Thị trường Hà Nội Tết Trung thu: Nhiều mặt hàng tăng giá
Các Website khác - 13/09/2005
Vài ngày trước Tết Trung thu, sức mua trên thị trường bắt đầu "nóng lên". Trên thị trường Hà Nội, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng truyền thống phục vụ Tết Trung thu đều có xu hướng tăng.

Bánh Trung thu giá cao

Năm nay, các nhà sản xuất lại vin vào đủ cớ: giá đường và các nguyên liệu tăng cao, cộng thêm giá xăng dầu điều chỉnh làm cho chi phí vận chuyển tăng, nên giá các loại bánh đã nhích lên 10 - 30% so với năm ngoái. Từ những sản phẩm bình dân cho đến những sản phẩm cao cấp của các nhà sản xuất lớn trên thị trường đều đồng loạt tăng giá.

Trên thị trường bánh Trung thu năm nay là các sản phẩm cao cấp, chủ yếu phục vụ nhu cầu biếu tặng. Ngoài sự tham gia của các nhà sản xuất quen thuộc như Kinh Ðô, Ðồng Khánh, Bibica..., còn có các khách sạn lớn như Hilton, Metropol, Sofitel, Daewoo, Horison... Không dừng lại ở các loại bánh nhân đậu xanh, nhân thập cẩm, trứng mặn, gà quay... như mọi năm, năm nay có thêm các loại bánh nhân bào ngư, vi cá, hải sản, tảo biển, dược thảo... Nhiều loại bánh được quảng cáo như thần dược quý, giúp tăng cường miễn dịch...

Các nhà sản xuất rất chú trọng khâu bao bì. Bánh được đựng trong các hộp thiếc, hộp sơn mài hoặc hộp giấy cứng có mầu đỏ, được lót lụa mầu vàng, trông sang trọng gắn với những cái tên mỹ miều, như "Dạ nguyệt đoàn viên", "Vọng kim nguyệt", "Trăng vàng tao nhã"...

Nhưng giá những sản phẩm này thì không dễ chịu chút nào. Một hộp bánh "Dạ nguyệt đoàn viên" sáu chiếc của Bibica có giá 170 nghìn đồng. Một hộp bánh bào ngư vi cá của Kinh Ðô giá 498 nghìn đồng. Còn giá các loại bánh của các khách sạn được tính bằng USD. Hộp bánh tám chiếc của khách sạn Sofitel Plaza là 12,8 USD, hộp bánh chín chiếc của khách sạn Hà Nội giá 13 USD. Hộp cao nhất có giá 60 USD (gần 1 triệu đồng/hộp). Với giá như thế, những sản phẩm này chỉ được một bộ phận nhỏ người tiêu dùng mua để biếu, tặng. Còn đối với các em thiếu nhi - đối tượng phục vụ chính của Tết Trung thu và phần lớn người lao động thu nhập trung bình, đó là món quà quá xa xỉ.

Tuy nhiên, không phải mua bánh nhiều tiền mà yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đợt kiểm tra đột xuất một số tụ điểm kinh doanh bánh Trung thu ở khu vực phố Hàng Buồm, Bà Triệu, siêu thị số 5 Nam Bộ, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện một số loại bánh Trung thu cao cấp không ghi hạn sử dụng, ngày sản xuất, hoặc ghi ngày sản xuất không đúng để kéo dài thời hạn sử dụng... Người tiêu dùng nên thận trọng, chỉ mua bánh có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại các cơ sở có sự giám sát, kiểm tra của các cơ sở y tế.

Hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá

Bánh Trung thu giá quá cao, nhưng khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường đều tăng giá đã tác động đến cuộc sống của các gia đình. Tại chợ Hàng Bè, giá thịt lợn thăn là 50.000 đồng/kg, sườn thăn 35.000 đồng/kg, thịt bò thăn 90.000 nghìn đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với trước... Các loại rau, củ cũng tăng giá. Cà chua, bí xanh, su-lơ, khoai tây... đều tăng giá 1.000 đồng/kg. Các loại rau bán theo mớ không tăng giá nhưng bó nhỏ hơn mọi khi. Ðậu phụ mơ vẫn giữ giá phổ biến 3.000 đồng/chục, nhưng bìa đậu làm nhỏ đi trông thấy.

Sắp đến rằm Trung thu, lượng hoa quả được tiêu thụ nhiều nhưng giá ở mức cao. Chị Thoa, bán hoa quả tại chợ Long Biên, cho biết: Giá các loại hoa quả đều tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại. Na dai có giá 20.000 đồng/kg, quýt miền nam 30.000 đồng/kg, hồng Ðà Lạt 20.000 đồng/kg. Ðào, lê Trung Quốc đều có giá 35.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị, nhóm hàng tăng giá nhiều nhất là hàng thực phẩm chế biến, đồ gia dụng, tăng đến 10%. Nhóm hàng công nghệ phẩm tăng 5%. Tăng giá rõ rệt nhất là các sản phẩm sữa. Một vỉ sữa tươi Vinamilk gồm bốn hộp 200 ml từ 11.500 đồng/vỉ tăng lên 12.500 đồng/vỉ. Các sản phẩm sữa của Nutifood, Elovi, Gain, Dumex... không tăng giá các sản phẩm cũ, nhưng ra thêm những sản phẩm mới với hình thức, mẫu mã mới, rồi bán với giá cao hơn.

Giá cả tăng, làm cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, vào loại khá trong giới công chức, thế nhưng vợ chồng anh Phong - chị Duyên (phường Láng Thượng) cũng chỉ tạm đủ trang trải các khoản chi tiêu hằng ngày của gia đình. Lương của anh 3 triệu đồng/tháng vừa đủ trả tiền học cho hai con, tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước, tiền xăng xe máy, tiền ga... Còn lương của chị để lo tiền ăn cho cả gia đình. "Trước đây, mỗi bữa ăn cho gia đình chỉ cần chi 30 nghìn đồng. Bây giờ, giá thực phẩm tăng lên, vẫn thực đơn cũ nhưng số tiền tăng lên 10 - 15 nghìn đồng" - chị Duyên tâm sự. Tính ra, mỗi tháng gia đình chị phải chi thêm 500 - 600 nghìn đồng để mua thực phẩm. Tiền xăng cho hai xe máy anh chị đi làm cũng mất thêm 60 nghìn đồng. Anh Phong cho biết: "Bức xúc nhất là một số dịch vụ, hàng hóa lợi dụng thời điểm này để tăng giá. Giá điện, giá nước không tăng, nhưng giá rửa xe máy bỗng dưng cũng tăng từ 4.000 đồng lên 6.000 đồng/lần".

Trước những biến động của thị trường, nhiều bà nội trợ đã chọn giải pháp cắt giảm chi dùng để tiết kiệm ngân sách gia đình. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế để đối phó với những biến động của thị trường.

Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Nguyễn Mạnh Hoàng cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngành tăng cường quản lý thị trường để chống hiện tượng đầu cơ, tăng giá, gian lận thương mại... Tổ chức các doanh nghiệp Hà Nội đi các tỉnh tìm nguồn hàng, cố gắng mua tận gốc, bán tận ngọn, giảm các khâu trung gian để hạ giá bán các mặt hàng. Ngành phối hợp với các tổng công ty, các nhà sản xuất, kinh doanh bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Lực lượng quản lý thị trường tổ chức ứng trực tại các chợ để ngăn chặn kịp thời việc các hộ kinh doanh tùy tiện tăng giá hoặc không niêm yết giá.

KIỀU HƯƠNG