(VietNamNet) - Trong báo cáo của Bộ LĐTB&XH về tình hình 1 năm triển khai Nghị quyết 16 của Quốc hội về thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại TP.HCM có 1 điều đặc biệt. Đó là việc học viên cai nghiện có... sổ tiết kiệm do có việc làm ổn định sau cai.
Để thực hiện đề án này, trong một thời gian ngắn, Chính phủ và TP.HCM đã ban hành một hệ thống văn bản, chính sách pháp luật cơ bản, khá đồng bộ thể chế hoá Nghị quyết 16 của Quốc hội. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, thành phố đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn thành phố để quán triệt mục tiêu, nội dung và kế hoạch triển khai đề án cho 1.700 cán bộ của xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 16, nhiều gia đình và thân nhân học viên cai nghiện chưa đồng tình. Đến nay, phần lớn học viên và gia đình đã đồng tình và tình nguyện làm đơn tham gia đề án.
Trong quá trình gần 1 năm triển khai đề án, TP.HCM đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Nhị Xuân với tổng diện tích gần 52ha, vốn đầu tư trên 193 tỷ đồng. Cụm công nghiệp này sẽ thu hút 10 ngành nghề và tạo việc làm cho khoảng 10.000 người, trong đó có từ 5.000-6.000 người sau cai nghiện. Đặc biệt, bên cạnh khu công nghiệp sẽ là khu đô thị có quy mô dân cư 7.000-8.000 người với đầy đủ nhà ở, tiện nghi sinh hoạt và hạ tầng cơ sở dịch vụ, hành chính...
Giải quyết việc làm cho học viên sau cai được coi là một trong những nội dung quan trọng của đề án. Sau một năm, các trung tâm đã tổ chức lao động sản xuất và giải quyết việc làm cho 14.760 học viên (trong đó có 4.200 học viên sau cai) với hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất kinh doanh để vừa dạy nghề vừa giải quyết việc làm. Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, các loại hình tạo việc làm này khá phong phú như sản xuất tiểu thủ công nghiệp (thêu, đan, in lụa, đồ mộc, mây tre lá...), công nghiệp nhẹ (may mặc, giày thể thao, túi xách, hàng nhựa, gạch lát đường cao cấp...), chế biến thực phẩm (chế biến hạt điều, chế biến cá, làm bánh mì...), trồng trọt, chăn nuôi...
Có công việc là có thu nhập. Nhiều học viên đã có sổ tiết kiệm, trong đó người cao nhất là 1.800.000 đồng, bình quân mỗi sổ là 300.000 đồng. Được biết, trong năm 2003, tại trung tâm cai nghiện ma tuý Bình Đức có 778 học viên gửi tiết kiệm với tổng số tiền là 120,52 triệu đồng, trung tâm Phú Văn 120 triệu đồng...
Tính đến nay đã có 72 đơn vị tham gia, trong đó, các trung tâm đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với 51 đơn vị với tổng số vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, giải quyết cho 7.850 học viên và người sau cai nghiện có việc làm. Các trung tâm đã ký bản ghi nhớ với 6 đơn vị đồng thời khảo sát để xây dựng phương án tổ chức sản xuất với 15 đơn vị khác. Đặc biệt, để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào các trung tâm, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà DN thành phố, các tỉnh và Trung ương để xúc tiến các hoạt động kêu gọi đầu tư và nghe các DN góp ý dự thảo về các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của thành phố. Ngoài ra, những hội chợ, triển lãm giới thiệu các sản phẩm do học viên làm ra với chủ đề ''sản phẩm của nghị lực''.
Học viên làm... giáo viên trợ giảng
Song song với việc cai nghiện và tổ chức việc làm, các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho học viên cũng đặc biệt được quan tâm. Học viên sau 2 năm cai nghiện được chuyển sang sinh hoạt tại khu riêng, được cấp trang phục mới của người sau cai nghiện, đảm bảo các tiện nghi cần thiết, nới rộng thời gian nghỉ ngơi, giải trí, điện thoại về gia đình. Quan trọng hơn, những người tiến bộ được kết nạp vào Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, được xét bổ nhiệm các chức vụ quản lý đơn vị như chuyền trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng sản xuất, giáo viên trợ giảng...
Theo nhận xét của Bộ LĐTB&XH, qua gần một năm thực hiện, khả năng thực thi của Đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện là rất lớn. Việc đưa cơ bản người nghiện vào các trung tâm đã góp phần quan trọng làm chuyển hoá, trong sạch địa bàn về ma tuý trên phạm vi toàn thành phố. ''Bước đầu, việc tổ chức quản lý dạy nghề, giải quyết việc làm sau cai là đúng hướng, tạo điều kiện cho học viên cách ly môi trường ma tuý, tiếp tục phục hồi hành vi nhân cách, góp phần chống tái nghiện một cách vững chắc, tạo được lòng tin tưởng trong quần chúng và người sau cai nghiện''- Trong bản dự thảo báo cáo tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH đã nhận định như vậy.
Khó khăn do đề án chưa có... tiền lệ!
Bộ LĐTB&XH nhận định, việc dạy nghề cho học viên được TP.HCM quan tâm nhưng do đại bộ phận học viên có trình độ văn hoá thấp và không có nghề nghiệp, đồng thời do cơ chế, chính sách, kinh phí dạy nghề hiện nay còn nhiều bất cập là khó khăn lớn nhất của đề án. Thêm nữa, học viên ở các trung tâm hầu hết là người nghiện nặng, nghiện dài, số người nhiễm HIV/AIDS và mắc các bệnh cơ hội chiếm tỷ lệ cao như lao phổi nên sức khoẻ yếu dần dẫn đến năng suất lao động thấp, không đảm bảo ngày công... cũng là khó khăn mà đề án phải quan tâm xử lý.
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng đặt ra, đây là đề án lớn nhưng chưa có tiền lệ. Tuy đã có một số văn bản chính sách pháp luật cơ bản để triển khai thực hiện đề án nhưng một số ban hành còn chậm hoặc còn nhiều văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể hoá chưa kịp ban hành đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cụ thể, đó là chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi thuế, thuê đất, tín dụng, xuất khẩu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho học viên, các quy định về hồi gia, ký hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ phép... của học viên sau cai nghiện.
Mặc dù TP.HCM có những khó khăn nhất định khi triển khai đề án lớn này nhưng dư luận xã hội TP.HCM và cả nước đang rất quan tâm, đồng tình và động viên trước những kết quả đạt được sau gần 1 năm thực hiện. Trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI này, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội những kết quả và tồn tại sau gần 1 năm thực hiện Đề án này.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, đến ngày 12/3/2004, TP.HCM đã đưa được 30.332 đối tượng vào tập trung tại 18 trung tâm, trong đó có 26.633 đối tượng nghiện ma tuý, 1.509 đối tượng mại dâm và 2.190 đối tượng thuộc Nghị định 33/CP và 76/CP. Cuối năm 2003, TP.HCM có 4.200 học viên, dự tính đến hết năm 2004 sẽ có 14.000 học viên đủ thời gian cai nghiện theo quy định (24 tháng) được chuyển sang thực hiện đề án. Đến hết tháng 3 thành phố đã đầu tư gần 750 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và sửa chữa 18 cơ sở cai nghiện, chữa trị cho đối tượng 05, 06, nâng tổng công suất hiện nay là 30.000 người. Trong đó, ngành LĐTB&XH quản lý 10 trung tâm (công suất 18.000 đến 20.000 người), lực lượng TNXP quản lý 8 trường (công suất từ 10.000 đến 12.000 người). Hiện nay, TP đang triển khai xây dựng mới Trung tâm Phú Đức, Trung tâm Phú Nghĩa có khả năng tiếp nhận 3.000 học viên. |
Thế Lê Vinh
▪ Tổ chức quốc tế Plan đầu tư 22 triệu USD cho Việt Nam trong 3 năm tới (16/03/2004)
▪ Nhà nhiếp ảnh tình nguyện (25/09/2003)
▪ Nam Phi đã đi cùng thế giới (09/08/2003)
▪ Nam Phi chống HIV/AIDS: Đơn độc hay đi cùng thế giới? (05/08/2003)
▪ "Phải tập trung chống AIDS như chống SARS" (05/05/2003)
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ Không gian châu Âu về y tế trên mạng (09/05/2004)