Dệt may tăng tốc đưa hàng vào thị trường không quota
Các Website khác - 11/11/2005

Cho đến thời điểm này, Liên bộ Thương mại - Công nghiệp vẫn chưa có quyết định về việc vay mượn tiêu chuẩn hạn ngạch của năm sau, bởi Hiệp định Dệt may Việt Mỹ chưa được gia hạn. Thời gian đặt hàng cho năm 2006 đã gần hết, nên doanh nghiệp tăng tốc tìm đơn hàng vào thị trường phi quota.

Công nhân của Công ty may Song Ngọc đang tăng tốc hoàn thành đơn hàng vào thị trường Columbia. Ảnh: T. V

Giám đốc Công ty may xuất khẩu Protrade Lê Hồng Phoa cho biết, năm 2006 lượng quota dành cho công ty khá lớn, song đến nay Bộ Thương mại vẫn chưa có kế hoạch phân bổ rõ ràng. Vì vậy, Protrade đã tìm thêm đơn hàng vào thị trường không quota thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Hiện, tới 70% đơn hàng của Protrade xuất sang thị trường EU và 30% còn lại dành cho thị trường Nhật, Nam Phi, một phần nhỏ vào Mỹ.

Ông Phoa cho biết hàng dệt may VN rất ăn khách trên thị trường Nhật nên nhu cầu đặt hàng của nhà nhập khẩu đang tăng dần. "Đối với khách hàng Nhật, lúc đầu hợp tác có phần khắt khe hơn so với Mỹ, nhưng một khi đã có mối quan hệ chặt chẽ thì làm ăn rất dễ dàng", ông Phoa nói. Riêng với thị trường Mỹ, đến thời điểm này Protrade vẫn chưa có đơn hàng do đối tác còn e ngại vấn đề quota, dù Bộ Thương mại đã có thông báo cho phép doanh nghiệp tự "áng chừng" quota từ thành tích năm trước để lên kế hoạch đặt hàng cho năm sau.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Công ty May Nhà Bè cho rằng, ngoài việc đưa hàng vào những thị trường phi quota như Nhật Bản và sắp tới là Nam Phi, công ty đang tăng tốc mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa. Tính đến nay, doanh thu từ thị trường nội địa của Nhà Bè chiếm khoảng 10% trên tổng số doanh thu của cả năm. "Trong thời gian tới, nếu vấn đề hạn ngạch xuất khẩu còn khó khăn, công ty phải mở rộng thêm thị trường Nhật. Năng lực xuất khẩu vào Nhật của công ty hiện chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu", vị đại diện này cho biết thêm.

Mong muốn của doanh nghiệp là chậm nhất trong tháng này, Bộ Thương mại cấp hạn ngạch cụ thể để lên kế hoạch đặt hàng cho 6 tháng đầu năm sau. "Nếu ngày nào quota chưa tới tay doanh nghiệp thì vẫn chưa chắc chắn để ký hợp đồng. Làm hàng xuất khẩu vào thị trường phi quota thường ổn định và giá rẻ hơn nên Nhà Bè vẫn tiếp tục tìm kiếm đơn hàng vào thị trường Nhật Bản và một số nước khác", vị đại diện trên cho biết thêm.

Giám đốc Công ty may Song Ngọc Nguyễn Đức Hoan cũng cho biết, kể từ cuối năm ngoái khi tình hình quota trở nên phức tạp, Song Ngọc đã không hy vọng nhiều vào thị trường Mỹ. Lượng hạn ngạch vào thị trường Mỹ dựa trên thành tích của năm trước không đáng kể, mà đến thời điểm này công ty vẫn chưa sử dụng được bởi khách hàng không chịu ký hợp đồng. Vì thế, Song Ngọc phải tìm kiếm đơn hàng vào thị trường Columbia để có thể duy trì việc làm cho người lao động.

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, VN đã đặt vấn đề đàm phán lại Hiệp định dệt may Việt - Mỹ, nhưng phía Mỹ từ chối và chỉ đồng ý gia hạn hiệp định. Tuy nhiên, nếu gia hạn ngay thì VN muốn ứng trước quota năm 2006 để trong năm nay có thể xuất một số hạn ngạch của năm sau, nhưng Mỹ vẫn chưa đồng ý và đang cân nhắc.

Bộ trưởng Tuyển cũng nhấn mạnh, tuy phía Mỹ chưa chấp nhận đàm phán lại hiệp định dệt may với VN nhưng cũng không hủy hiệp định, nên về mặt nguyên tắc, hiệp định này sẽ tự động được gia hạn. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể ký hợp đồng cho năm 2006 và Bộ Thương mại đảm bảo cấp visa cho doanh nghiệp mà không cần quota. Việc này sẽ được kéo dài trong suốt 6 tháng đầu năm 2006. "Nếu đến tháng 7/2006, VN vẫn chưa vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Bộ sẽ phân quota dựa theo thành tích của 6 tháng đầu năm 2006 chứ không phải là thành tích trong cả năm 2005 để số lượng sát hơn với thực tế hơn", ông Tuyển nói.

Về việc các doanh nghiệp dệt may mở rộng xuất khẩu sang các thị trường phi hạn ngạch, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đánh giá là tốt. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, doanh nghiệp không nên từ bỏ thị trường Mỹ, bởi đây là một thị trường rất lớn và phù hợp với ngành hàng dệt may của VN. "Doanh nghiệp nào có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ thì cứ đến liên hệ với Liên bộ lấy visa, không có gì khó khăn cả", Bộ trưởng nói thêm. Theo dự kiến của Bộ trưởng Tuyển, xuất khẩu của ngành dệt may năm nay có thể đạt 4,8-4,9 tỷ USD, nếu làm tốt thì có thể lên tới 5 tỷ USD.

Nguyễn Thùy - Hà Vy