Ông lão người Dao đỏ tìm nước, giữ rừng
Các Website khác - 14/09/2005
Ông Phan Phu Lìn (bên phải)
trong căn nhà của mình.
Nhắc đến ông Phan Phu Lìn, 63 tuổi, người Dao đỏ thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ai cũng thán phục. Ông chính là người mang nước về cho dân, giúp dân trồng được cây lúa nước. Ông còn giữ được rừng, trồng thảo quả cho thu hoạch lớn. Chủ tịch nước Trần Đức Lương vừa gửi thư khen ông vì "tinh thần dám nghĩ, dám làm".
Lều canh cá của ông già Phan Phu Lìn nằm vắt vẻo trên sườn đồi. Dưới chòi canh là cả một hồ cá rộng chừng 1 ha. Nghe đâu, ông thuê xe xúc từ dưới chân núi lên đây để khoét thung lũng nhỏ xinh này thành một nơi ở lý tưởng cho các loài thủy giới. Dưới ao, ông nuôi nào là trắm, mè, trôi, rô phi... Không thấy ông lão ở trong lều, chúng tôi ngỏ ý muốn đến nhà ông lão cách đó khoảng 6km. Khi gần đến nhà thì chúng tôi thấy ông lão người tầm thước lững thững, cầm ô đi bộ xuống. Ông già có nụ cười thật tươi, vui vẻ dẫn chúng tôi lên nhà.

Nguồn nước mầu nhiệm

Nhà ông rộng rãi thoáng đãng, được làm bằng gỗ, hai gian, có gác xép chứa thóc gạo, cộng với bếp ở bên cạnh. Phía trước nhà là sân được tráng xi-măng sạch sẽ. Sau nhà là khu tăng gia gồm cả ao cá, chuồng lợn, chuồng gà. Bên trong nhà tủ tường, ti-vi, đầu đĩa, đài... đủ cả. Ông nói tiếng Kinh rất dễ nghe: "Bác đang ở cùng con trai thứ hai. Nó đang là trưởng thôn này. Ngoài ngôi nhà này, bác còn hai nhà nữa. Trong đó, có một ngôi nhà xây bằng gạch kỳ công lắm". Rồi ông tự hào khoe sáu anh con trai của ông cũng đều có nhà riêng, to đẹp, có tivi, có máy phát điện , có máy xay xát... Cuộc sống sung túc. "Tất cả là nhờ mang được nước về cho người Dao đỏ".

Ông hăm hở dẫn chúng tôi ra tận ruộng bậc thang, nơi có một con lạch nhỏ dẫn nguồn nước suối mát lành từ trên núi cao cách đó 3,7km về tưới cho lúa, cho hoa màu. "Trước năm 1988, người Dao đỏ chúng tôi chủ yếu canh tác theo kiểu du canh du cư. Không có nước tưới, trồng lúa nương năng suất rất thấp, mà chỉ trồng được đến 3 vụ. Sau đó, lại phải phá rừng, đốt rừng cho vụ sau. Nhà ai chăm chỉ, khéo lắm cũng chỉ vừa đủ ăn. Còn thì hầu hết đều thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng. Người dân không biết chữ chiếm 95%, trẻ em đều thất học. Các hủ tục, tệ nạn xã hội, tình trạng trộm cắp thường xảy ra. Dịch bệnh hoành hành, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao". Thế rồi, từ những lần nghe chương trình phổ biến kiến thức nhà nông qua đài Tiếng nói Việt Nam, ông nhận ra rằng, phải có nước về, phải trồng lúa nước thì đời sống người dân thôn Phìn Ngan mới khá được. Nhưng nguồn nước ở trên núi cao, không dễ gì đưa về được. Ông tính kế đào một con mương mang nước về. Thế mà khi thuyết phục bà con trong bản, mọi người đều phủi đi nói: "Sao mà làm được việc ấy chứ!" rồi lắc đầu bảo nhau: "Có khi đến lúc lão Lìn chết đi, xương đã bị mối ăn hết rồi cũng chưa thu hoạch được gì đâu mà".

Không nản, ông về nhà huy động vợ con ra làm. "Phải làm mẫu cho bà con thấy là việc gì quyết tâm cũng làm được". Ròng rã hơn ba năm trời, ông và cả gia đình phá đá, đào mương làm việc cật lực, sức khoẻ mọi người đều giảm sút. Có những đoạn đá tảng, đá hộc to cản lối, ông phải mua thuốc nổ về phá đá. Lại có những đoạn phải đào đi đào lại vì mưa lũ, trâu bò và cả những kẻ xấu bụng, ghen ăn tức ở phá hoại. Thế rồi, sỏi đá nào cũng thua ý chí của con người. Đường mương dẫn nước dài 3,7km từ trên núi cao xuống ruộng nhà ông được hoàn thành. Mừng vui trước thắng lợi bước đầu ông nhanh chóng phủ xanh khu ruộng bằng lúa nước. Thế nhưng, do đất chưa thuần nên năng suất không cao. Kẻ xấu lại vì thế có cớ để bêu rếu, chê cười. Mặc, ông tìm cách mua những giống lúa lai tốt hơn, rồi bón phân, học kỹ thuật chăm sóc rất chu đáo. Vụ lúa năm 1992, gia đình ông thắng to. Từ ấy, trung bình mỗi năm nhà ông thu được hơn 10 tấn thóc. Đàn trâu nhà ông hiện lên tới 16 con. Người dân trong bản thấy ông đúng quá, bèn rủ nhau đến hỏi cách làm, rồi người người, nhà nhà chung sức làm đường dẫn nước về ruộng.

Hiện nay, toàn thôn Phìn Ngan với 55 hộ đều trồng lúa nước, đời sống ngày càng nhấm khá hơn. Theo đồng chí Trần Quang Dự, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, thì toàn thôn Phìn Ngan chỉ còn một hộ nghèo. "Từ chỗ là thôn ở độ cao nhất xã, kinh tế khó khăn nhất, thì nay có kinh tế khá nhất xã" - ông khẳng định.

Để giúp đỡ một số hộ xoá nghèo, ông Lìn cho ba hộ vay 30 triệu đồng với lãi suất rất thấp (trong đó có 15 triệu không lấy lãi), không những thế còn cho mượn hai con trâu và ba sào ruộng để cấy "khi nào có thì trả".

Giữ được rừng là ấm no

Kinh tế của thôn Phìn Ngan đi lên không chỉ nhờ cây lúa nước. Mà là nhờ một hệ quả có tính bắc cầu. Trồng được lúa nước, người dân không phải chặt phá rừng để làm lúa nương nữa. Rừng được bảo vệ, người dân lại có thể trồng cây thảo quả để làm giàu. Bởi loại thảo quả mà người ta hay mua để làm thuốc này có đặc tính là chỉ sống được ở những vùng núi cao, lạnh giá, dưới những tán rừng già. Chúng tôi tới Phìn Ngan vào mùa thu hoạch thảo quả nên phần lớn bà con đều lên rừng. Cả thôn hiện trồng được khoảng 80ha thảo quả, tương đương với từng ấy diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn được bảo vệ. Trong đó, riêng nhà ông Lìn đã có 10 ha thảo quả, thu hoạch 3 tấn mỗi năm. Mỗi cân thảo quả theo thời giá hiện nay là 90.000 đồng. Tính ra, gia đình ông thu được khoảng 270 triệu đồng/năm. "Chưa kể, có lúc thảo quả lên tới 150.000 đồng/kg".

"Nhiều người bảo, tôi có công lớn khi một mình giữ được 10 ha rừng. Nhưng theo tôi, cái quan trọng không phải là tôi giữ được bao nhiêu, mà là phải làm sao để cho toàn bộ người Dao đỏ ở thôn Phìn Ngan và cả những người dân khác, ở các địa phương khác hiểu được lợi ích từ rừng. Có rừng sẽ có cơm no, áo mặc, con cái được học hành, đời sống khấm khá. Không rừng, đất trống, đồi trọc thì xảy ra lũ quét, thiên tai, nghèo đói triền miên". Ông Lìn nói.

Đúng thế, một người dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể làm được tất cả. Điều quan trọng là vận động, là thuyết phục để toàn bộ người dân nhận thức đúng và làm theo. Có thế, những cánh rừng già quý giá mới được gìn giữ, bảo vệ đời sống ấm no cho người dân ở vùng "túi lũ, túi lốc" ở miền địa đầu của Tổ quốc.

Theo Quân đội nhân dân