(VietNamNet) - Trong các ngày 23-28/1, Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 33 sẽ diễn ra tại tại Davos, Thuỵ Sĩ với chủ đề ''Xây dựng lòng tin''. Diễn đàn được tổ chức đúng vào thời điểm tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động khôn lường như nguy cơ chiến tranh ở Iraq và sự hồi phục kinh tế thế giới chậm chạp.
Tham gia diễn đàn có hơn 2.000 đại biểu từ 99 nước trên thế giới, bao gồm 29 nguyên thủ quốc gia, 81 bộ trưởng, khoảng 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện của nhiều tổ chức tôn giáo, đảng phái.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sẽ tập trung vào 5 chủ đề trọng tâm, bao gồm: Thách thức của các doanh nghiệp; Kinh tế thế giới; Quản lý toàn cầu; An ninh và bất ổn địa chính trị; Lòng tin và những giá trị.
Thách thức của các doanh nghiệp
Trong những năm qua, cuộc suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Nạn tham nhũng, quản lý doanh nghiệp vẫn là những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Giá trị của ngành công nghiệp toàn cầu giảm khoảng 20% trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 9/2002 bởi giá trị thị trường giảm mạnh và sự suy thoái toàn diện của một số ngành kinh doanh.
Mặc dù hầu hết các vụ phá sản lớn trong năm 2002 đều xảy ra ở Mỹ, nhưng các doanh nghiệp và các nhà quản lý toàn cầu đều nhận thức rõ nỗ lực khôi phục lòng tin. Chính phủ nhiều nước đã xây dựng các đạo luật mới nhằm chỉnh đốt hoạt động của các doanh nghiệp.
Kinh tế thế giới
Theo Thông cáo báo chí của WEF, kinh tế thế giới năm 2003 sẽ tăng trưởng đầy bất trắc. Mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ - đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu - vẫn hết sức ảm đạm trong năm 2002 và sẽ không có nhiều điểm nhấn trong năm 2003. Tình hình kinh tế của châu Âu và Nhật Bản cũng không có gì sáng sủa hơn. Nhiều nền kinh tế mới nổi cũng rơi vào tình trạng khó khăn, một phần là do các đầu tàu kinh tế thế giới tăng trưởng chậm.
Bên cạnh đó, nguy cơ chiến tranh ở Iraq và mối đe doạ lạm phát kéo dài tại các nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế thế giới.
Song hành sự xuống dốc kinh tế toàn cầu, tình hình đầu tư và thương mại đã sụt giảm mạnh chưa từng thấy trong vòng 20 năm qua. Nếu như tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2000 đạt 1,3 nghìn tỷ USD thì đến năm 2001, con số này chỉ tương đương với thời điểm giữa thập kỷ 1990. Trong bối cảnh đó, việc hạn chế các rào cản thương mại và đầu tư trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Quản lý toàn cầu
Theo thông cáo báo chí của WEF, chính phủ các nước sẽ không thể tự giải quyết triệt để các vấn đề - xoá đói giảm nghèo, mối hiểm hoạ HIV/AIDS và ô nhiễm môi trường - nếu không có sự kết hợp đồng bộ của các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ. Điều này cũng đã được nêu rõ tại Diễn đàn Thế giới về Phát triển bền vững năm 2002 tại Johannesburg, Nam Phi.
Công cuộc xoá đói giảm nghèo vẫn là vấn đề trọng tâm trong chương trình phát triển toàn cầu. Số người sống dưới mức nghèo đói trên toàn cầu đã giảm xuống 23% năm 1999 so với mức 29% năm 1990. Tuy nhiên, số người nghèo vẫn không đổi, vẫn còn khoảng 1,2 tỷ người có thu nhập dưới 1 USD/ngày hiện nay.
Thu nhập của 20 nước giàu nhất thế giới vẫn cao hơn 37 lần so với thu nhập của 20 nước nghèo nhất. Trong những nước có tỷ lệ chêng lệch giàu nghèo cao, 20% số người nghèo nhất chỉ nhận được 2% thu nhập quốc dân, và 20% số người giàu nhất nhận được trên 60%.
Căn bệnh HIV/AIDS vẫn là một trong những thách thức lớn nhất cho sự phát triển. Hiện có khoảng 42 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh HIV/AIDS. Mỗi ngày, khoảng 15.000 người trở thành nạn nhân và 8.000 người chết vì căn bệnh này. Châu Phi vẫn là trung tâm của nạn dịch, với 28 triệu người nhiễm bệnh HIV/AIDS.
Sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong chiến dịch chống lại căn bệnh AIDS. Liên minh giữa các doanh nghiệp ngày càng năng động, đặc biệt ở châu Á và châu Phi. Họ đã và đang xây dựng các chương trình hành động nhằm hạn chế tác động của căn bệnh HIV/AIDS đối với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội của Ngân hàng Thế giới, như Quỹ chống AIDS, Lao và Sốt rét toàn cầu, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các loại dược phẩm đắt tiền cho bệnh nhân.
An ninh và bất ổn địa chính trị
Cùng với vấn đề phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt, khủng bố - chống khủng bố đã trở thành vấn đề trọng tâm trong các mối quan hệ quốc tế. Chúng không còn là vấn đề của từng nước, từng khu vực mà là những vấn đề mang tính toàn cầu.
Các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, các nước Ảrập - Israel và phát triển vũ khí ở Đông Á có thể đe doạ đến tình hình an ninh trên toàn thế giới.
Xét về khía cạnh kinh tế, tình hình ở Iraq sẽ gây ra 3 hậu quả nghiêm trọng: Tác động trước mắt đối với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu; Nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp dầu lửa; và về lâu dài, chính sách an ninh năng lượng có thể bị sụp đổ. Một cuộc chiến tranh ở Iraq sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trên toàn thế giới, gây ra sự bất ổn định ở Iraq, Ảrập Xêút và thậm chỉ cả OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa).
Lòng tin và những giá trị
Năm 2002, hàng loạt các vụ bê bối doanh nghiệp đã làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và giới đầu tư. Theo một cuộc khảo sát vừa được WEF công bố, 48% số người được hỏi nói rằng họ ''rất ít hay hoàn toàn không tin tưởng'' vào các doanh nghiệp, 52% số người được hỏi đưa ra nhận định tương tự về tình hình kinh doanh của các nền kinh tế lớn.
Việc tính toán tác động của lòng tin đối với nền kinh tế là rất khó. Tuy nhiên, nếu thiếu lòng tin thì quan hệ kinh doanh sẽ giảm dần, rủi ro cao, lãi suất cao và lợi nhuận cận biên sẽ giảm.
Do vậy, diễn đàn cũng là nơi thảo luận của các Tổng giám đốc điều hành của 4 ''đại gia'' kiểm toán lớn nhất thế giới - Những công ty được coi là nguyên nhân gây ra vụ sụp đổ Tập đoàn năng lượng Enron và Tập đoàn viễn thông WorldCom.
▪ Tổ chức quốc tế Plan đầu tư 22 triệu USD cho Việt Nam trong 3 năm tới (16/03/2004)
▪ Nhà nhiếp ảnh tình nguyện (25/09/2003)
▪ Nam Phi đã đi cùng thế giới (09/08/2003)
▪ Nam Phi chống HIV/AIDS: Đơn độc hay đi cùng thế giới? (05/08/2003)
▪ "Phải tập trung chống AIDS như chống SARS" (05/05/2003)
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ Đối tượng được hưởng chế độ người bị phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp (12/01/2004)