Viếng mộ
Chiều 9-3 u ám. Mây xám sà sát xuống vịnh Hạ Long, sà xuống nghĩa trang Dốc Khế. Người quản trang tên Linh ngồi lạnh lẽo trong khói hương và những tiểu sành vây xung quanh.
Ông kể: “Nghĩa trang nằm trên quần thể núi đồi nhìn ra vịnh Hạ Long. Từ năm 1998 về trước, đây là nghĩa trang tự phát; sau được Công ty Môi trường đô thị Hạ Long tiếp quản và qui hoạch. Tại đây có trên 2.100 nấm mồ, trong đó khoảng 50% nấm mồ vòng hoa trắng!”.
Chúng tôi đi xe máy vượt qua những con dốc thẳng đứng để lên nghĩa trang. Đồi tiếp đồi cao. Mộ bạt ngàn. Ở những mộ mới chôn, hoa cúc trắng còn tươi. Đọc các dòng chữ ghi trên vòng hoa nghe nghèn nghẹn: “Gia đình bác thương viếng cháu”, “Anh chị thương viếng em”, “Các bạn lớp... thương viếng bạn”...
Ông Linh nói: “Dốc Khế nhiều vòng hoa trắng nhất bởi dân số tập trung đông, trong khi ở hai nghĩa trang còn lại đang quá tải!”.
Dọc đường lên nghĩa trang Đèo Sen có không dưới năm “công ty” chuyên lo ma chay, bốc mộ nằm sát hai bên. Một vài con nghiện thân hình gầy đen cáu bẩn đang liêu xiêu lên núi. Tấm bảng tại cổng ban quản trang ghi dòng chữ: “Hiện nay trên nghĩa trang có nhiều đối tượng lấy cắp xe máy, cốp - IC. Nhận gửi xe”.
Ông Đinh Khắc Thông, người đã hơn 20 năm quản trang, ngán ngẩm: “Các “cụ trẻ” chết cũng chẳng yên! “Bác sĩ” (con nghiện chích ma túy) mò lên “thăm” suốt. Chúng nó cũng mang theo bó hương (!) nói để lên thắp cho thằng bạn nhưng thật ra là để chích choác, rồi hở ra cái gì là ăn cắp cái đấy.”
Nghĩa trang nằm trên núi cao, bên cạnh là bãi rác thành phố bốc mùi với cả rừng ruồi nhặng, quạ đen sà xuống. Những vị trí hướng đẹp, cao ráo ở nghĩa trang, mộ người già xếp dày như nêm cối đã được xây dựng bề thế. “Con cháu” nằm ở những khu đất dưới, thấp hơn, đáng buồn thay lại đông hơn các cụ.
Ông Thông kể: “Cách đây bốn năm nghĩa trang đã lác đác vòng hoa trắng. Có ngày 2 - 3 đám chết trẻ. Bình quân một tháng ở đây tiếp nhận 20 vòng thì chỉ 5 - 6 cái của cụ già, còn lại là chết do “ết” và ma túy, trong đó khoảng năm vòng hoa màu trắng. Tại đây có tất cả trên 4.000 mộ.”
Một buổi trưa tháng ba rỗi rãi không có người chết phải chôn, cả tổ quản trang chụm lại đánh tá lả; tổ trưởng Bùi Ngọc Thịnh tách ra tiếp chúng tôi: “Tại đây, năm 2001 tai nạn giao thông chết trẻ nhiều nhất; sang 2002, 2003 đến lượt chết do ma túy. Nghiện ngập nhiều nhất là con nhà giàu!”.
Theo ông Thịnh, trong số những nấm mồ chết trẻ ở đây nhiều nhất là nạn nhân sinh năm 1976 - 1982; có cả những nạn nhân sinh năm 1985.
Ông kể: “Nghĩ mà xót! Đám ma chỉ có trống không kèn (theo phong tục ở đây, chỉ bố mẹ hoặc ông bà mất mới đầy đủ kèn trống). Có đám chẳng có vòng hoa nào. Nhà nào viên chức đầy đủ thì giấu; rằng con họ chết ốm chết đau chứ không chết nghiện, chết “ết”. Nhà nào chán “cụ trẻ” quá thì nói huỵch toẹt chết nghiện cho nhẹ nợ. Chỉ có nhà con gái mất là phải giấu; họ không muốn tiếng để đời là con gái mình làm mại dâm”.
Những nấm mồ quạnh hiu
Tỉnh Quảng Ninh (một thành phố, ba thị xã) có trên 1 triệu dân thì địa phương nào cũng có người nghiện, kể cả các huyện miền núi, vùng xa. Riêng TP Hạ Long có trên 200.000 dân thì có 3,3% dân nghiện (không kể đối tượng chưa có hồ sơ hoặc đang nghi nghiện), trong đó có 58,6% người nghiện ở độ tuổi 18 - 30. Năm 2003, tỉ lệ người chết sau cai là 10,7% (với đối tượng là thanh, thiếu niên do địa phương đưa đi cai) và 14,7% (với đối tượng là cán bộ công nhân viên được các cơ quan đoàn thể đưa đi cai). Lý do chết sau cai chủ yếu là đã bị nhiễm HIV từ trước, không chữa được nên trả về; hoặc tái nghiện rồi nhiễm HIV và chết. Sở Lao động - thương binh & xã hội Quảng Ninh |
Theo người dân ở phường Giếng Đáy, đối tượng X trước trú ngụ tại phường cùng gia đình, nghiện ngập, trộm cắp phá phách tan nát gia đình nên bố mẹ X phải bán nhà về quê Nghệ An sinh sống “trốn” quí tử. X không về theo mà sống vật vờ tại Giếng Đáy ăn trộm, hút chích qua ngày. Công an phường động viên, vận động bà con mua cả vé ôtô cho X về quê với bố mẹ nhưng cậu không chịu; lên xe lại trốn xuống lại.
Rồi X chết. Bố mẹ, người thân chẳng hay. Thành phố phải bỏ tiền ra mua quan tài chôn cất. Đám ma không có nổi một vòng hoa trắng.
Chúng tôi trở lại nghĩa trang Đèo Sen chứng kiến những cảnh đau lòng khác: ở giữa thời bình, trên đỉnh núi, gần 100 nấm mồ được chôn san sát nhưng sơ sài, bên trên chỉ gắn mảnh bia sắt sơn đen chữ trắng, ghi ngày tháng năm sinh... Tất cả nạn nhân đều chết chưa quá tuổi 30. Ở góc dưới chân đồi, một ngôi mộ cỏ hoang mọc um tùm, trên cắm miếng sắt ghi một chữ “Biên” to.
Người chết trẻ tên “Biên”, không rõ ngày sinh tháng đẻ, quê quán. Chếch mộ này, sáu nấm mộ nhỏ như cái mẹt, trên không có bia, không bát hương; mấy chân hương cắm vung vãi cháy hết đã mốc khô tự thuở nào.
Ông Thông bùi ngùi: “Kinh phí cấp cho nạn nhân chết không tung tích có hạn. Nhiều lúc chúng tôi phải tự quàn xác, tự chôn vì người nhà không nhận”.
Với tổ quản trang Đèo Sen thì cảnh người chết vì HIV hay ma túy được đưa lên đèo bằng... xe công nông không có gì lạ: người tốt số thì may ra được một bà già làm bệnh viện ngồi cùng xe, rắc cho mấy đồng tiền giấy xuống đường. Có trường hợp người chết bị gia đình ruồng bỏ, đi chôn xác chỉ là đoàn thể, hàng xóm.
Ông Thông kể ra trường hợp thê thảm nhất, cả gia đình chết vì HIV: “Nhà còn một đứa con gái, bốn thằng con trai đều chết. Cả ông bố nữa là năm. Chúng tôi quen mặt bà vợ khi đi chôn xác con, xác chồng. Bà khóc ít bởi làm gì còn nước mắt nữa mà khóc. Cả nhà sống trên thuyền ở Sa Tô (phường Cao Xanh) không còn cái gì đáng giá nổi 10.000 đồng. Lần chôn thằng con cuối, bà mang xác ra bắt vạ: “Lấy đâu ra tiền nữa, các anh muốn làm gì thì làm!”. Chúng tôi chôn hộ bà ấy...”.
NGUYỄN LÊ NGUYÊN
______________________________________________________
Kỳ sau: “Lá vàng còn lại”
▪ Đường về của những người đàn bà bị bán qua biên giới (05/01/2003)
▪ Campuchia "nhọc nhằn" chống mại dâm và AIDS (29/11/2003)
▪ Hậu quả của ma tuý với phụ nữ (01/12/2003)
▪ Bệnh AIDS ở Phú Nhiêu (22/09/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (27/02/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (26/02/2003)
▪ David Menadue, 18 năm chung sống với HIV (08/12/2002)
▪ Bản di chúc của bé Vân Anh (07/12/2002)
▪ Hai đứa trẻ làng Châu Hiệp (06/12/2002)
▪ Điểm rửa xe của người nhiễm HIV (15/10/2002)