Xe máy: "Chảnh" nhất là quận 1
Nhà sách 42 Nguyễn Huệ khá nổi tiếng, khách nườm nượp nhưng khổ nỗi, nhà hầm giữ xe luôn đặc kín xe. Những ai đến đây sau 20 giờ, không thể tìm được chỗ gửi xe mà phải chạy qua đường đối diện hoặc ra sau lưng Nhà hát Thành phố. Có hôm, đợi khoảng 30 phút mới đến lượt mình gửi thì nhân viên lại khoát tay bảo: "Hết chỗ rồi". Anh bạn tôi thường hay lui tới khu vực này nói: "Giữ xe ở đây "chảnh" lắm. Vào những ngày lễ đông khách, các điểm giữ xe còn công khai chặt đẹp: 5.000 đồng/chiếc, riêng xe tay ga 10.000 đồng/chiếc. Kinh doanh ở đây béo bở nhất là loại này!".
Khu vực trung tâm thành phố, mặt bằng được tận dụng tối đa để mở nhà hàng, quán bar, các phòng tranh... thiếu bãi gửi xe tập trung, hàng loạt bãi gửi xe tự phát ra đời. Chỉ cần vài sợi dây thừng, dăm ba cái cọc là người ta có thể lập ra một bãi gửi xe...
Xe ô tô: Thiếu bãi, tràn ra đường
TP Hồ Chí Minh có hơn 2,5 triệu xe gắn máy và hơn 270.000 xe ô-tô (chưa kể số lượng xe từ các tỉnh). Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 100 xe ô-tô và 1.300 xe máy dăng ký mới.
|
Nguyễn Văn Tâm - tài xế của một công ty gốm sứ Bình Dương cho xe chạy lòng vòng ra đường Nguyễn Du, rồi Trương Định, cuối cùng anh cũng tìm được một chỗ cho phép đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước cổng Công viên Tao Đàn, cách tòa nhà HSBC - nơi anh chở sếp đến làm việc - khoảng 700 mét. Tâm than thở: "Mỗi lần chở sếp xuống đây là mình rất "ớn", bãi đậu xe thì không có nhưng tuyến đường nào cũng cắm biển "cấm dừng , cấm đậu", lơ ngơ là bị phạt ngay".
Thiếu các bãi đỗ xe tập trung, xe ô tô đậu tràn ra cả mặt đường, có thể nói , tất cả các tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố đều trở thành bãi đậu xe. Những tuyến đường vốn rất chật hẹp như Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Ngọc Thạch (quận 3); Chu Mạnh Trinh, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thượng Hiền (quận 1) luôn bị ùn tắc giao thông do lòng đường bị xe ô tô chiếm dụng. Ngay cả những tuyến đường cấm dừng, cấm đậu, các tài xế vẫn cho xe đậu thoải mái. Để không bị phạt, có người nổ máy, "chớp" đèn "xi-nhan" và luôn trong tư thế sẵn sàng cầm vô lăng để "lách luật", nhưng cũng có người chấp nhận đóng tiền phạt vì "còn rẻ hơn tiền xăng khi cho xe chạy lòng vòng".
Bãi đậu xe ngầm: Doanh nghiệp chưa "mặn"
Giữa năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham giá đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm. Sau khi thống nhất quy hoạch 8 bãi đậu xe bao gồm: Công trường Lam Sơn, Công viên Bách Tùng Diệp, Công viên Lê Văn Tám, khu vực số 116 đường Nguyễn Du, sân bóng đá Công viên Tao Đàn, bờ sông Sài Gòn và đường Nguyễn Huệ, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư theo các hình thức B.O.T hay B.O.O. Đến thời điểm này đã có năm dự án bãi đậu xe ngầm được TP đồng ý cho làm thủ tục đầu tư.
"Mở hàng" là dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám do Công ty cổ phần phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích khoảng 8,58 ha với tổng số chỗ đậu xe của bãi là 2.705 chỗ, trong đó, 1.255 chỗ cho xe ô tô và 1.450 chỗ cho xe hai bánh. Bãi đậu xe gồm ba tầng, tầng 1 (cao 4,5 mét) và tầng 2 (cao 3,8 mét) vừa làm bãi đậu xe vừa kinh doanh dịch vụ, riêng tầng 3 (2,7 mét) chuyên gửi xe.
Một dự án bãi đậu xe ngầm cũng được giới thiệu khá "rình rang" sẽ được xây dựng tại Công trường Lam Sơn, quận 1 (sau lưng nhà hát thành phố) do công ty Đông Dương làm chủ đầu tư. Công trình có quy mô 10 tầng hầm, trong đó 3 tầng dùng kinh doanh dịch vụ, tổng diện tích 4.298m2 , có sức chứa khoảng 1.900 xe. Theo thiết kế, công trình được áp dụng công nghệ hiện đại với 2 module chứa xe tự động, mỗi module gồm 8 tầng phần mềm hệ thống điều khiển tự động từ khâu đưa xuống đến lúc lấy xe ra với thời gian hoàn thành trong 1 phút. Dự án được đầu tư theo phương thức B.O (xây dựng kinh doanh), tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng.
Còn lại, ba dự án đang trong giai đoạn khởi điểm là Dự án bãi đậu xe ngầm tại sân bóng đá Công viên Tao Đàn, đang được chủ đầu tư là Công tỵ T.T.C khoan thăm dò địa chất; Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) do Công ty Điện tử - Tin học - Hóa chất (Bộ Quốc phòng) và một dự án tại sân vận động Hoa Lư (quận 1).
Mặc dù Thành phố đã có những ưu đãi như giảm đánh thuế thu nhập, thuế sử dụng đất, doanh nghiệp có thể tự quyết định giá và kinh doanh thêm các dịch vụ khác... nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa "mặn" với các dự án này vì những quy định ưu đãi của thành phố còn khá chung chung, chưa thống nhất. Đặc biệt, quy hoạch của thành phố vẫn chưa ổn định.
Có người cho rằng, đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm là "liều mạng" vì "bỏ ra bạc tỷ, thu bạc cắc". Công viên Lê Văn Tám có tổng vốn đầu tư khoảng 650-700 tỷ đồng, theo chủ đầu tư, giá thu phí 15-30 ngàn/xe/ngày, thời gian hoàn vốn từ 13-14 năm. Nếu như không được kinh doanh thêm các loại hình dịch vụ khác, thì cầm chắc phần lỗ. Tương tự, bãi đậu xe Công trường Lam Sơn, được xây dựng 10 tầng, nhưng theo chủ đầu tư, họ sẽ "ưu tiên" 3 tầng để kinh doanh dịch vụ, còn lại để giữ xe với giá mỗi lần gửi xe không dưới 30.000 đồng.
Thời gian để xây dựng một bãi đậu xe ngầm từ 1-2 năm, nhanh lắm phải đến năm 2007 TP Hồ Chí Minh mới có bãi đậu xe ngầm đầu tiên. Trong khi thành phố đang thiếu các bãi đậu xe thì tiến trình thủ tục của các dự án này quá chậm. Theo kế hoạch, dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám cuối năm 2005 sẽ khởi công, nhưng đến thời điểm này vẫn đang chờ Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định và nếu hai Bộ này đồng ý, UBND TP Hồ Chí Minh mới cấp phép đầu tư. Với dự án bãi đậu xe ngầm công trường Lam Sơn, chủ đầu tư Công ty Đông Dương cho biết, họ rất "nóng ruột" vì bắt đầu thực hiện lập thủ tục dự án này từ ba năm trước, mọi việc tưởng như sắp thành hiện thực vào cuối năm 2005 thì buộc phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với hai tuyến metro đi qua khu vực này. Công ty đã điều chỉnh xong, nộp hồ sơ và tiếp tục... chờ phê duyệt.
Trước tốc độ gia tăng số lượng xe máy, xe ô-tô như hiện nay, theo Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, trong 5 năm tới TP Hồ Chí Minh phải xây dựng 21 bãi đậu xe chứ không chỉ 8 bãi. Một số chuyên gia cảnh báo: TP Hồ Chí Minh cần có biện pháp cụ thể hơn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án bãi đậu xe ngầm, nếu không muốn rơi vào tình trạng "bấn loạn" lề đường trong vài năm tới".
Theo khảo sát của Công an TP Hồ Chí Minh, số ô-tô bốn chỗ thường xuyên có nhu cầu dừng đỗ trong khu vực quận 1 là khoảng 6.700 xe/ngày đêm, quận 3: 5.000 xe, quận 5: 3.000 xe, quận 10: 2.500 xe. Trong khi đó, chưa tính các bãi đậu xe trên lòng đường và vỉa hè, quận 1 chỉ có 6 bãi đậu xe với 432 chỗ và các bãi đậu xe riêng của các khách sạn, cao ốc với 2.460 chỗ.
|
|