Một ngày của cô giáo Liễu
Các Website khác - 12/11/2003

Cô giáo Nguyễn Thị Liễu bên các cháu nhiễm HIV trong giờ ăn cơm trưa

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Mầm non, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Liễu về dạy tại Trường Mầm non Khiết Tâm. Biết tin Trung tâm Tam Bình mở lớp nuôi dạy trẻ nhiễm HIV, Liễu xin về dạy và là một trong những cô giáo đầu tiên ở đây. Đến tháng 12 này, lớp nuôi dạy trẻ nhiễm HIV tròn tuổi, cũng là một năm cô đã gắn bó với các cháu

Theo chân cô giáo Liễu vào phòng số 2 - khu của trẻ từ khoảng 2 đến 7 tuổi - trên 10 đứa trẻ đang say mê xem phim hoạt hình đứng bật dậy, khoanh tay chào tôi. Những đôi mắt mở to ngạc nhiên vì có người lạ đến. Đến vào đúng giờ tắm của các cháu nên tôi được dịp chứng kiến một phần công việc của cô Liễu. Đây là công việc mà nhiều người e ngại, không mấy sẵn sàng vì phải tiếp xúc với thân thể trẻ nhiễm HIV nhiều nhất.

“Cô lấy bánh cho Nhi ăn nha!”

Ban đầu, những đứa trẻ còn đứng sắp hàng, lần lượt chờ đến phiên của mình. Song chẳng mấy chốc, chúng tản ra như ong vỡ tổ khiến cô Liễu vừa tắm vừa phải gọi. Căn bệnh quái ác khiến hầu hết những đứa trẻ đều mang trên mình những vết ghẻ lở. Có những vết đã khô mặt nhưng có những vết đang lở ra, đỏ ửng. Bàn tay cô lần lựa, nhẹ nhàng kỳ cọ để không làm các cháu bị đau. Từng cháu từng cháu một. (Tôi có cảm giác như mẹ tôi tắm cho chị em tôi thuở còn bé vậy!). Chỉ vào những vết thương đang lở ra trên người một bé, cô nói: “Với vết thương như vậy, để mau lành, tụi em phải hòa nước muối tắm cho các cháu. Sau đó xức thuốc tím và cho các cháu uống thuốc thêm”. Vết thương làm vài đứa trẻ khóc thét lên rồi rên ư hử. Ôm đứa trẻ vào lòng, cô dỗ dành: “Thôi hết đau rồi, cô lấy bánh cho Nhi ăn nha!”.

Cứ thế, cô bị xoay vần bởi những đứa trẻ. Chúng cứ quấn lấy cô, đứa nắm tay, trẻ ôm chân... Một bé gái đột nhiên tuôn ra ói mửa. “Tội lắm! Thể trạng yếu, không tiêu hóa được thức ăn nên các cháu rất hay ói mửa như vậy. Nhiều khi nôn vào hết cả người mình”. - vừa lau cho cháu bé, cô Liễu vừa cho biết như vậy.

“Không có gì vất vả đâu. Em quen rồi!”

Một ngày như bao nhiêu ngày khác. Cô giáo Liễu bắt đầu công việc vừa làm mẹ, làm cô, làm chị của mình từ 7 giờ kém 15 phút sáng đến 17 giờ chiều. Có những hôm, cô còn trực cả ban đêm. Không chỉ chăm sóc, tắm rửa, cho ăn, uống, cô Liễu còn dạy cho các cháu học hát, đọc thơ, viết chữ và làm toán. Các bé ở đây tiếp thu chậm hơn những đứa trẻ bình thường nên phải rất kiên trì khi giảng dạy. Cô Liễu nói: “Cố gắng dạy để cho các em biết, dù chỉ là một ít thôi cũng được! Đã bệnh tật rồi mà không biết gì hết nữa thì tội lắm!”. Một cậu bé từ đâu chạy lại, nhảy bổ vào lòng và ôm chầm cô Liễu, giọng nũng nịu: “Con thương cô Liễu nhất!”. “Cậu bé này tên Nghĩa, mới vào đây một tháng nhưng “đeo” em dữ lắm!”.

Rồi cháu sẽ ra đi

Say sưa kể về các cháu từ những cái nhỏ nhặt nhất như: Bé Phong này thì tính rất khó chiều, lúc ưa ngọt nhưng có lúc lại ưa nặng; bé Nhi thì khóc dai lắm... Thế nên, phải thật sự hòa nhập, để ý và mở rộng lòng mình mới hiểu được các cháu. Nhưng khi tôi hỏi về bản thân thì cô Liễu lại trở nên rụt rè, chỉ cười và nhát gừng từng câu: “Không có gì vất vả đâu chị! Em quen rồi!”. Lại quay về các cháu, chị nói: “Những đứa trẻ này đang đối diện với cái chết từng ngày, từng giờ. Hôm nay còn được thấy các cháu tung tăng nô đùa... nhưng ngày mai có thể một cháu nào đó sẽ bỏ chúng tôi mà đi. Tuần trước cũng có một cháu đã “ra đi” như vậy!”. 10 giờ 30 phút, đến giờ ăn trưa của các cháu. Cô Liễu lại tất tả cho các cháu ăn cơm. Bé Phong nũng nịu đòi cô Liễu đút mới chịu ăn.

Bài và ảnh: Nguyễn Hà