* Thưa ông, mục đích của đợt tổng kiểm tra hộ khẩu lần này là gì?
- Đây là đợt tổng kiểm tra hộ khẩu định kỳ, với mục đích thông qua đợt kiểm tra cơ bản dân cư lần này sẽ có được một số liệu chính xác và đầy đủ về nhân khẩu. Ngoài việc thống kê các loại nhân khẩu, đợt tổng kiểm tra hộ khẩu còn nhằm điều chỉnh, bổ sung hồ sơ, sổ sách của cảnh sát khu vực (CSKV), công an phụ trách (CAPT) xã. Phát hiện các vi phạm về thể lệ đăng ký, quản lý hộ tịch, hộ khẩu, những sơ hở, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu để có biện pháp xử lý, khắc phục và đề xuất giải quyết. Qua đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự giác thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu.
Thông qua đợt kiểm tra hộ khẩu lần này, cũng nhằm xác định các khu vực địa bàn dân cư, như địa bàn giáp ranh giữa các quận, các phường, các tỉnh hiện chưa phân rõ về mốc địa giới hành chính. Xác định các tụ điểm tệ nạn xã hội, các đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm pháp như cờ bạc, nghiện hút, đua xe…, để có biện pháp quản lý. Cùng với kiểm tra, trong đợt này công an khu vực cũng trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở người dân khai báo tạm trú, tạm vắng khi có người đến tạm trú. Với những gia đình không có người kê khai, công an khu vực sẽ xác minh thông qua cán bộ cơ sở để nắm tình hình.
Ngoài ra, thông qua đợt tổng kiểm tra hộ khẩu lần này sẽ tập trung thống kê con số cụ thể về số dân ngoại tỉnh đang sinh sống, lao động và công tác tại Hà Nội, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị định 108 sắp tới. Đó là việc mở rộng đối tượng được đăng ký hộ khẩu thuộc diện KT3, KT4.
* Đợt tổng kiểm tra hộ khẩu lần này sẽ được tiến hành như thế nào?
- Tại các địa bàn phường, thị trấn, lực lượng CSKV sẽ phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố, các trưởng số nhà để trực tiếp đến từng hộ kiểm tra số nhân khẩu đang cư trú thực tế. Đối với địa bàn xã, CAPT xã sẽ cùng với công an xã trực tiếp hướng dẫn công an viên các thôn, xóm tiến hành kiểm tra từng hộ để đối chiếu, điều chỉnh sổ sách theo dõi của địa phương.
Đối với những cơ quan, đơn vị, trường học có hộ khẩu danh nghĩa ở Hà Nội nhưng thực tế cán bộ, công nhân viên đang công tác, làm việc ở tỉnh khác hoặc hộ, nhân khẩu vùng giáp ranh, đội quản lý hành chính sẽ chủ trì cùng CSKV, CAPT xã phối hợp với các cơ quan chủ quản đến kiểm tra, đối chiếu sổ sách, đăng ký quản lý của cơ quan công an chứng nhận nhân khẩu tập thể và thống kê số liệu.
Đối với địa bàn công cộng, đội quản lý hành chính, CSTT công an các quận, huyện phối hợp với CSKV tổ chức kiểm tra vào 23 giờ.
Còn đối với số nhân khẩu sống trên sông nước, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP), đã có công văn hướng dẫn công an phường, xã, thị trấn phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy tiến hành kiểm tra, rà soát cụ thể và thực hiện các biện pháp quản lý số nhân khẩu, hộ khẩu, địa bàn đã được xác định theo chức năng, nhiệm vụ.
Năm 2004, Hà Nội có khoảng 3,1 triệu người, trong đó 2,6 triệu dân có hộ khẩu, 300.000 người thuộc diện KT3, KT4 (người ngoại tỉnh làm việc ở Hà Nội). Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 500.000 người từ địa phương khác vào thành phố lao động, học tập, công tác.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc giải quyết và tạo điều kiện cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng và các khu tái định cư được đăng ký hộ khẩu nhanh nhất, lực lượng QLHC công an phường, xã đã tiến hành điều tra cơ bản tất cả các khu vực nhà, đất tái định cư trên địa bàn phụ trách. Theo đó, CSKV, CAPT xã phối hợp với Ban công an xã đến từng hộ để hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu, cấp ngay phiếu tạm trú cho những người chưa đăng ký hộ khẩu. Đối với người dân có tên trong danh sách hộ tái định cư, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội chỉ cần biên bản bàn giao nhà thì sẽ được giải quyết ngay việc đăng ký hộ khẩu tại nơi ở mới.
|