Yêu Việt Nam như một người Việt Nam
Các Website khác - 14/09/2005
Trong số các vị khách nước ngoài tham dự hoạt động kỷ niệm 60 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam vừa qua có một người khách đặc biệt. Đó là ông Konstatinos Fitsitzoglu, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Bông. Ông là một trong hai người Hy Lạp trực tiếp cầm súng, sát cánh cùng bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bằng chất giọng “đặc sệt” Quảng Bình, ông Bông kể cho chúng tôi nghe con đường đến với cách mạng Việt Nam của ông. Năm 20 tuổi, không lý tưởng, không hiểu biết về chính trị, người thanh niên Fitsitzoglu tình cờ tham gia quân đội lê dương Pháp xâm lược Việt Nam. Tháng 5-1946, sau khi được huấn luyện ở Algeria, ông được đưa đến chiến trường Bình Thuận. Chứng kiến tận mắt cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu, phi nghĩa của thực dân Pháp, được sự giác ngộ chính trị của một người phiên dịch Việt Nam tên là Đông mà ta cài vào hàng ngũ của địch và một người dân tộc Chăm tên là Ca, Fitsitzoglu đã dần dần nhận thức được lý tưởng và mục đích chiến đấu của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Tháng 8-1946, ông quyết định từ bỏ quân đội lê dương Pháp, liên lạc với chiến khu và trực tiếp cầm súng chiến đấu tại đại đội 3, Trung đoàn 812, tỉnh Bình Thuận. Từ đấy, Fitsitzoglu được mang cái tên Việt Nam: Nguyễn Văn Bông.

Ông Bông tâm sự, đứng vào hàng ngũ những người Việt Nam chiến đấu vì chính nghĩa, cuộc đời ông bước sang một trang mới, gian khổ nhưng tràn đầy nhiệt huyết và tự hào. Đồng đội và người dân Bình Thuận biết lai lịch của ông Bông khi ấy đều yêu mến và thân ái gọi ông là “đồng chí Bông”. Vào chiến khu khi ấy, ông vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục những người lính Việt Nam vũ khí thô sơ, thiếu thốn, phải cướp súng của Pháp để đánh Pháp mà tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời. Ông nghĩ, một dân tộc với những con người bình dị mà vĩ đại nhường ấy nhất định phải được sống trong hoà bình, độc lập. Ông nhớ mãi kỷ niệm trong một lần hành quân, khi ông và các đồng đội nghỉ đêm tại một làng ở tỉnh Bình Thuận, một bà già Việt Nam đã bỏ vào tay ông một đồng tiền. Đêm tối, ông không nhìn rõ mặt người phụ nữ nhân hậu ấy nhưng khi ấy ông đã bật khóc vì tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho ông. Ông càng quyết tâm sống và chiến đấu để không hổ thẹn với tình cảm chân thành ấy.

Năm 1954, ông cùng đơn vị ra tập kết ở Thanh Hoá. Sau đó, ông giải ngũ, làm lái xe ở nông trường Phú Quý, rồi làm thợ máy tại một nhà máy xay ở tỉnh Quảng Bình. Năm 1960, ông lấy vợ là một phụ nữ người Quảng Bình, có ba con. Muốn chăm sóc người mẹ già ở Athens, Hy Lạp, năm 1965, ông cùng vợ và các con trở về quê hương. Năm 1995, sau khi nghỉ hưu, mỗi khi có điều kiện, ông đều trở về Việt Nam, thăm đồng đội và chiến trường xưa. Trong mười năm gần đây, ông ra nước ngoài năm lần và năm lần đó ông đều đến Việt Nam. Ông tâm sự, "Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi, là nơi tôi có biết bao kỷ niệm nên mỗi khi có dịp, tôi đều quay lại nơi đây". Ông bồi hồi kể lại niềm vui mừng khôn xiết khi ông gặp lại những người đồng đội cũ ở Trung đoàn 812 sau 30 năm. Những cựu chiến binh chống Pháp đã ôm nhau khóc khi ôn lại những kỷ niệm về những tháng ngày gian khổ mà hào hùng.

Ông Bông rất tự hào vì ông là một trong hai người Hy Lạp đã trải qua thực tế cầm súng chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Ông nói rằng, ông yêu Việt Nam như một người Việt Nam chân chính. Sự đóng góp của ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam biết ơn và ghi nhận. Ông đã vinh dự được trao tặng Huy chương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nay đã bước sang tuổi 80, ông chỉ mong mình đủ sức khoẻ để có thể về thăm Việt Nam, chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của đất nước mà ông rất yêu mến và gắn bó.

BÍCH HẠNH