|
|
Luật năm 1991 và dự thảo luật sửa đổi quy định đối tượng trẻ em là công dân VN dưới 16 tuổi, song nhiều ý kiến không đồng tình.
Chưa thống nhất: Trẻ em dưới 16 hay dưới 18 tuổi
Theo tiến sĩ Christian Salazar Volkmann, phó đại diện UNICEF tại VN, thông lệ quốc tế đều xem trẻ em là người dưới 18 tuổi. Đây là đối tượng được bảo vệ đặc biệt, tránh mọi xâm hại, lạm dụng và bóc lột. Ông lưu ý thêm rằng hiện nay lứa tuổi 16-18 đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro hơn cả, vì thế cần phải mở rộng sự bảo vệ ra đối tượng này.
Bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em VN, “đồng tình 50%” quan điểm này. Theo bà, trẻ em ở VN vẫn phải là dưới 16 tuổi; từ 16 - dưới 18 tuổi được xem là “vị thành niên”. Bà nói: “Các em trong độ tuổi vị thành niên vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh về tâm sinh lý, rất dễ tổn thương, bị lôi kéo vào con đường xấu. Nếu không phòng ngừa thì chi phí cho việc giải quyết hậu quả còn tốn kém hơn nhiều”.
Miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi: Vẫn còn tranh luận
BS Trần Tấn Trâm, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, phản đối việc miễn viện phí. Theo ông, đó là nguyên nhân chính làm trì trệ sự phát triển của ngành nhi khoa thời gian qua. Ông lý giải: “Do bao cấp, nhân viên làm trong các BV miễn phí ít được cải thiện lương bổng, điều kiện làm việc thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu. Mặt khác, do không đủ kinh phí, việc nghiên cứu khoa học tại các BV bị bỏ quên, tay nghề của y- bác sĩ không được nâng lên, chất lượng điều trị sút giảm”. Theo tính toán của BS Trâm, trong năm 2003, kinh phí hoạt động của BV Nhi Đồng 1 là 66 tỉ đồng, nhưng ngân sách chỉ cấp 20 tỉ!
Khoảng 2,6 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn VN có khoảng 2,6 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số này, có: - Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa: 145.891 em. - Trẻ em tàn tật: 1,2 triệu (trong đó, tàn tật nặng 167.182 em). - Trẻ em lang thang: 18.000 em. - Trẻ em lao động sớm: 52.658 em. - Trẻ em con hộ nghèo: 1,2 triệu em. Ngoài ra, còn hàng ngàn trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em có bố, mẹ đang chịu các án tù tại các trại giam. (Nguồn: Vụ Bảo trợ Xã hội - Bộ LĐ-TB-XH)
Bà Trương Thị Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng thực tế của BV Nhi Đồng 1 cần được quan tâm, nhưng nếu từ đó đặt vấn đề thu viện phí trẻ dưới 6 tuổi thì không nên. Theo bà, để giảm bớt khó khăn cho các BV nhi công lập, cần đa dạng hóa các loại hình phục vụ: Khoa dịch vụ hay BV tư với chất lượng cao có thu phí, còn BV công lập không thu phí. Ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án: Một là, trẻ dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí (tương tự luật năm 1991); hai là, trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Ưu tiên chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Dự thảo luật sửa đổi có nhiều điểm tiến bộ như có thêm 2 chương về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và vai trò quản lý của Nhà nước. Nhưng theo Phó Giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa IX- X, cần có chính sách cụ thể đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cho từng đối tượng như trẻ mồ côi, tàn tật, trẻ nhiễm chất độc hóa học, trẻ nhiễm HIV/AIDS...
Có ý kiến cho rằng nên đưa vào luật điều khoản tước quyền làm cha mẹ, người bảo hộ đối với một số trường hợp đặc biệt như ngược đãi, bóc lột sức lao động của trẻ em, buộc trẻ em phải đi ăn xin... Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB-XH, nói: “Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là đối tượng bị thiệt thòi. Vì vậy, ngoài việc hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ trực tiếp đời sống vật chất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề... còn phải tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phát triển hình thức chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em ngay tại cộng đồng, bên cạnh việc duy trì các cơ sở nuôi dưỡng tập trung và mô hình mở một cách hợp lý”.
Tùng Minh - Phan Sơn
NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM NÓI |
Nên mở BV dân lập hoặc dịch vụ có thu tiền
Tôi tán đồng việc mở BV dân lập hoặc dịch vụ có thu tiền, vừa giúp giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước vừa tạo cơ hội cho người có điều kiện được chăm sóc tốt như cách làm của BV Nhi Đồng 1 TPHCM. Tuy nhiên, cần phải kiểm soát tốt, nếu không, người nghèo sẽ bị ảnh hưởng vì dịch vụ nào cũng thu tiền. Nếu mua bảo hiểm cho 8 triệu trẻ thì Nhà nước phải bỏ ra đến 400 tỉ đồng. Số tiền này hầu như rơi vào túi bảo hiểm, trẻ em không được hưởng bao nhiêu.
Ông Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XI:
Cần hạn chế tối đa văn bản dưới luật
Việc sửa đổi luật lần này nhằm phát huy những điều luật khả thi và bỏ đi những điều luật không thực tế của luật năm 1991. Do vậy, phải làm sáng tỏ và thống nhất quan điểm, rà soát, điều chỉnh những quy định xem ra rất hay nhưng lại không thể thực hiện được để xây dựng một dự luật cụ thể, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật. Chúng ta phải xác định rõ: Luật sẽ áp dụng cho trẻ em hay trẻ em và vị thành niên để có những quy định điều chỉnh về quyền và nghĩa vụ riêng. Nếu áp dụng cho cả 2 đối tượng, nên đổi tên là Luật Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục trẻ em và vị thành niên.
Tiến sĩ Christian Salazar Volkmann, phó đại diện UNICEF tại VN:
Chi phí cho sức khỏe người dân còn quá thấp
Những năm qua, VN đã giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và suy dinh dưỡng trẻ em, có thể xem là một trong những “nhà vô địch thế giới” về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, nếu muốn đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 thì phải nỗ lực nhiều. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí cho sức khỏe hàng năm hiện nay ở VN ở mức 4 USD/người là quá thấp. Năm nay, UNICEF sẽ tài trợ một nghiên cứu về việc nên hay không nên thu viện phí trẻ em dưới 6 tuổi để có cơ sở đưa ra những khuyến cáo cần thiết.
▪ Đường về của những người đàn bà bị bán qua biên giới (05/01/2003)
▪ Campuchia "nhọc nhằn" chống mại dâm và AIDS (29/11/2003)
▪ Hậu quả của ma tuý với phụ nữ (01/12/2003)
▪ Bệnh AIDS ở Phú Nhiêu (22/09/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (27/02/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (26/02/2003)
▪ David Menadue, 18 năm chung sống với HIV (08/12/2002)
▪ Bản di chúc của bé Vân Anh (07/12/2002)
▪ Hai đứa trẻ làng Châu Hiệp (06/12/2002)
▪ Điểm rửa xe của người nhiễm HIV (15/10/2002)