Cướp trẻ con
Các Website khác - 05/06/2008

 

Bé Nguyễn Văn Ngần, 17 tháng tuổi, được một gia đình ở Hà Nội nhận nuôi. Cách đây một năm, để cướp hai anh em, bọn cướp đã sát hại cả nhà bé - Ảnh: L.Anh
Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang, bé Nguyễn Văn Nghiệp 4 tuổi cứ quấn quít bên em trai 17 tháng Nguyễn Văn Ngần. Một năm trước, cả nhà bé đã bị bọn cướp giết để bắt hai em bán qua bên kia biên giới...

Ông Vương Đức Thiết, giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Giang, cho biết hiện hai em đã có người nhận làm con nuôi: Nghiệp được một gia đình ở thị trấn Hà Giang nhận, còn Ngần sẽ được về Hà Nội.

Ăn cướp trẻ con

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang, chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ ở đây, chỉ một cậu bé chừng 8-9 tuổi, người gầy nhỏ, chưa biết nói tiếng Kinh nhiều, nhắn: "Nếu có quần áo hãy tặng bé nhé, bé mới được cứu về, chưa có nhiều quần áo". Cậu bé này là một trong những em bé bị bắt cóc được giải cứu và đưa về trung tâm.

Thượng tá Vũ Duy Quyết, trưởng đồn biên phòng Săm Pun (Mèo Vạc, Hà Giang), cho biết hiện tượng ăn cướp trẻ con đang rất căng thẳng ở địa phương này. Mới năm tháng đầu năm 2008, riêng hai xã Thượng Phùng, Sín Cái đã xảy ra ba vụ cướp, bốn em nhỏ bị bắt đi biệt tích. Tính từ năm 2007 đến nay đã có mười vụ cướp trẻ con, có vụ người lạ bịt mặt vào cướp ngay khi mẹ đang cho con bú!

Thượng tá Nguyễn Anh Đức, phó trưởng phòng trinh sát Bộ đội biên phòng Hà Giang, cho biết bọn cướp thường chỉ bắt các bé trai. Từ cuối năm 2006 đến giữa 2007, riêng tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã xảy ra ba vụ thảm sát giết người, cướp đi năm bé trai là Giàng Mý Lềnh, Giàng Mý Ly, Nguyễn Văn Ngần, Nguyễn Văn Nghiệp, Giàng Mý Pó qua bên kia biên giới. Lúc bị bắt đi, hai bé Ngần, Ly mới 6-7 tháng tuổi, anh các bé chưa đầy 3 tuổi. Tháng 2-2008, năm bé được bộ đội biên phòng hai nước Việt - Trung giải cứu đưa về chăm sóc tại đây.

Kể về thủ đoạn của bọn cướp trẻ con, thượng tá Quyết cho biết chúng thường lợi dụng lúc trời nhập nhoạng tối, vào những gia đình ở riêng biệt trên các sườn núi vắng vẻ, có con nhỏ dưới 6 tuổi, đặc biệt là bé trai để bắt cóc. Một số trường hợp kẻ cướp phối hợp với đối tượng người địa phương lừa bắt trẻ đi chăn trâu ở vùng giáp biên. Trường hợp năm bé Ly, Lềnh, Pó, Nghiệp, Ngần là những vụ bắt trẻ, giết người manh động nhất, do một đối tượng là người nước ngoài cầm đầu và hiện đã bị bắt. Chúng thường lôi kéo người địa phương chỉ điểm, sau khi gây án đã bán trẻ vào các địa phương trong nội địa Trung Quốc với giá khoảng 15 triệu đồng VN mỗi em.

Những cuộc đời mới

Từ ngày xảy ra hiện tượng cướp, bắt cóc trẻ con, bộ đội biên phòng và UBND xã đã nghĩ ra "hương ước": các gia đình hãy gõ mõ thật to mỗi khi có người lạ mặt vào nhà, chuẩn bị sẵn gậy gộc, dao, súng kíp. Nhờ biện pháp này, mới đây một trẻ 6 tháng tuổi bị bắt cóc đã được cứu thoát khi bọn cướp buộc phải bỏ lại bé để chạy về biên kia biên giới.

Tuần trước, một buổi liên hoan nho nhỏ mừng Ngày quốc tế thiếu nhi đã được một số tình nguyện viên tổ chức tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Giang. Bé Nguyễn Văn Nghiệp được người nhà của gia đình mới đưa về dự. Sắp tới, bé sẽ có tên mới là Phạm Xuân Thành. Cậu em trai Nguyễn Văn Ngần thì được một gia đình ở Hà Nội đón nhận. Nghĩa là anh em cách biệt từ đây...

Anh em Giàng Mý Lềnh, Giàng Mý Ly thì may mắn hơn một chút, các bé sẽ được đón về cùng một gia đình hiếm muộn ngay ở thị xã Hà Giang. "Đã có rất nhiều gia đình hiếm muộn muốn đón bé Ly, Lềnh làm con nuôi, nhưng đón em đi thì anh khóc, đón anh đi em lại khóc. Chúng tôi tìm và vận động một gia đình nhận nuôi cả hai bé” - ông Thiết nói.

Bữa liên hoan nhỏ nhưng vui. Các bé Lềnh, Ly, Nghiệp, Ngần mới về lại quê nhà hơn ba tháng nên vẫn chưa biết nói tiếng Kinh nhiều, chỉ biết cười rất tươi mỗi khi cô tình nguyện viên biểu diễn rối tay bằng đạo cụ là đầu con gấu bông. Riêng bé Giàng Mý Pó là buồn. Cuối năm 2006, cả gia đình bé đã bị bọn cướp sát hại, bé bị bắt mang đi, lúc ấy 5 tuổi.

Trên con đường dài 40km cheo leo trên những sườn núi đầy sương trắng từ Sín Cái ra huyện lỵ Mèo Vạc, tất cả trẻ con chúng tôi gặp đều bỏ chạy rất nhanh vào những rừng ngô, rừng đá tai mèo, vào những túp lều lúp xúp ven đường mỗi khi nhìn thấy người lạ. Chúng đã được huấn luyện như thế để tránh nạn cướp trẻ...

LAN ANH