Thời của luật sư Việt
Các Website khác - 10/10/2005
Cuối tháng 9-2005, Công ty luật YKVN được tạp chí Asia Legal Business bình chọn là “Công ty luật quốc gia trong năm” và được trao giải thưởng “Giao dịch tài trợ liên quan đến tài sản và công ty trong năm”.Trao đổi về hướng đi mới của các công ty luật Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế, luật sư Lê Công Định, Trưởng chi nhánh YKVN tại TP Hồ Chí Minh, cho biết:
- Cuối năm 1992, chính tôi - khi ấy làm trợ lý cho một luật sư (luật sư) có tiếng - đã thảo một đơn gửi Quốc hội kiến nghị không cho các hãng luật nước ngoài vào Việt Nam với lý do “để bảo đảm chủ quyền tư pháp”. Đơn này được một nhóm các luật sư có tiếng ký tên. May mà việc này đã không có tác dụng, sau nhiều năm tôi nhìn lại và bật cười với những ngây thơ của mình.

* Còn sau đó, những đổi thay đã diễn ra như thế nào?

- Năm 1995, Chính phủ ban hành nghị định về việc lập văn phòng đại diện của các hãng luật nước ngoài và chúng ta chứng kiến sự “đổ bộ” của các hãng luật nước ngoài vào Việt Nam. luật sư Việt Nam khi tham gia quá trình hội nhập quốc tế lúc đó đóng một vai trò thụ động, đơn giản là vì các công ty nước ngoài không chuyển giao trách nhiệm cho luật sư Việt Nam. Lúc đó hầu hết các công ty luật trong nước “đón gió” làn sóng đầu tư từ bên ngoài. Khủng hoảng kinh tế năm 1997, các nhà đầu tư ra đi, các hãng luật cũng rút khỏi khu vực.

Năm 1999, luật sư Đặng Khải Minh - Việt kiều phụ trách Công ty luật White & Case của Mỹ - nhận định: “Đây là thời cơ để người Việt mình làm”. Giữa sự lựa chọn “đi hay ở” của White & Case, ông Minh đề nghị với các luật sư Việt Nam: “Các anh nên mở một công ty luật và các anh sẽ trở thành đối tác của chúng tôi”. Và định hướng ban đầu của công ty này là hướng vào khách hàng Việt Nam, nhắm vào khách hàng Việt Nam đầu tư hoặc giao dịch với nước ngoài.

* Và mọi thứ bắt đầu suôn sẻ từ đó?

- Không. Chúng tôi phải trải qua một bước đường chông gai. Các công ty trong nước đâu có tiền nhiều và họ cũng chưa có thói quen thuê luật sư bảo vệ mình trong các hợp đồng giao dịch. Có một thời gian rất dài khách hàng rất ít, tiền chỉ đủ để trả lương cho nhân viên, các luật sư lãnh đạo phải nhờ vả thu nhập của gia đình.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp... không có thói quen nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch, nhiều khi số tiền đến vài triệu USD nhưng chỉ viết vài chữ hoặc một biên bản hay hợp đồng sơ sài. Cái khó nữa là luật pháp Việt Nam chưa đầy đủ, thay vì như ở nước ngoài chỉ quan tòa mới có quyền giải thích luật, thì ở Việt Nam các cơ quan đều có thể giải thích luật theo kiểu của mình. Khách hàng dễ dị ứng với luật sư khi họ nghe cơ quan nhà nước nói một đằng, luật sư nói một nẻo.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh:
Trình độ luật sư ngày càng gần với tiêu chuẩn quốc tế

Có thể nói cải cách tư pháp thời hội nhập quốc tế chính là điều kiện để phát triển nghề luật sư. Nghề luật sư của Việt Nam ngày càng mang tính quốc tế, biểu hiện rõ nhất là sự tham gia phối hợp của các luật sư Việt Nam với luật sư nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ tranh chấp quốc tế như vụ kiện cá tra, cá ba sa, da giày Việt Nam thời gian qua. Sự tham gia đóng góp, hợp tác của luật sư trong các hội nghị quốc tế vừa qua cũng cho thấy trình độ của các luật sư đã được nâng lên ngang tầm với các nước trong khu vực.

Cả nước hiện có khoảng 3.500 luật sư, riêng Đoàn TP Hồ Chí Minh có tới 1.169 luật sư (kể cả các luật sư tập sự). Hiện các luật sư không chỉ tham gia tranh tụng mà còn hoạt động mạnh trong các hoạt động dịch vụ, tư vấn pháp luật, đặc biệt là tư vấn về đầu tư thương mại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.


* Đâu là con đường YKVN đã tự tìm lấy để đi?

- Chúng tôi phải tự tìm ra con đường của mình để đi vào những công việc cụ thể. Thí dụ ở Hà Nội, luật sư Trương Nhật Quang đã phát triển hệ thống tư vấn pháp lý cho ngân hàng. Có những vụ việc chúng tôi tự mình điều tra ngay từ đầu như vụ kiện chống bán phá giá cá tra và ba sa. Chúng tôi theo dõi những động thái của các doanh nghiệp Mỹ từ những năm 2000 - 2001.

Đến tháng 4-2002, chúng tôi bắt đầu tiếp cận và tư vấn cho Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc có thể bị kiện và hai tháng sau phía Mỹ chính thức khởi kiện... Cứ thế, nhà tư vấn phải đi tìm khách hàng của mình.

* Một trong những hợp đồng tư vấn khiến YKVN được xét chọn và trao giải “Giao dịch tài trợ liên quan tới tài sản và công ty trong năm” của tạp chí Ngành Luật Châu Á liên quan đến các hợp đồng tư vấn, hỗ trợ về pháp lý để Vietnam Airlines mua bốn chiếc Boeing 777 và các hợp đồng thuê mua máy bay với Hãng Airbus -một giao dịch được tạp chí này đánh giá là “một trong sáu giao dịch lớn của khu vực”. Vai trò của YKVN như thế nào?

- Đây là một hợp đồng trị giá quá lớn và sự chọn lựa phải được cân nhắc kỹ càng, khoa học. Lúc đầu Vietnam Airlines kêu gọi các công ty nộp giải trình tham gia cùng nhiều công ty luật nước ngoài. Cuối cùng chúng tôi được chọn. Vai trò của YKVN là cho ý kiến pháp lý để các ngân hàng và tổ chức tín dụng đồng ý bảo lãnh, sau đó tới hợp đồng thuê mua máy bay Airbus A 321-231 (do các tổ chức tín dụng xuất khẩu Anh, Pháp và Đức bảo lãnh)… Đây là công việc hoàn toàn mới. Chúng tôi vừa làm vừa học.

* Nhìn về đội ngũ luật sư tư vấn của Việt Nam, ông có nhận định thế nào?

- Luật sư Việt Nam có lợi thế là giỏi tiếng Việt, biết luật Việt và những vấn đề thuộc chiều sâu sau các văn bản luật. Đó là một lợi thế mà luật sư nước ngoài không bao giờ có được, cho dù khả năng tiếng Anh của họ rất giỏi. Đến giờ này, chúng tôi có thể tự hào nói rằng luật sư Việt Nam không thua kém các đồng nghiệp trong khu vực.

Theo Tuổi trẻ