Thị trường hoá bảo hiểm xã hội
Các Website khác - 27/09/2005
Thị trường hoá bảo hiểm xã hội
Quang Duy

Trong cuộc đối thoại với Bộ LĐTBXH và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN ngày 26.9, gần 100 doanh nghiệp (DN), phần lớn là khối DN tư nhân đều cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội sắp được ban hành phải tính đến yếu tố thị trường, mới thu hút được người lao động (NLĐ) tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, việc trả lời của đại diện các cơ quan quản lý chưa thấy những đầu mối tháo gỡ hiệu quả.

Mua bảo hiểm cho người lao
động tại các doanh nghiệp vừa
và nhỏ luôn là công việc khó
khăn.

Doanh nghiệp kêu khó

Ông Vũ Thiên Hựu - GĐ Cty bánh đậu xanh Quê Hương (Hải Dương) mở đầu cuộc tranh luận: "7/9 đối tượng LĐ hiện nay là NLĐ trong các DNNN, Cty liên doanh... là những người hưởng lương tháng đều đặn. Còn 2/7 là những người chỉ làm theo thời vụ, theo hợp đồng sản xuất. Vậy những khi DN làm ăn không có lãi, hoặc không có đơn đặt hàng, "chạy" lương cho CN không đủ thì sao lo đóng bảo hiểm (BH) được. Có DN đã phải bán tài sản đi để đóng BH cho công nhân".

LĐ trong DN vừa và nhỏ có thể không cao nhưng do số CN lớn nên tiền đóng BH cũng phải cao hơn. Ví dụ số tiền này ở Cty Quê Hương có thể cao gấp 25 lần 1 XN lắp ráp ôtô. Đã vậy, NLĐ lại dễ dàng bỏ việc, có khi vừa ký hợp đồng lao động, họ tự bỏ việc để... về quê đi cấy, nên Cty cũng quay như chong chóng trước việc đóng BH".

Bà Hà Thị Vinh - GĐ Cty gốm sứ Quang Vinh cũng có ý kiến tương tự: "Nếu vừa trả lương cao để giữ chân NLĐ, lại đóng BH đầy đủ thì giá thành sản phẩm đội lên, không thể cạnh tranh. Vậy tại sao không trả trực tiếp cho NLĐ cả lương và khoản BH. Bởi với nhiều người, cuộc sống trước mắt chưa đảm bảo, họ không thể mặn mà với BH. Nếu tham gia BH, họ sẽ có quyền chọn cho mình loại hình BH phục vụ tốt nhất, như việc chọn ngân hàng có lãi suất cao vậy. Có lợi cho NLĐ, tại sao không đưa BH vào sân chơi chung của thị trường như các DN. Có thế thì NLĐ mới có động lực tham gia BH tự nguyện thật sự".

Ông Nguyễn Việt Hùng - XN giày Barotex thì đưa ra khúc mắc của hầu hết các DN có nhiều LĐ có tay nghề thấp: "CN da giày phải đào tạo từ 6 - 12 tháng mới quen việc. Luật LĐ yêu cầu DN phải tạo điều kiện cho NLĐ học việc, và có quy định nếu người học việc bỏ giữa chừng thì phải bồi thường. Vậy, khi họ bỏ thật thì đã có ai chạy theo đòi được của họ một "đồng" nào, hay là phải chịu rủi ro".

Sửa đổi chính sách BH như thế nào?

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết: "Trong 12 cuộc tiếp xúc với DN tại Huế, Đà Nẵng, TPHCM, chuẩn bị cho cuộc gặp của Thủ tướng vào trung tuần tháng 10 sắp tới, những bất cập của BH cũng là vấn đề mà chủ LĐ bức xúc nhiều nhất".

Tuy nhiên, những kiến nghị về giải quyết bất hợp lý trong chế độ BH mà DN phản ánh nói trên đã không được ông Tân trả lời trực tiếp, dù rằng ông Tân cũng thừa nhận rằng: "Trong 40 triệu LĐ, mới chỉ có khoảng 10 triệu người có BH do chính sách đóng BH bắt buộc. Còn chính sách an sinh cho 30 triệu LĐ còn lại chưa có nhiều giải pháp hiệu quả".

Lãnh đạo các vụ: BH-XN, Tiền lương - Tiền công, Pháp chế... của Bộ LĐTBXH cho biết: Luật BH sắp ban hành vào đầu năm 2006 sẽ xác định cụ thể: Trong các tai nạn giao thông mà NLĐ không may gặp thì sẽ xác định xem trường hợp nào là TNLĐ; hoặc sẽ nghiên cứu việc đóng BH ở các DN có LĐ thời vụ hàng quý, hay 6 tháng, một năm/lần; xử lý việc DN lách luật chỉ giữ 1 mức đóng BH từ đầu, mặc dù tiền công thực trả cho NLĐ tăng...

Các cải cách trong tổ chức thực hiện chi trả bảo hiểm cũng chỉ được đề cập chung chung - đồng tiền của người lao động bỏ ra mua BH thì không thể chi trả theo cơ chế xin - cho như hiện nay - chứ không hé mở cải cách ở khâu nào và ra sao, có theo hướng đặt quyền lợi của NLĐ thật sự lên hàng đầu hay không?

Trước đây, vốn, công nghệ là những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm nhất. Nhưng hiện nay, khi công nghệ có thể mua, vốn có thể huy động thì vấn đề số 1 mà mọi đơn vị kinh tế chú trọng là nguồn nhân lực. Bởi đây là sự sống còn, khẳng định sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mối quan hệ của người lao động - doanh nghiệp, trong đó những chính sách lương, bảo hiểm, ưu đãi... là vấn đề luôn đặt ra, luôn "nóng" trong các cuộc gặp gỡ của cộng đồng doanh nghiệp.

(Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc)