Bà Rịa - Vũng Tàu : Đối tượng lây nhiễm đang "mở rộng" trong giai đoạn 2001-2005
Các Website khác - 03/01/2006

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 3.159 ca HIV/AIDS được phát hiện xếp thứ 3 về tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cả nước. Theo dự báo, trong vòng 5 năm tới, số người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh được tích lũy lên đến 5.289, tỷ lệ trên 100 ngàn dân sẽ là 515,50 thay vì 387,88 như hiện nay. Trong khi tình hình lây nhiễm HIV/AIDS đang có xu hướng gia tăng thì công tác này lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

HIV/AIDS CÓ CHIỀU HƯỚNG LAN RỘNG

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2001-2005 vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, bác sĩ Nguyễn Xuân Hoan, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, đến thời điểm này, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng xếp thứ 3 trong cả nước về tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS và xếp thứ 9 về tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện. Điều đáng lo ngại là hầu hết số người nhiễm HIV/AIDS còn trẻ tuổi, đang trong độ tuổi lao động (94,27% người nhiễm từ 15 đến 39 tuổi). Số đối tượng nhiễm HIV/AIDS nghiện chích ma túy cũng chiếm tỷ lệ cao so với cả nước (65,43%, trong khi cả nước chỉ là 60%). Trước đây, quan niệm xã hội vẫn cho rằng, HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, chỉ có đối tượng nghiện chích ma túy và mại dâm mới có HIV/AIDS. Thế nhưng, hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS thuộc đối tượng là gái mại dâm, nghiện chích ma túy đang chững lại và có xu hướng giảm dần, trong khi đó, lại có chiều hướng gia tăng ở những đối tượng được coi là "ít nguy cơ". Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong thanh niên tuyển nghĩa vụ quân sự chiếm 2,85%, còn tỷ lệ này ở người hiến máu là 0,47%. Cũng theo thống kê của ngành y tế tỉnh, nếu như năm 2001, có 10 thai phụ nhiễm HIV/AIDS được phát hiện, thì đến năm 2005, con số này đã lên đến 34 người (chiếm tỷ lệ 1,08%). Điều đó cho thấy, HIV/AIDS đang lan rộng ra cộng đồng và không chỉ "khoanh vùng" trong đối tượng có nguy cơ cao như nhiều người vẫn nghĩ. Số trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi vì HIV/AIDS cũng đang gia tăng trong cộng đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là tỉnh có số trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi nhiễm HIV/AIDS chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh, với 24 trường hợp.

LỰC LƯỢNG PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS QUÁ MỎNG, CÒN "VƯỚNG" KHI LÀM NHIỆM VỤ

Theo nhận định, mặc dù HIV/AIDS diễn biến rất phức tạp nhưng những hoạt động thực tế cho công tác này vẫn chưa bắt kịp tốc độ lây nhiễm của đại dịch này. Ngay cả mạng lưới phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đến nay vẫn còn quá mỏng. Nếu tính theo tỷ lệ, mới chỉ có chưa đầy 5% cán bộ chuyên trách được "phủ sóng" từ tỉnh đến xã, phường, thậm chí tại Văn phòng thường trực phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế) cũng không tuyển dụng đủ định biên để làm công tác này vì nhiều lý do, trong đó có lý do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Còn Khoa AIDS, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng chỉ có 2 cán bộ kiêm nhiệm. Lực lượng phòng chống HIV/AIDS ở tuyến cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm và số cán bộ chuyên trách ít ỏi cũng thường xuyên "được" điều động khi có các dịch khác như sốt xuất huyết, SARS hay cúm gia cầm…

Từ 2006-2010, tỉnh đề ra mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau năm 2010, giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn này, các mục tiêu cụ thể được xác định là 100% các đơn vị, địa phương trong tỉnh đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị và địa phương.

Đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng được phát triển, nhưng lại gặp nhiều trở ngại khi thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như việc tiếp cận truyền thông phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho người nghiện ma túy vẫn chưa được thuận lợi. Còn hành vi phát bơm kim tiêm và hướng dẫn khử trùng cho người nghiện ma túy nhiễm HIV được coi là hành vi cung cấp phương tiện cho tiêm chích ma túy! Việc phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su cho nhóm mại dâm cũng "gian nan" không kém, nhiều quan điểm vẫn trái ngược nhau, thậm chí một số cơ quan chức năng còn coi đây là hành vi khuyến khích mại dâm, xem việc cất giữ bao cao su trong người là vật chứng về hành vi bán dâm (?!)

Trong khi đó, các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền cơ sở nhiều nơi vẫn còn xem nhẹ công tác phòng chống HIV/AIDS, không chỉ đạo sát sao, còn cho rằng phòng chống HIV/AIDS là của riêng ngành y tế.

Chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS còn chưa được giải quyết thoả đáng cũng là nguyên nhân khiến cho ít người mặn mà với công tác này. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hoan, chế độ bảo hiểm rủi ro cho người trực tiếp làm công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa được ban hành. Hiện nay, cán bộ phòng chống HIV/AIDS từ cấp tỉnh đến cơ sở vẫn chưa được hưởng phụ cấp độc hại nào, mặc dù họ đang phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Bác sĩ Hoan cho rằng, trong khi chờ đợi trung ương có chính sách cụ thể, tỉnh nên xem xét để ban hành một chế độ, chính sách đặc thù của địa phương để lực lượng này an tâm công tác, gắn bó với nghề nghiệp…