Các nỗ lực phòng HIV ở Việt Nam đã được đền bù xứng đáng
Các Website khác - 02/08/2008
 
                                                     Khẳng định này vừa được nêu trong báo cáo về dịch AIDS toàn cầu
Nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS
năm 2008 của UNAIDS (chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS). Báo cáo cho biết, Việt Nam đang ngày càng tập trung nỗ lực để tiếp cận nhiều hơn những nhóm dân cư có nguy cơ cao. Cụ thể, trong năm 2007, khoảng 65% phụ nữ hành nghề mại dâm, 26% nam quan hệ tình dục đồng giới và 43% nam giới tiêm chích ma túy đã tiếp cận được tới các chương trình dự phòng HIV. Cùng với đó, các dự án khuyến khích sử dụng bao cao su ở cấp cộng đồng đã mang lại những kết quả đáng kể nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Theo ông Jean-Marc Olive, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, những năm gần đây Việt Nam đã mở rộng các chương trình mục tiêu dự phòng HIV và điều trị kháng virus. Chỉ trong năm ngoái, hơn 11 triệu bơm kim tiêm đã được phân phát cho những người tiêm chích ma túy và khoảng 30% những người cần điều trị đã được điều trị kháng virus.

Ghi nhận những nỗ lực kể trên của Việt Nam, song ông Eamonn Murphy - Giám đốc UNAIDS - đề nghị Việt Nam vẫn tiếp tục cần sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ và quyết tâm của nhân dân để đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập cho tất cả mọi người và đảo ngược tình hình dịch.

DỊCH AIDS CHƯA KẾT THÚC

Bên cạnh sự đánh giá riêng dành cho Việt Nam, báo cáo của UNAIDS nói rằng số ca nhiễm mới và số người tử vong liên quan đến AIDS giảm đáng kể. Đặc biệt, những nỗ lực ngăn chặn HIV được khẳng định cả ở những quốc gia từng bị tác động nặng nề nhất như Rwanda, Zimbabwe, Burkina Faso, Cameroon, Ethiopia, Ghana, Malawi, Uganda hay Zambia. Tính chung toàn cầu, từ năm 2005 - 2007, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị kháng virus để dự phòng lây truyền mẹ con đã tăng từ 14% lên 33%. Cũng trong khoảng thời gian này, số trẻ em nhiễm HIV mới đã giảm từ 410.000 trường hợp xuống còn 370.000 trường hợp.

Còn tại một số quốc gia như Argentina, Bahamas, Barbados, Belarus, Cuba, Botswana, Georgia, Moldova, Liên bang Nga và Thái Lan, mục tiêu tiếp cận phổ cập, với độ bao phủ của các chương trình dự phòng lây truyền mẹ con đã đạt 75%. Dù vậy, thực tế dịch AIDS vẫn chưa kết thúc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tiến sĩ Peter Piot, Giám đốc điều hành của UNAIDS cho rằng, những thành tựu trong dự phòng nhiễm mới và điều trị cho những người sống với HIV nhằm cứu sống nhiều sinh mạng cần phải được duy trì trong thời gian dài. Và những kết quả đạt được trước mắt này sẽ là nền tảng để tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực dự phòng và điều trị và không thể tự mãn với những kết quả này. Hiện tại, vẫn xuất hiện những ca nhiễm mới, trong đó gia tăng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Kenya, Mozambique, Papua New Guinea, Liên bang Nga, Ukraine và Việt Nam. Bên cạnh đó, việc gia tăng những ca nhiễm HIV mới cũng được tìm thấy ở một số quốc gia nơi dịch được phát hiện sớm nhất như Đức, Anh và Australia. Theo UNAIDS, khoảng 33 triệu người trên toàn cầu đang “sống chung” với HIV và khoảng 7.500 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày.

SỐ CA TỬ VONG GIẢM DẦN

Theo báo cáo được thực hiện trong năm 2008, khoảng 3 triệu người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang được điều trị kháng virus. Nambia đã mở rộng điều trị từ 1% năm 2003 lên 88% trong năm 2007. Còn Campuchia đã mở rộng điều trị từ 14% trong năm 2004 lên tới 67% trong năm 2007. Những quốc gia khác hiện đã gần đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập điều trị là Botswana, Brazil, Chile, Costa Rica, Cuba và Lào. Điều này đã góp phần làm giảm số người tử vong do liên quan đến AIDS trong hai năm qua, từ 2,2 triệu xuống còn 2 triệu ca trong năm 2007 (dao động từ 1,9 triệu - 2,6 triệu xuống còn 1,8 triệu - 2,3 triệu). Tuy nhiên, ở châu Phi, nơi chiếm tới 67% số người nhiễm HIV toàn cầu, AIDS vẫn tiếp tục là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Tại đây, 60% người sống với HIV là phụ nữ và cứ 4 thanh niên sống với HIV trẻ tuổi thì có 3 người là phụ nữ.

Có thể nói, AIDS là một vấn đề lâu dài và đòi hỏi phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ và nguồn tài chính có thể đảm bảo thực hiện các cam kết trong thời gian dài. Vì thế, UNAIDS cho rằng, các nhà tài trợ cần dành đa số tiền tài trợ cho các hoạt động ứng phó với AIDS ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, cho dù khi ngân sách trong nước dành cho HIV đã tăng lên ở các quốc gia này. Theo ông Kemal Dervis, Quản lý điều hành của UNDP, ứng phó với AIDS là một mục tiêu quan trọng. Những tiến bộ đã đạt được trong ứng phó với AIDS nhằm xóa đói giảm nghèo và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Đồng thời, giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới, phổ cập giáo dục là cần thiết nếu chúng ta muốn ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của AIDS.

- Ước tính khoảng 33 triệu (dao động từ 30,3 - 36,1 triệu) người sống với HIV trên toàn thế giới.

- 2,7 triệu (dao động từ 2,2 triệu - 3,2 triệu) trường hợp nhiễm mới trong năm 2007.

- 2 triệu (dao động từ 1,8 triệu - 2,3 triệu) người chết vì AIDS trong năm 2007.
K.N