Cần bàn tay nâng dậy của doanh nghiệp
Các Website khác - 10/01/2006
CNLĐ cai nghiện ma tuý và tệ nạn xã hội:
Cần bàn tay nâng dậy của doanh nghiệp

Dự án SMARTWork VN cho biết, số người LĐ nhiễm HIV/AIDS hiện có ở mọi thành phần kinh tế, trong đó có khoảng 1.000 CB CNV. Vấn đề đặt ra hiện nay là vai trò của DN trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch, bởi có không ít nơi người LĐ đã bị sa thải ngay từ khi có dấu hiệu nghiện ma tuý (MT) - một trong những con đường dẫn tới HIV/AIDS.

CNLĐ được khám sức khoẻ định kỳ.
"Xin đừng kỳ thị chúng tôi"

Đó là lời tâm sự của nhóm cộng tác viên của Dự án SMARTWork VN tại hội nghị do Tổng LĐLĐVN tổ chức cuối tháng 12 vừa qua. Họ là những người nhiễm HIV ở Thái Bình, Quảng Ninh. Mỗi người một lý do nhiễm, từ chồng, từ tai nạn nghề nghiệp, từ một phút buông thả...

Hôm đó, đại biểu được yêu cầu không dùng máy ảnh, máy quay phim hay bất kỳ phương tiện nào có thể ghi hình. Bởi dù đang tích cực làm công tác tuyên truyền, nhưng nhóm cộng tác viên không muốn công khai danh tính vì sự kỳ thị vẫn hiển hiện xung quanh.

Ngay như P.Đ.T - một CNLĐ nỗ lực vượt qua khó khăn để cai nghiện MT - cũng chỉ dũng cảm ở mức công khai tâm sự quá trình cai nghiện mà thôi. Điều đáng nói là sau khi bỏ hẳn MT, P.Đ.T đã được Cty (thuộc ngành công nghiệp) bố trí việc làm, hiện phụ trách hẳn một bộ phận, nhưng anh và cả người đưa anh đến hội nghị cũng không muốn công khai danh tính... Tất cả chỉ vì sợ sự xa lánh của những người xung quanh, của đồng nghiệp.

Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ CNLĐ các ngành nghề LĐ phân tán, địa bàn xa xôi hẻo lánh như bưu điện, đường sắt, xây dựng, giáo viên dạy vùng cao đã bị lôi kéo vào tệ nạn MT. Nghiêm trọng hơn, có 117 giáo viên nghiện MT, trong đó một số người tham gia buôn bán vận chuyển MT. Nhận thức của CNVC-LĐ về vấn đề này có được nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn chưa đầy đủ, nhất là CNVC-LĐ vùng sâu, vùng xa.

Doanh nghiệp trong cuộc chiến
Theo TLĐ thì vẫn còn nhiều cơ quan, DN chưa thực hiện tốt vấn đề giúp đỡ người nghiện MT là CNVC-LĐ, vẫn buộc họ thôi việc để không phải gánh chịu hậu quả. Trong khi đó, việc "công nhận HIV/AIDS là một vấn đề của nơi làm việc" đã được ILO đưa vào 10 nguyên tắc cơ bản của Bộ quy tắc thực hành. Nếu lãnh đạo DN, với sự phối hợp của CĐ nhận thức rõ vấn đề này thì người LĐ sẽ tránh bị đẩy vào bước đường cùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Mạnh Dũng - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Ford VN - cho biết, từ giữa năm 2005, CĐ đã ký kết với chuyên môn về việc xử lý trường hợp CNLĐ nghiện MT. Nếu phát hiện bị nghiện MT, người LĐ sẽ được nghỉ 3 tháng để cắt cơn, thời gian đó CĐ hỗ trợ từ 300.000 - 500.000đ/trường hợp và thường xuyên phối hợp với y tế kiểm tra. Sau 3 tháng cắt cơn, người LĐ được bố trí việc làm nhẹ nhàng để phục hồi sức khoẻ.

Với cách làm này, trong số 5 CNLĐ nghiện của Cty có 2 người đã quay lại làm việc, 3 vẫn tiếp tục cai nghiện lần thứ hai. Theo ông Ngô Huy Toán - Phó Chủ tịch CĐ Công nghiệp VN - hiện số người nghiện trong ngành là 690, trong đó khoảng hơn 300 người nghiện 2 năm, 35 người nhiễm HIV.

Ngoài việc xây dựng làng công nhân kiểu mẫu không có tệ nạn, CĐ ngành còn vận động các DN có người mắc nghiện tạo điều kiện cho họ cai. CĐ ngành cũng dự kiến tổ chức đoàn kiểm tra về chăm lo sức khoẻ cho người LĐ.

Thu Trà