3 anh em 'nhà' Interpet VN làm giả 55 bộ hóa đơn
Các Website khác - 10/10/2005

Phiên tòa xét xử vụ tham nhũng trong ngành dầu khí hôm nay đã làm rõ khoản tiền Trần Quang cùng đồng bọn "rút ruột" được qua việc thực hiện dự án Block 140 chỗ là 2,2 triệu USD. Chỉ riêng việc mua một cái bơm treo, "bộ sậu" này đã rút được 180.000 USD.

HĐXX đã dành thời gian để tập trung xét hỏi các bị cáo nguyên là lãnh đạo, trực tiếp điều hành Công ty Interpet Việt Nam xung quanh việc thanh toán, chuyển và rút các khoản tiền của dự án Block 140 chỗ. Ông anh rể Trần Quang (điều hành Công ty TNHH Interpet VN) đã cùng các em Trần Ngọc Giao (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Interpet) và Trần Ngọc Long (em ruột Giao, nhân viên PTSC) làm giả toàn bộ 55 bộ hóa đơn chứng từ nhập khẩu thiết bị vật tư dùng của dự án Block 140 chỗ.

Theo lời khai của Trần Ngọc Giao, Interpet là công ty đứng ra mua các thiết bị vật tư, nhưng khi chuyển hồ sơ sang cho PTSC để thanh toán thì toàn bộ hóa đơn được làm khác đi, "chuyển" vị trí người cung cấp thiết bị vật tư là Corall.

Bị cáo Trần Ngọc Long cũng thừa nhận đã góp phần làm hồ sơ chứng từ giả, tham gia đánh máy một số bộ chứng từ và có bẻ hủy con dấu giả của Viện Corall. Tuy nhiên, Long nại lý do "chỉ biết đánh máy theo chỉ dẫn của các bị cáo khác chứ không biết gì. Còn việc bẻ con dấu thì do anh Trần Quang nói con dấu đó bỏ đi nên bị cáo chỉ coi nó như rác trong nhà chứ không hề có ý định phi tang".

Khi được xét hỏi về khoản tiền chênh lệch thu được trong quá trình mua bán thiết bị phục vụ cho dự án Block 140 chỗ, bị cáo Trần Ngọc Giao thành thật khai nhận: "So với giá thực tế thì chênh lệch là 32%, sau khi đã trừ các khoản chi phí", nhưng lại chống chế "số chênh lệch 32% không phải là nâng giá mà là lợi nhuận, mà đã là lợi nhuận thì càng cao càng tốt". Ngay lập tức, chủ tọa công bố một số phi vụ "móc ruột" dự án của các bị cáo như: "Chỉ riêng việc mua một cái bơm treo các bị cáo đã rút được 180.000 USD. Ngoài ra, còn thay đổi kết cấu của thiết bị để rút tiền Nhà nước". HĐXX nhận định, những khoản tiền mà các bị cáo có được là chiếm đoạt của Nhà nước chứ không phải lợi nhuận.

Trả lời thẩm vấn, Trần Quang thừa nhận trong quá trình thực hiện dự án Block 140 chỗ, các chuyên gia giám sát công trình của Corall đã phát hiện có một số thiết bị vật tư được mua ở "chợ trời" nên không chấp nhận. Sau đó, phải giao cho một đơn vị khác thi công phần này thì mới "ổn".

Sau khi kết thúc phần xét hỏi dự án Block 140 chỗ, HĐXX chuyển sang thẩm vấn dự án sửa chữa ballast mỏ Đại Hùng I.

Bị cáo Trần Quang.
Bị cáo Trần Quang (Quang "Điện").

Tháng 4/2000, Trần Quang biết có dự án sửa chữa ballast nên đã gặp và được Nguyễn Quang Thường đồng ý giao cho theo dõi, bám sát dự án để tham dự thầu. Tháng 6/2000, Vietsovpetro có công văn mời thầu. Trần Quang trực tiếp làm đơn dự thầu và tự ký đóng dấu tên mình (không được ủy quyền của Nguyễn Quang Thường) rồi hoàn chỉnh hồ sơ dự thầu giai đoạn 1. Trần Quang đã mời Trần Thành Nam, một kỹ sư tốt nghiệp khoa đóng tàu biển Đại học Bách khoa Ba Lan, hợp tác. Nam đã lập quy trình công nghệ sửa chữa chi tiết hệ thống ballast. Tuy nhiên, Quang lại yêu cầu Trần Thành Nam phải ghi tên PTSC - Korall trên các tài liệu do Nam soạn thảo. Trong khi đó thực tế giữa PTSC và Korall không có sự liên danh trong dự án này.

Sau khi PTSC trúng thầu và quy trình công nghệ sửa chữa ballast do Trần Thành Nam soạn thảo lấy tên PTSC - Corall được nhà đăng kiểm LLoy phê duyệt, Vietsovpetro đã ký với PTSC hợp đồng sửa chữa giàn ballast Đại Hùng 1 với tổng giá trị 2.976.750 USD.

Theo bị cáo Nguyễn Quang Thường, "do PTSC không đủ năng lực để thực hiện nên phải hợp tác với Viện Corall theo hướng sử dụng Corall như là một nhà thầu phụ. Dự án này được chia làm hai giai đoạn: Đầu tiên là ký hợp đồng và lên phương án sửa chữa là do PTSC làm. Giai đoạn hai, khi phương án đã được đăng kiểm quốc tế duyệt thì lúc đó PTSC giao lại cho Viện Corall với giá 2,703 triệu USD và PTSC được hưởng khoản 220.000 USD".

Khi được hỏi, nguyên phó tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quang Thường cho biết, việc làm trên của PTSC là hoàn toàn sai trái và hiện tượng này nói đúng bản chất là "bán thầu".

Kết quả điều tra cũng cho thấy, với mục đích hưởng trọn lợi nhuận từ gói thầu này, Trần Quang đã chỉ đạo Trần Ngọc Giao soạn thảo hợp đồng giả với nội dung: PTSC giao cho Viện Korall thực hiện toàn bộ công việc sửa chữa ballast giàn Đại Hùng với tổng giá trị là 2.703.420 USD, đưa cho Thường ký đại diện PTSC rồi chỉ đạo nhân viên của mình ký giả chữ ký ông Lensky (đại diện Korall) và đóng dấu Korall giả.

Dự án ballast phải sửa chữa 34 tank, nhưng khi sửa chữa mới được 24 tank thì đã được cơ quan đăng kiểm chấp nhận, nên Vietsovpetro quyết định dừng lại và thanh toán cho Trần Quang 1.551.110 USD (60% giá trị hợp đồng). Việc thanh toán cũng được thực hiện bằng ba hóa đơn giả mạo pháp nhân Korall. Tổng số các khoản chi thực tế cho việc sửa chữa Ballast được xác định là 610.356 USD, Trần Quang thu lãi 902.670 USD.

B. An

Theo dòng sự kiện:
Lập hợp đồng giả để giành quyền mua thiết bị cho Interpet VN (07/10)
Nguyên phó giám đốc Vietsovpetro: 'Thưởng là phấn khởi' (06/10)
Chủ mưu vụ tiêu cực tại Vietsovpetro phủ nhận cáo trạng (05/10)
Ngày 5/10 xét xử vụ tham ô tại Vietsovpetro (27/09)
1 bị can vụ tham ô ở Vietsovpetro được đình chỉ điều tra (01/09)
Xem tiếp»