Đầu tuần tới, Tổng thống Mỹ Bush lên đường đi thăm một loạt nước châu Phi, châu lục từ lâu nay vẫn được xếp vào vị trí cuối cùng trong các ưu tiên của chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, vào trước mùa bầu cử tổng thống này, châu lục đen lại nổi lên chiếm giữ một vị trí quan trọng trong những tính toán chiến lược của ông.
Các nhà quan sát chính trị ở Liên hợp quốc ủng hộ ý kiến của John Stremlau, giáo sư quan hệ quốc tế Trường đại học Witwatersrand ở Johanesburg cho rằng Tổng thống Mỹ Bush đến châu Phi lần này vì lợi ích của Mỹ và của chính ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Cuộc chiến chống khủng bố, mong muốn tiếp cận nguồn dầu lửa to lớn của châu Phi và tranh thủ những lá phiếu của cử tri da đen gốc Phi là những vấn đề chi phối chuyến thăm châu lục đen của ông. John Stremlau nói rằng chính quyền Bush không có chính sách đối với châu Phi mà chỉ có chính sách về cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ lo ngại rằng sự đói khổ và xung đột triền miên ở lục địa đen khiến cho ngày càng nhiều người châu Phi tuyệt vọng và biến nó thành mảnh đất màu mỡ để các tổ chức khủng bố tuyển chọn người cho các đội quân khủng bố cảm tử. Theo Ngân hàng thế giới, hơn 350 triệu người Phi, chiếm 50% dân số châu Phi sống lay lắt dưới mức nghèo khổ. Chính quyền Bush đang tăng viện trợ kinh tế và phát triển cho một số nước châu Phi mà họ cho là có vai trò then chốt trong việc ổn định tình hình khu vực này. Mỹ đã đề nghị nhiều ưu đãi tiếp cận thị trường Mỹ cho một số nước mà Mỹ cho là có "chính phủ tốt" theo các tiêu chí tuyển chọn của Luật Cơ hội và phát triển châu Phi (AGOA) của Mỹ. Hiện nay, 35 nước khu vực Sahara đã được hưởng những ưu đãi này đối với một số hàng hóa nhất định. Năm 2002, các nước châu Phi đạt tiêu chuẩn AGOA đã xuất khẩu hàng hóa được miễn thuế vào Mỹ trị giá 9 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2001. Washington hiện đang bận rộn thương lượng hiệp định buôn bán tự do với các nước thuộc Liên minh hải quan miền nam châu Phi. Tổng thống Bush cũng đã ký thành luật cung cấp 15 tỷ USD cho cuộc chiến chống dịch HIV/ AIDS, một dịch bệnh đang lan rộng và tàn phá sự phát triển kinh tế xã hội châu Phi.
Chuyến thăm châu Phi lần này của Tổng thống Bush còn được mô tả là "cuộc hành trình vì dầu lửa". Mỹ đang phải đối phó với làn sóng chống Mỹ lan rộng ở Trung Đông vốn là nguồn chủ yếu cung cấp dầu lửa cho Mỹ. Vì vậy, Mỹ cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nhiên liệu để ổn định nhu cầu năng lượng của Mỹ. Các nước bờ biển phía Tây châu Phi từ Nigeria đến Angola nổi lên như là nguồn cung cấp dầu lửa lớn đối với Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mới đây, Mỹ đã công bố chiến lược điều chỉnh quân sự của Mỹ trong đó tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Phi và dự kiến đưa quân Mỹ đến Liberia dẫn đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nước này. Chuyến đi châu Phi lần này đưa ông Bush đến Nigeria sẽ bảo đảm nguồn cung cấp dầu lửa từ khu vực này của thế giới cho Mỹ. Hiện nay, 15% tổng lượng dầu lửa nhập khẩu của Mỹ là từ tây Phi. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2015. Báo cáo của "Dịch vụ cứu trợ Công giáo" Mỹ công bố tháng 6 cho rằng sau cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001, việc bảo đảm các nguồn cung cấp dầu lửa từ châu Phi thực sự đã là một động lực mới cho việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ.
Tuy nhiên, cho dù Tổng thống Bush đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm châu Phi tuần tới của ông, người châu Phi đã chuẩn bị các cuộc phản đối dành cho ông: Tổ chức Liên minh chống chiến tranh ở Nam Phi, một liên minh chống Mỹ xâm lăng Iraq, đang phát động cuộc vận động đòi tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki hủy bỏ cuộc gặp gỡ với ông Bush vì ông Bush đã coi thường luật pháp quốc tế. Đảng cộng sản Nam Phi, một thành viên trong liên minh cầm quyền với Đại hội Dân tộc Phi của Nam Phi cũng dự định tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ nhân chuyến thăm của tổng thống Bush. Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ không từ bỏ những chỉ trích gay gắt của ông đối với tổng thống Mỹ. Vị anh hùng dân tộc này của Nam Phi đã mô tả ông Bush là một nhà lãnh đạo có tư duy không thích hợp. Ông khẳng định sẽ không gặp ông Bush mặc dù ông Bush đến Nam Phi.
NGUYỄN ANH TUẤN
(Tin tức)
▪ Tổ chức quốc tế Plan đầu tư 22 triệu USD cho Việt Nam trong 3 năm tới (16/03/2004)
▪ Nhà nhiếp ảnh tình nguyện (25/09/2003)
▪ Nam Phi đã đi cùng thế giới (09/08/2003)
▪ Nam Phi chống HIV/AIDS: Đơn độc hay đi cùng thế giới? (05/08/2003)
▪ "Phải tập trung chống AIDS như chống SARS" (05/05/2003)
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ Đối tượng được hưởng chế độ người bị phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp (12/01/2004)