Thống nhất mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô du lịch
Các Website khác - 10/10/2005
Sự phân biệt đối xử về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giữa ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô-tô nhập khẩu là một trong những lý do quan trọng buộc Việt Nam phải sửa đổi Luật Thuế TTĐB để sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ít có luật nào chỉ mới thực hiện được hơn một năm đã phải sửa đổi lại như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cho dù sau thời gian thực thi (bắt đầu từ ngày 1-1-2004), Bộ Tài chính (BTC) vẫn nhận định, Luật hiện hành về cơ bản là phù hợp với tình hình thực tế, phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích xuất khẩu và định hướng tiêu dùng.

Thuế suất đối với ô-tô du lịch là “tâm điểm” của việc sửa đổi thuế TTĐB lần này. Theo Luật Thuế TTĐB hiện hành, ô-tô du lịch phải chịu thuế 80% (dưới 5 chỗ ngồi), 50% (từ 6 đến 15 chỗ ngồi) và 25% (từ 16 đến 24 chỗ ngồi). Nhưng chỉ có xe ô-tô du lịch nhập khẩu mới phải chịu mức thuế này, còn ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước do được miễn, giảm nên thực chất năm 2004 các loại xe trên chỉ phải chịu mức thuế tương ứng là 24%, 15% và 17%; năm 2005 là 40%, 25% và 12,5%; năm 2006 là 56%, 35% và 17,5%.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Văn Huyên, sự phân biệt đối xử về thuế suất thuế TTĐB giữa ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô-tô nhập khẩu là một trong những lý do quan trọng buộc Việt Nam phải sửa đổi lại Luật Thuế TTĐB nếu muốn sớm được gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vẫn theo ông Huyền, nếu Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XI thông qua thì Luật Thuế TTĐB sửa đổi sẽ được thực thi ngay từ đầu năm 2006.

Hiện tại, Chính phủ đã trình ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB, trong đó, Chính phủ dự kiến sẽ áp mức thuế TTĐB chung cho cả xe ô-tô du lịch sản xuất, lắp ráp trong nước và ô-tô nhập khẩu là 50% (xe dưới 5 chỗ ngồi), 30% (từ 6 đến 15 chỗ ngồi) và 15% (từ 16 đến 24 chỗ ngồi). Theo giải trình của Chính phủ, mức thuế này vẫn tiếp tục góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp ô-tô trong nước do vẫn thấp hơn so với mức thuế của năm 2006 theo Luật Thuế TTĐB hiện hành, góp phần ổn định thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Việc thay đổi mức thuế suất chắc chắn có tác động trực tiếp đến số thu NSNN. Theo tính toán của BTC, do giảm thuế TTĐB đối với ô-tô du lịch, nên năm 2006, NSNN giảm thu khoảng 400 tỷ đồng, trong đó, giảm thu 260 tỷ đồng từ ô-tô trong nước, giảm thu 140 tỷ đồng từ ô-tô nhập khẩu.

Theo Luật hiện hành, năm 2004 giảm 70% thuế TTĐB đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước; năm 2005 mức giảm này chỉ còn 50%. Thực tế cho thấy, mỗi một lần Nhà nước giảm ưu đãi thuế, các doanh nghiệp trong nước đều đẩy giá bán lên để "bù lỗ ". Nếu mức thuế trên được thực hiện liệu các doanh nghiệp có đẩy giá bán ô-tô như đã từng thực hiện?

Theo tính toán của BTC, với mức thuế này, ô-tô sản xuất trong nước sẽ phải tăng thuế 10%, 5% và 2,5% (tuỳ theo từng loại xe), nên nhiều khả năng giá ô-tô du lịch trong nước sẽ tăng vào năm 2006, nhưng mức tăng sẽ không lớn, bởi ô-tô du lịch nhập khẩu sẽ được giảm thuế tới 30%, 20% và 10% (tuỳ theo từng loại xe). Nếu ô-tô sản xuất trong nước tăng giá để "bù vào thuế" thì sẽ không thể cạnh tranh được với ô-tô du lịch nhập khẩu.

Bài học “Tăng thuế - tăng giá bán" gây thiệt hại tới người tiêu dùng mà cả NSNN (do phải bỏ tiền để trang bị xe ô-tô cho các cơ quan thụ hưởng ngân sách) khiến một số nhà hoạch định chính sách e ngại với mức thuế mà Chính phủ đề xuất Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, để ổn định giá xe, nên lấy các mức thuế suất thuế TTĐB đang áp dụng cho xe sản xuất trong nước (40%, 25% và 12,5%) áp dụng thống nhất cho cả xe nhập khẩu lẫn xe sản xuất trong nước.

Theo Bộ trưởng BTC Nguyễn Sinh Hùng, nếu thực hiện theo mức thuế này, năm 2006, NSNN sẽ giảm thu 180 tỷ đồng từ ô-tô nhập khẩu so với năm 2005, còn nếu so với mức thuế quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành thì năm 2006, NSNN sẽ giảm thu khoảng 800 tỷ đồng. Đây là số tiền giảm thu khá lớn đối với nguồn thu NSNN hằng năm của Việt Nam.

Một thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung cho biết, mức thuế suất 40%, 25% và 12,5% có ưu điểm là sẽ giảm được giá bán xe ô-tô, nhưng ngoài việc NSNN giảm thu còn có tác động không tốt tới nền công nghiệp ô-tô của Việt Nam, bởi thuế suất (dự kiến vẫn được giữ nguyên như năm 2005 thì xe ô-tô sản xuất trong nước không được hưởng lợi trong khi ô-tô nhập khẩu được giảm giá quá lớn, khiến các doanh nghiệp sản xuất ô-tô trong nước khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Theo Đầu tư