Ngành thức ăn gia cầm chuyển hướng kinh doanh
Các Website khác - 11/11/2005

Dịch bùng phát, hàng nghìn tấn gia cầm bị thiêu hủy. Không chỉ các chủ trang trại lao đao mà các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang khốn đốn vì không thu hồi nổi vốn. Theo các doanh nghiệp, họ sẽ phải ngừng sản xuất hoặc chuyển hướng đầu tư sang ngành thức ăn gia súc.

Chủ trại gà lao đao.

Tuy chưa thống kê được con số thiệt hại từ lần bùng phát dịch cúm này song theo Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi VN Lê Bá Lịch, khó khăn vẫn tiếp tục treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp thành viên. Gần 2 tháng nay, ông Lịch chạy ngược chạy xuôi, triệu tập không ít cuộc họp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hơn 100 doanh nghiệp thuộc hiệp hội. Tuy nhiên, giải pháp cuối cùng được đưa ra vẫn là: doanh nghiệp phải chủ động hạn chế sản xuất nhằm tránh tình trạng tồn hàng quá nhiều. "Tự mình cứu mình" chứ không còn cách nào khác.

Ông Lịch cho biết, cũng thời điểm này năm ngoái, các doanh nghiệp sản xuất đang ngồi trên đống lửa vì hàng nghìn tấn thực phẩm hỏng mốc, vốn không thu hồi được để quay vòng. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội của ông đã đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp thành viên. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ miễn thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu như ngô, lyzin, khô đỗ tương... "Tuy nhiên, chỉ có các chủ trang trại được hỗ trợ một khoản tiền trên đầu gia cầm còn các doanh nghiệp ngành sản xuất vẫn đơn phương chịu trận. Rút kinh nghiệm, năm nay, chúng tôi chủ động hơn không còn tâm lý trông chờ vào sự bảo hộ nữa", ông Lịch nói.

Theo ông, so với mọi năm, mức thiệt hại từ đợt dịch này có thể sẽ giảm hơn rất nhiều do hầu hết các doanh nghiệp đã dự đoán trước tình hình. Tuy nhiên, số tiền nợ mà các doanh nghiệp chưa thu hồi được từ các chủ trang trại từ những năm trước cộng lại có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể, hầu hết các hoạt động sản xuất, buôn bán thức ăn gia cầm trong thời gian này đều tê liệt.

Kinh nghiệm xương máu từ mấy năm trước nên hầu hết các doanh nghiệp đã tránh được hiện tượng tồn hàng. Tổn thất theo đó cũng giảm đi đáng kể. Giám đốc Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi An Phú - trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn Nguyễn Quý cho biết, trong thời gian ngắn trở lại đây, mức tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia cầm, thủy cầm trên thị trường phía Nam đã giảm sút trầm trọng. So với ngày thường, lượng sản phẩm cung ứng cho các hộ chăn nuôi giảm gần 90%.

"Từ khi có mầm mống dịch cúm gia cầm tái phát chúng tôi đã làm theo kế hoạch, khách đặt hàng số lượng bao nhiêu thì sản xuất bấy nhiêu, tuyệt đối không để hàng dự trữ", ông Quý nói. Vì thế, An Phú không bị ảnh hưởng khi đại dịch cúm ngày càng lan rộng. Bên cạnh đó, An Phú cũng luôn khuyên người dân nên chấm dứt việc chăn nuôi theo quy định của Nhà nước nên không dám duy trì sản xuất.

Tuy vậy, ông Quý cũng thừa nhận, khó khăn đổ lên đầu doanh nghiệp như định mệnh đã được báo trước: vẫn sẽ còn dai dẳng. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất cả 2 lĩnh vực thức ăn gia súc và gia cầm khi mức tiêu thụ ngày càng giảm mạnh buộc An Phú phải ngừng hẳn việc sản xuất, kinh doanh thức ăn gia cầm, dẫn đến doanh thu cũng giảm trên dưới 50%.

Gần 5 tháng nay, thị trường thức ăn gia cầm gần như "đóng băng", một số nhà sản xuất thức ăn gia cầm chuyển hướng sang thức ăn dành cho gia súc. Điều này khiến cho sức cạnh tranh về thị phần và mạng lưới phân phối giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc trên thị trường VN ngày càng gay gắt hơn.

Ông Phan Ngọc Châu, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi CP Group Thái Lan cho biết, việc sản xuất kinh doanh của CP đang dần thu hẹp về mảng thức ăn dành cho gia cầm, thủy cầm. Sản lượng của CP đưa ra thị trường trong mấy tuần qua chưa đạt tới 30-40% so với trước khi dịch cúm xảy ra.

Theo ông, năm ngoái khi dịch cúm xuất hiện và lan rộng, đàn gia cầm, thủy cầm của người dân phải tiêu hủy và công ty cũng bị ảnh hưởng dây chuyền từ các đại lý là thiệt hại về tài sản. Nguyên nhân, các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi thường bán hàng theo hình thức trả sau để giúp nông dân có điều kiện hơn trong chăn nuôi gà, vịt nên khi phải tiêu hủy không có tiền để trả nợ cho nhà cung cấp thức ăn.

Tuy nhiên, trong cơn đại dịch lần này CP đã tránh được sự cố trên, vì thế mức thiệt hại rất ít. Theo ông Châu, khi thông tin dịch cúm tái phát được lan truyền, CP đã chuyển đổi kế hoạch chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, đồng thời tiêu thụ hết lượng hàng còn tồn kho mới tiếp tục sản xuất thêm. Trong những ngày gần đây, CP đang chuẩn bị ngưng hẳn việc sản xuất thức ăn gia cầm và thủy cầm. "Ngừng sản xuất chắc chắn công ty sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nếu vẫn tiếp tục thì không thể tiêu thụ cho đến lúc nào mầm bệnh chấm dứt hoàn toàn. CP sẽ sản xuất trở lại loại sản phẩm này khi sức tiêu thụ của thị trường chuyển về trạng thái như trước khi dịch cúm xảy ra", ông Châu tâm sự.

Theo dự đoán của các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong thời gian tới đây người dân sẽ chuyển hướng từ chăn nuôi gia cầm, thủy sang gia súc. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng thay đổi chiến lược. Họ sẽ đẩy mạnh việc sản xuất thức ăn gia súc thay thế gia cầm. Như thế, nhà sản xuất mới có khả năng tiếp tục duy trì việc sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều làm họ quan ngại nhất hiện nay là một khi doanh nghiệp đỗ dồn vào sản xuất thức ăn gia súc chắc chắc sự trạnh tranh sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Minh Khuyên - Thùy Vinh