Bán thân nơi đất khách và những mảnh đời bất hạnh
Các Website khác - 24/03/2003

Xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, An Giang có đến 210 phụ nữ và trẻ em bị dụ dỗ bán qua biên giới hành nghề mại dâm. Có cô bị chính cha mẹ mình bán để đổi lấy vài triệu đồng. Khi quay trở về nước, đa số các cô đều trong tâm trạng chán nản, nhiều người đã chết vì AIDS.

K. là một trong số những người may mắn thoát về được Việt Nam sau 4 năm hành nghề mại dâm bên Campuchia. Mới 22 tuổi, nhưng đôi mắt K. hằn sâu những vết chân chim. Rời làng khi mới 16 tuổi, K. sang Campuchia theo lời giới thiệu của một người cùng làng. Tháng đầu cô chỉ làm bưng bê, quét dọn, đổ rác, nhưng sang tháng thứ hai thì phải ăn mặc quần áo hở hang và bị ép tiếp khách. K. cự tuyệt thì bị đánh đập rất dã man. Bà chủ bảo: "Mày nợ tao ngập đầu, bán dâm cả đời cũng không trả nổi đâu...". Đã mấy lần cô trốn đi nhưng đều bị bắt và bị đánh cho thừa sống thiếu chết. Cuối năm 2000 cô mới trốn được về quê hương.

N.T.D. cũng bị lừa bán cho nhà chứa từ năm 16 tuổi. 3 năm sau trở về ấp Bình Tây 2, xã Bình Thạnh Đông cũng là lúc căn bệnh AIDS đang gặm mòn thân xác. Bị gia đình chối bỏ, dân làng thương quá mới mang cô ra đồng cất cho một cái chòi để mỗi ngày thay phiên nhau mang cơm ra nuôi. Đêm đêm cả làng ai cũng xót xa khi nghe tiếng khóc ai oán não nề của D. Cũng tại xã Bình Thạnh Đông còn có X., mới 17 tuổi sang Campuchia bán trinh cho một thương gia Hoa kiều. Cha mẹ X. trực tiếp đứng ra nhận tiền và tiễn con lên biên giới. Chỉ một tuần sau, X. trở về làng cùng với căn bệnh AIDS. Gia đình phải cất chòi sau nhà cho cô ở riêng. Trong cơn hấp hối, X. đã gọi tên cha mẹ mình để chì chiết vì chính họ đưa cô trở về cõi chết.

Theo anh Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông, trong số hơn 200 phụ nữ và trẻ em bị bán qua biên giới, có em mới 13 tuổi. Tại đây đã hình thành một đường dây mua bán phụ nữ nhắm vào số thiếu nữ nông thôn nghèo, hoàn cảnh khó khăn để lừa bán sang biên giới. Hiện trong xã có ít nhất 10 trường hợp bị nhiễm HIV và đã tử vong 6 người. Anh Đức cho rằng số người bị nhiễm căn bệnh này chắc chắn còn cao hơn vì nhiều gia đình không muốn trình báo sau khi con họ trở về.

Để giải quyết công ăn việc làm, cũng như ngăn chặn làn sóng sang Campuchia hành nghề mại dâm, Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang, được sự tài trợ của Tổ chức Terre Des Hommes, Đức đang triển khai dự án phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Dự án kéo dài đến năm 2004, gồm 4 chương trình: hỗ trợ tín dụng, dạy nghề miễn phí, cấp học bổng cho nữ sinh nghèo và vận động tuyên truyền. Anh Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông, cho biết: "Trong giai đoạn 1 chúng tôi đã hỗ trợ tín dụng cho 27 hộ 40 triệu đồng, cấp 50 suất học bổng cho nữ sinh nghèo, mở một lớp dạy may công nghiệp tại trụ sở UBND xã cho 40 em từ Campuchia được vận động trở về và các em gia đình nghèo có nguy cơ bị bán".

Chị Nguyễn Bảo Yến, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH An Giang cho biết thêm, ngoài các chương trình trên, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cho Bình Thạnh Đông chương trình hướng nghiệp dài hơn, đưa 20 em về ĐH Cần Thơ cho học nghề chăn nuôi, sau đó hỗ trợ luôn con giống. Ngoài ra, các em học nghề may sẽ được hỗ trợ tìm việc làm.