Dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020 số 14: Rút từ 70 xuông còn 50 mục tiêu
Các Website khác - 02/01/2009
 Môn Ngoại ngữ sẽ có chương trình riêng, chuẩn bị chương trình giáo dục mầm non mới, đổi mới phương pháp đào tạo sư phạm, giữ nguyên quan điểm xoá biên chế giáo viên, rút bớt nhiều mục tiêu... Đó là những điểm mới nhất được đưa ra tại Dự thảo Chiến lược giáo dục lần thứ 14.

Phương pháp dạy: Các trường sư phạm chậm đổi mới

Ngày 31/12/2008, Dự thảo Chiến lược Giáo dục 2009- 2020 số 14 đã được đưa ra để lấy ý kiến các Sở GD&ĐT trên toàn quốc. Ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, điểm mới nhất của bản dự thảo số 14 so với trước là từ 70 mục tiêu, nay rút xuống chỉ còn 50 mục tiêu. Những mục tiêu này được xây dựng trên những số liệu có căn cứ.

Cụ thể, từ năm 2009-2010, đẩy mạnh và tập trung một số trọng điểm, đẩy mạnh phương pháp dạy học. Giai đoạn từ 2011- 2015, chuẩn bị chương trình mầm non mới; chương trình tiên tiến trong dạy học; môn Ngoại ngữ sẽ không nằm trong chương trình mục tiêu mà có đề án riêng; tiến tới đánh giá quốc tế trong giáo dục ĐH; đổi mới cơ cấu và phương pháp đào tạo sư phạm. Giai đoạn 2016- 2020, xây dựng các ĐH có tầm quốc tế.

Về việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt ở các trường sư phạm, theo ông Châu, trong quá trình khảo sát trước đó, Viện Chiến lược Giáo dục nhận thấy các trường sư phạm chậm đổi mới nhất.
 
Qua khảo sát mang tính tình huống ở 10 trường sư phạm và nhiều trường đại học do viện tiến hành, bậc học này chủ yếu vẫn thuyết trình. Phương pháp thuyết trình, nếu lạm dụng quá sẽ mất tác dụng.
 
Hệ sư phạm những năm vừa qua làm chưa tốt, đào tạo người thầy chưa vững vàng kể cả kiến thức lẫn nghiệp vụ sư phạm. Ông Châu khẳng định, đổi mới phương pháp giảng dạy, tồi tệ nhất là các trường sư phạm.
 

Đổi mới phương pháp giáo dục là một trong  những điểm mới của Dự thảo lần này. Ảnh: Chí Cường.

Trong khi đó, đổi mới giáo dục ở phổ thông rất mạnh nhưng nhiều chỗ vẫn chỉ là hình thức. Người ta cho rằng, đổi mới phương pháp dạy và học phải là giơ tay phát biểu, chia nhóm... Nhưng thực ra là tận dụng phương pháp nào để trẻ làm việc nhiều nhất. Có thể các em không giơ tay nhưng lại hoạt động rất tích cực về trí não.

Giữ quan điểm xoá biên chế giáo viên

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
 
Công khai tài chính, chất lượng đào tạo là có lợi cho người học

Việc công khai đội ngũ giáo viên, chất lượng cơ sở vật chất, sử dụng tài chính để người học có quyền đánh giá chất lượng và tự lựa chọn trường học. Đây chính là biểu hiện của sự cạnh tranh và có lợi cho người học. Do người học ra trường mới biết chất lượng nên các Sở GD&ĐT đã có phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.

Trong khi 20 mục tiêu bị rút xuống, Dự thảo Chiến lược giáo dục số 14 vẫn giữ quan điểm xoá biên chế hàng triệu giáo viên như đã đưa ra trước đó. Như vậy, đến năm 2010, 100% số giáo viên được tuyển dụng thực hiện chế độ hợp đồng, ai dạy tốt sẽ được ký hợp đồng tiếp, không có biên chế.
 
Hiện ngành giáo dục chiếm 80% lực lượng công chức của cả nước. Sở dĩ có lượng giáo viên biên chế lớn do trước đó ngành thiếu nhân lực, phải có giải pháp “kích cầu”.
 
Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ GD&ĐT, hiện giáo viên tiểu học không thiếu nữa, thậm chí thừa, chỉ những môn học đặc thù như giáo dục công dân, ngoại ngữ, tin học, thể chất, nghệ thuật... còn thiếu.
 
Vì vậy, theo lý giải của Bộ GD&ĐT, chủ trương tiến dần tới chế độ hợp đồng là cơ hội để tiếp tục ký hợp đồng mời những người lao động bên ngoài tham gia vào lực lượng GD&ĐT.
 
Chính sách này tạo ý thức phấn đấu trong mỗi cá nhân, từ học sinh đến giáo viên nhằm nâng cao tính cạnh tranh, tạo sự phấn đấu cho người dạy.
 
Điều dư luận và đông đảo giáo viên quan tâm nhất hiện nay, nếu thực thi chiến lược, ngành GD&ĐT sẽ tồn tại song song giáo viên trong biên chế và giáo viên ngoài biên chế, liệu có cạnh tranh công bằng?
 
Ông Châu cho biết, trong giai đoạn giao thời, đó là thực trạng phải chấp nhận. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp hỗ trợ để tạo sự động viên người làm việc đúng mức, khuyến khích sự cống hiến nhiều hơn nữa của đội ngũ giáo viên. Chẳng hạn việc đổi mới cơ chế đánh giá, quản lý tài chính, hiệu trưởng được trả lương cho giáo viên sẽ làm cho những giáo viên trong biên chế phải có sự thay đổi.
 
Theo Giadinh.ne