ĐỂ CÓ MỘT VIỆT NAM KHÔNG CÒN CHẾT TRẺ VÌ HIV
BS. NGUYỄN BAN MAI
Tôi đi dự hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con" ở Thái Lan vào những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12" của năm 2542 (Thái Lan tính thời gian theo Phật lịch). Từ Việt Nam tôi bay đến Bangkok - chuyển máy bay đến Chiangrai và chuyển ô tô đến Phayao - một tỉnh thuộc vùng cực bắc Thái Lan - nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất của Thái Lan. Khí hậu Thái Lan cũng giống Việt Nam, sáng sớm và chiều tối trời se lạnh, đường phố nhiều cây cối xanh rì, sạch sẽ, trong lành và dễ chịu lạ lùng. Con người Thái Lan nồng hậu, dễ gần, dù quen hay lạ họ đều chắp tay chào "Sawadi ka", "Sawadi kap" bằng cái giọng ngân nga mê hoặc lòng người, điều đó giải thích vì sao đất nước chùa tháp cổ kính này có nhiều người tham quan đến như vậy.
Cuộc hội thảo này gồm bốn nước tham gia: Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Myanmar, kéo dài hai tuần một tuần ở Phayao và một tuần ở Chiangmai.
Hai ngày đầu của cuộc hội thảo, 17 thành viên đến từ bốn nước nghe các báo cáo quan trọng về tình hình nhiễm HIV trên thế giới, đặc biệt ở Thái Lan, nghe các chương trình phòng chống hữu hiệu để dập tắt đại dịch đang hoành hành dữ dội ở Thái Lan...
Sang ngày thứ ba, chúng tôi chia tay nhau đi tham quan cách làm việc của bạn - đoàn Việt Nam ở lại Phayao, đoàn Campuchia đi Chiangrai, đoàn Trung Quốc đi Chiangmai.
Suốt 3 ngày ngồi trên ô tô chúng tôi được đi khắp các cơ sở dịch vụ y tế từ lớn đến nhỏ của tỉnh Phayao, tai nghe, mắt thấy cách thức làm việc của bạn, mới thấy được nỗ lực phi thường mà dân tộc bạn phải đạt được để dập tắt căn bệnh thế kỷ kinh khủng này. Một đất nước cả trăm năm không có chiến tranh, một đất nước giàu có, thanh bình, trời đẹp đến như thế mà bị đại dịch HIV cuốn trôi đi nhiều thứ... Có những làng tỷ lệ sinh thấp hơn tỷ lệ tử, có những làng thanh niên chết hết chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em... Không chỉ có chiến tranh mới có thể xóa tên một dân tộc trên bản đồ thế giới - chỉ một sinh vật nhỏ xíu, mắt thường không thể nhìn thấy được, không cần sử dụng vũ khí, không có khả năng tự bảo vệ đã cuốn phăng đi mọi thứ trên mọi ngả đường mà nó đi qua. Trên khắp các đường phố Thái Lan tài liệu tuyên truyền về HIV, bao cao su được đặt trong những cái túi tại các cây xăng, dễ lấy, dễ thấy; ngày hội, ngày 1/12 toàn xã hội thi tìm hiểu về HIV/AIDS, thi cách thức tuyên truyền về HIV/AIDS, từ em bé cấp I đến sinh viên đại học ai ai cũng tham gia, sôi động, náo nhiệt lạ thường. Ngành Y tế Thái Lan là hạt nhân, là mắt xích liên kết mọi ngành, mọi giới, mọi người từ trẻ đến già, từ người tình nguyện đến ông sư trong chùa, từ người hoạt động xã hội đến ông tỉnh trưởng... nối vòng tay lớn giúp đỡ những người mắc bệnh, giúp đỡ nhau. Nhiều chương trình hỗ trợ những người mắc bệnh, vực họ đứng dậy, phát huy khả năng vươn tới cái thiện để họ sống, làm việc có ích cho đến chết...
Tôi tiếc là không có đủ vốn từ để ca ngợi sự nỗ lực phi thường mà tôi đã mắt thấy, tai nghe. Khi trở về Chiangmai thảo luận suốt một tuần lễ cuối tôi nhớ nhà day dứt - có lẽ vì tôi chưa có một lần xa nhà như thế, cũng có lẽ vì tôi muốn về làm một điều gì đó dù là rất nhỏ bé cho những người đã bị bệnh và cho những người chưa nhiễm bệnh ở đất nước mình. Mặc dù làm công tác này đã 5 năm, nhưng chuyến đi của tôi vẫn thật là bổ ích. Nếu không có con mắt chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu... chúng ta không giúp được người bệnh để vực họ đứng dậy. Nếu họ không tự đứng dậy thì trước mắt chỉ là hủy diệt, hủy diệt bản thân, hủy diệt gia đình - tế bào của xã hội, hủy diệt cộng đồng theo kiểu vết dầu loang, hủy diệt cả một dân tộc... bài học trước mắt chính là Thái Lan, nếu không học những kinh nghiệm quý giá của bạn - chúng ta sẽ phải đi con đường mà bạn đã đi. Trong những năm đầu thế kỷ 21 chúng ta không nỗ lực, chúng ta sẽ phải đối đầu với căn bệnh thế kỷ đáng nguyền rủa này. Tôi mơ ước sẽ có rất rất nhiều người, mỗi người chỉ một chút thôi cố gắng tìm hiểu về căn bệnh này, nếu đã hiểu rồi thì cũng chỉ một chút thôi, cố gắng giúp những người mắc bệnh, để hướng tới một Việt Nam trong sạch, một Việt Nam không còn chết trẻ vì HIV/AIDS...
▪ Tổ chức quốc tế Plan đầu tư 22 triệu USD cho Việt Nam trong 3 năm tới (16/03/2004)
▪ Nhà nhiếp ảnh tình nguyện (25/09/2003)
▪ Nam Phi đã đi cùng thế giới (09/08/2003)
▪ Nam Phi chống HIV/AIDS: Đơn độc hay đi cùng thế giới? (05/08/2003)
▪ "Phải tập trung chống AIDS như chống SARS" (05/05/2003)
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ Đối tượng được hưởng chế độ người bị phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp (12/01/2004)