Đối thoại cùng tuyệt vọng
Các Website khác - 08/01/2006

Hoạ sĩ nhiễm HIV Nguyễn Trọng Kiên
Đối thoại cùng tuyệt vọng

Nhà báo Dạ Thảo Phương

Nguyễn Trọng Kiên là một trong hai người nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam tự nguyện công khai lộ diện. Từ năm 2003 đến nay anh đã có 3 triển lãm tranh cá nhân và triển lãm thứ 4 của anh cũng sắp ra mắt. Tôi muốn viết ra đây câu chuyện của Kiên, không phải chỉ muốn chia sẻ cùng những người nhiễm HIV, mà với tất cả những người đã từng và đang có một nỗi đau, những người đang phải thở cùng tuyệt vọng...

Nguyễn Trọng Kiên dạy vẽ cho
trẻ em nhiễm HIV.
Đã có không ít chương trình truyền hình, bài báo viết về các cuộc triển lãm hội hoạ mà Kiên là nhân vật chính. Nhưng thật không dễ gì được lắng nghe Kiên bộc bạch những điều sâu kín trong tâm tư, vì với chàng trai mới 29 tuổi đã có mười một năm chung sống với căn bệnh được gọi là "bóng ma thế kỷ" này, câu hỏi nào cũng có thể trở thành quá nhạy cảm, còn câu trả lời thường là "Thôi đừng nói chuyện này nữa". Và, Kiên sẽ im lặng rót thêm nước cho người đối thoại, rót cho mình một chén rượu thật đầy, với đôi mắt hơi đỏ lên...

"Búpbê ngã"
Đó là tên một bức tranh khá nổi tiếng của Kiên, được vẽ năm 1997 - hai năm sau khi Kiên nhiễm HIV. "Búpbê ngã" là nỗi thảng thốt vừa ngây thơ, vừa xót xa của một đứa trẻ bị tuột khỏi tổ ấm, phải chơ vơ đối mặt với một tai hoạ khủng khiếp mà tâm hồn non nớt của nó không sao hiểu nổi tại sao lại xảy ra với mình.

Trước khi gặp Kiên, tôi đã tìm những thông tin về Kiên trên mạng, được biết anh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về hội hoạ. Đến khi tới nhà Kiên, nhìn căn nhà ba tầng rộng rãi trong một khu phố lớn ngay giữa trung tâm Hà Nội, tôi lại càng đoan chắc chàng hoạ sĩ trẻ này hẳn phải có một tuổi thơ nhung lụa. Vậy mà, sự thật lại khác xa.

Kiên sinh ra và lớn lên trong trại tị nạn, và kết thúc tuổi thơ trong những trại giáo dục bắt buộc, trại cai nghiện. Xen kẽ giữa các quãng đời làm "trại viên" ấy là những ngày tháng đầy tổn thương và mặc cảm. Mười ba tuổi đã biết uống rượu "ra vấn đề", mười tám tuổi nhiễm HIV. Tôi hỏi Kiên, vẻ đẹp gì làm anh xúc động nhất trong thời niên thiếu. Kiên bảo, đó là màu trời xanh ngăn ngắt của những buổi chiều ở Ba Vì, "Nhưng đó là màu trời bị dây thép gai đâm nát. Hồi đó, tôi sống trong trại giáo dục bắt buộc mà".

Trả giá cho "cuộc chơi"
Kiên bảo, mình đã thật dại dột khi coi cuộc đời là một cuộc chơi, mà đã chơi, thì phải "chơi tới bến", bất kể là bến gì. Ác thay, cuộc chơi ấy không đòi trả tiền vé trước, nhưng giá lại quá đắt.

- Rượu, thuốc lá, ma tuý và mại dâm - một thời gian dài, đó đã là môi trường mà tôi ngụp lặn điên cuồng trong ấy. Bây giờ bị thế này, thật không thể trách ai. Tôi lây HIV qua bạn gái, vốn là một nhân viên của khách sạn. Tôi nhớ như in ngày nhận tờ kết quả xét nghiệm báo dương tính - ngày 13.10.1995.

- Khi đó, Kiên cảm thấy thế nào?

- Buồn. Thật ra khi ấy tôi cũng chưa thực sự hiểu đang phải đối mặt với cái gì. Cô y tá hỏi có cần đưa về không, tôi đáp: "không cần". Đi bộ một mạch từ phòng xét nghiệm về nhà, rồi nốc rượu "tàn bạo" luôn. Khi ấy, tôi chắc mẩm chỉ ngày một ngày hai là mình sẽ chết.

- Đó có phải giây phút tồi tệ nhất trong đời Kiên?

- Chưa. Thấm vào đâu so với những gì xảy ra sau đó. Năm 1995, luật bảo mật những thông tin về người nhiễm HIV chưa có, nên chẳng bao lâu, thiên hạ không gọi mình là Kiên nữa, mà là "Kiên Sida". Hồi ấy, những thông tin tuyên truyền về căn bệnh HIV kém xa bây giờ. Mọi người cũng chỉ nghe đồn thổi là tôi "bị", nhưng thế cũng đã đủ làm họ gớm ghiếc. Người ta nghĩ nói chuyện với tôi cũng có thể bị lây.

Nhiều người vì dùng ma tuý mà bị nhiễm HIV, còn Kiên thì lại vập vào ma tuý trong cảm giác cùng đường sau khi bị nhiễm HIV. Năm 1999, Kiên thi đỗ Đại học Mỹ thuật. Một lần, Kiên vừa bước vào giảng đường thì cả giảng đường lần lượt bỏ ra ngoài hết, họ bảo với thầy giáo: "có Kiên thì không có bọn em". Thế là Kiên đành phải đi ra. Năm 2000, người bạn gái (nhiễm HIV) của Kiên mất. Vừa đi đưa tang bạn gái trở về, Kiên nhận được tờ thông báo đuổi học. Kiên nói: "Tôi không thể tìm ra từ để diễn đạt cảm xúc của mình những giây phút đó".

Sau đó, là những chuỗi ngày đen tối, ngột ngạt nhất của đời Kiên. Những chuỗi ngày thật dài, thật cô độc và tuyệt vọng. Nhốt mình trong căn gác tầng hai, không người san sẻ, Kiên dựng đầy gương khắp phòng để có cảm giác không một mình. Càng cô đơn, Kiên càng thèm khát yêu thương, thèm khát tình cảm của người phụ nữ, đến mức như Kiên cũng phải tự nhận là "bệnh hoạn". Kiên treo quần áo phụ nữ khắp nhà để mọi người và để chính Kiên tưởng mình đang có bạn gái, Kiên vẽ môi phụ nữ lên tay và hôn tưởng đến vỡ da. Kiên nốc rượu. Kiên khóc. Kiên vẽ. Thực ra, là miết nỗi lòng chất chứa của mình lên toan. Với Kiên, nghệ thuật chính là sự cứu rỗi.

- Khi người ta quá đau khổ, quá tuyệt vọng, người ta thường tự cho phép mình làm một điều gì đó thật kinh khủng với chính họ. Kiên đã cho phép mình làm gì?

- Tôi cho phép tôi xuất hiện dưới ánh mặt trời. Tôi công bố cái mặt tôi. Tôi đã viết thư gửi khắp các tổ chức xã hội liên quan đến HIV, với một thông điệp: Tôi là một hoạ sĩ, tôi nhiễm HIV. Tôi cần sự giúp đỡ để có thể giúp đỡ những người nhiễm HIV khác. Tôi muốn triển lãm tranh.

- Người ta mắc chứng đau dạ dày còn muốn giấu, sao Kiên không ngại ngùng tự công khai mình nhiễm HIV?

- Tôi đấu tranh tư tưởng kinh khủng lắm chứ. Sợ cho mình, nhưng sợ nhất là cho gia đình. Bố mẹ đã quá khổ vì tôi, giờ lại còn gánh nặng dư luận. Nhưng tôi không thể cứ đóng chặt cửa giam mình trong bóng tối mãi thế. Tôi không muốn dựng đầy những tấm gương quái quỷ ấy quanh mình nữa. Tôi không muốn tiếp tục treo quần áo phụ nữ khắp phòng và vẽ môi phụ nữ lên tay. Tôi không muốn, tôi không thể tiếp tục như vậy nữa.

Dưới mặt trời

- Vậy từ khi "xuất hiện dưới mặt trời", Kiên cảm thấy mình bị thiêu đốt hay được chiếu sáng?

- Cả hai. Ngay sau triển lãm đầu tiên, tôi có thêm rất nhiều bạn bè, ngày nào cũng nhận được thư, điện thoại... Nhiều người trong số đó cũng nhiễm HIV, họ nói đã cảm thấy bớt tuyệt vọng hơn nhiều khi biết một người như tôi - bị nhiễm HIV - mà vẫn lao động nghệ thuật, vẫn được xã hội chấp nhận. Cũng có nhiều người không nhiễm HIV đã nói rằng tôi đã giúp họ hiểu hơn những người bị nhiễm, và nhất là khích lệ nghị lực của họ vượt qua đau khổ, bởi nhiễm HIV suy cho cùng cũng là một trong muôn ngàn cảnh khổ...

Nhưng tôi cũng gặp cơ man những chuyện rắc rối. Hàng cắt tóc quen từ chối, buổi sáng muốn ăn bát bún cũng không ai bán cho. Trời nóng, muốn ăn một que kem Tràng Tiền, nhưng vừa nhận ra tôi, người bán hàng đã có một thái độ làm tôi hết sức tổn thương.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng việc người bị nhiễm HIV xuất diện là tốt cho chính họ vì trước hết là không phải sống trong tâm trạng giấu giếm, và sẽ có nhiều cơ hội được giúp đỡ, hướng dẫn sống chung với nó.

Mặt khác, việc xuất diện này cũng rất tốt cho sự an toàn của cộng đồng. Nhưng nếu muốn khuyến khích việc xuất diện này, bản thân các dự án về HIV cũng cần nhiều thay đổi. Hiện nay, tôi đang tham gia cùng một số tổ chức làm các tờ rơi tuyên truyền về việc phòng chống và điều trị HIV, trong đó các hình vẽ minh hoạ dí dỏm, nhẹ nhàng hơn chứ không toàn "đầu lâu, xương chéo" làm "ngoáo ộp" doạ người xem.

Trần đời, không gì khổ bằng một người nhiễm HIV ở VN. Người nhiễm HIV thường cũng là dân nghiện hoặc mại dâm, hoặc "ba trong một" luôn, trong khi chỉ cần là một trong ba thứ ấy đã "lãnh đủ". Chưa nói đến phương diện tinh thần, chỉ riêng chuyện kiếm được công ăn việc làm tử tế đã cực khó. Nhiều người đúng là không có cái mà ăn - theo nghĩa trần trụi của từ này. Các dự án cũng nên bớt chi tiêu vào phần "đánh trống thổi kèn", tập trung giúp đỡ người bị nhiễm HIV một cách thiết thực, ví dụ như tạo công ăn việc làm phù hợp để họ không bị dồn đến cùng đường, không làm nặng gánh thêm cho xã hội

Hai năm nay, Kiên đã trở thành một trong những tình nguyện viên xuất sắc nhất của nhiều tổ chức xã hội vì mục đích từ thiện hoặc phòng chống HIV. Kiên được bầu vào ban Thư ký của dự án hợp tác giữa Quỹ toàn cầu HIV/AIDS và Bộ Y tế VN, anh cũng là đại diện cho người nhiễm HIV ở VN của tổ chức này. Kiên là thành viên của Hương Sen (CLB Người nhiễm HIV/AIDS thuộc chùa Pháp Vân). Kiên dạy vẽ cho các em nhỏ nhiễm HIV ở Trung tâm Lao động Xã hội 2.

Giờ đây, cuộc sống tinh thần ổn định hơn, trông Kiên đã khá hơn nhiều nhưng sức vẫn yếu. Song sức lao động nghệ thuật của Kiên thì các hoạ sĩ vẽ "hăng" nhất cũng phải lắc đầu nể phục. Đến nay, Kiên đã có hơn 1.000 tác phẩm.

Đợt chuẩn bị cho triển lãm mùa hè vừa rồi, chỉ trong 5 tháng mà Kiên vẽ được hơn 40 bức tranh. Có hoạ sĩ bảo: "như thế thì chỉ có nước ăn, ngủ trên giá vẽ luôn". Những bức tranh của Kiên cũng khác xưa, không còn đen tối, quằn quại như ở triển lãm đầu tiên mà bọn tôi vẫn đùa là "càphê đen, không đường, không đá, đun sôi sùng sục".

Tranh Kiên giờ đây trong hơn, sáng hơn. Kiên vẽ cuộc đời ở phía những vẻ đẹp bình dị, những ước mơ thầm thì nhưng mãnh liệt.

... Tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của Kiên: "Tôi phải dốc sức lao động vì luôn phải đối mặt với cái chết, và vì đó là cách tốt nhất để tự trọng và được tôn trọng".