Taxi tìm cách 'lách' tác động từ giá xăng dầu
Các Website khác - 23/08/2005
Các hãng tăng giá, người tiêu dùng thiệt thòi.

Các hãng taxi tại Hà Nội hoặc tăng giá cước thêm 500-800 đồng/km hoặc tăng giá mở cửa để khách hàng đỡ có cảm giác bị móc túi. Trong khi đó, do thu nhập giảm sút, cánh lái xe tìm cách nối cuốc hoặc ngắt đồng hồ để qua mắt hãng kiếm thêm ít tiền trang trải.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết, các doanh nghiệp dù đã dự liệu giá xăng dầu tăng nhưng không ngờ mức tăng cao như vậy khiến cho kế hoạch đối phó ngoài tầm kiểm soát. Tuy không chính thức thông báo nhưng mỗi hãng tăng một mức khác nhau, trung bình 500-800 đồng/km đối với xe bốn chỗ.

Với những xe chạy dầu như xe hợp đồng, đưa đón khách du lịch, giá tăng khoảng 6%. Ví dụ, đi sân bay trước đây khách phải trả khoảng 350.000-400.000 đồng/lượt nay tăng thêm 20.000 đồng, đi ngoại tỉnh 100 km đầu cũng bị điều chỉnh tăng thêm hơn 20.000 đồng...

Nhằm tránh cho khách có cảm giác giá đội lên quá cao, một số hãng áp dụng biện pháp tăng ít cước nhưng điều chỉnh tiền mở cửa tới 10.000-15.000 đồng, xe matiz trước áp dụng giá mở cửa từ 9.000 đồng nay lên 10.000 đồng.

Do phải chịu tiền xăng trong khi tỷ lệ hoa hồng được chia không thay đổi, cánh lái xe tìm mọi cách "lách" quy định để trang trải chi phí. Một lái xe của hãng V20 kể, với taxi dù (treo biển các công ty), đồng hồ vẫn để giá 7.000 đồng/km nhưng thực chất mỗi km chỉ có quãng đường 800 m, nếu khách thắc mắc lái xe viện lý do xăng dầu tăng giá để lý giải và cuối cùng khách hàng vẫn phải móc túi ra trả. Ở các hãng kiểm soát chặt chẽ, nếu gặp khách đã quen tuyến, lái xe thường mặc cả luôn số tiền sau đó xin ngắt đồng hồ để "lướt", đút túi số tiền chênh lệch. Chẳng hạn, đi sân bay tính cả vé cầu đường khoảng 220.000/lượt, khách vẫn phải trả từng đó tiền nhưng đồng hồ xe chỉ hiển thị 30.000 đồng, với những trường hợp này khách không được lấy hóa đơn.

Tại TP HCM, các hãng taxi cũng đồng loạt tăng giá cước. Trao đổi với VnExpress, Vụ phó Vụ Vận tải Bộ Giao thông Vận tải Trần Văn Thanh nhận xét các doanh nghiệp chưa đến lúc phải tăng giá mạnh như vậy vì thực tế cước taxi thời gian qua đã tăng cao hơn so với mức độ chi phí thêm vào xăng dầu, trong khi chế độ cho người lao động không có gì thay đổi. Tuy nhận xét như vậy, song ông Thanh lại cho rằng quản lý giá cả thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp ổn định giá còn chuyện họ thực hiện ra sao Bộ khó có thể quản lý được.

Việt Phong

Theo dòng sự kiện:
Thời điểm buông giá xăng dầu không còn xa (03/07)
'Không có tình trạng đầu cơ chờ xăng tăng giá' (03/07)
Tranh thủ trước giờ xăng tăng giá (03/07)
Người dân lo giá cả sẽ lại đắt đỏ hơn (03/07)
Giá xăng dầu tăng 800-1.600 đồng/lít (03/07)
Xem tiếp»