên?

- Người tiêu dùng cần tránh ăn các loại thức ăn không bảo đảm vệ sinh, có nguy cơ ngộ độc cao, như: tiết canh, chân gà nướng... Các bà nội trợ cần chú ý ngâm, rửa, gọt vỏ các loại rau quả. Không được để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống. Làm vệ sinh dụng cụ chế biến thật sạch trước và sau khi sử dụng. Trong bữa ăn, nên ăn ít hơn, bởi nếu ăn nhiều sẽ dễ bị bội thực, vì men tiêu hoá không đủ để tiêu hoá hết thức ăn.

* Xin cảm ơn bà!

Theo Theo Lao động