Mỹ và các nước chung sức đương đầu với thách thức HIV/AIDS trên toàn cầu
Các Website khác - 25/03/2004

Mỹ và các nước chung sức đương đầu với thách thức HIV/AIDS trên toàn cầu

Tác giả: Raymond F. Burghardt, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Ngày 28 tháng 11 năm 2003


Ngày 1/12 hàng năm được lấy làm Ngày Thế giới phòng chống AIDS nhằm nêu bật thành công và những thách thức còn tồn đọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Năm nay cộng đồng thế giới gặt hái nhiều thành công. Giờ đây chúng ta đã chứng tỏ được những phương pháp chống HIV/AIDS, bao gồm ngăn chặn hiệu quả và những chiến lược thay đổi hành vi cư xử, chống miệt thị và phân biệt đối xử, xây dựng quan hệ đối tác giữa chính phủ và xã hội dân sự. Chúng ta biết rằng sự lãnh đạo là điều thiết yếu và hành động sớm và có hiệu quả có thể kiềm chế, thậm chí đẩy lùi bệnh dịch và giảm bớt gánh nặng của bệnh tật đối với các gia đình, các cộng đồng và các quốc gia. Mặc dù trước kia đã từng có tranh cãi giữa phòng chống và chữa trị, nhưng ngày nay hầu hết đều đồng ý rằng ở nơi nào người bệnh có thể được cứu sống thì họ phải được cứu sống. Cộng đồng quốc tế đã hành động chống lại cuộc khủng hoảng HIV/AIDS, với sự đóng góp quan trọng của Quỹ Toàn cầu dành cho chống AIDS, Lao và Sốt rét và đóng góp của các thể chế đa phương khác.

Nước Mỹ tăng cường đối phó với thách thức về HIV/AIDS trên toàn cầu bằng kế hoạch của Tổng thống Bush về khẩn cấp giảm bệnh AIDS. Như Tổng thống đã khẳng định “Trước sự đau đớn và chết chóc có thể ngăn chặn được, chúng ta có trách nhiệm đạo lý phải hành động và chúng ta đang hành động”. Kế hoạch 5 năm này, với nguồn tài chính là 15 tỉ đôla, có mục tiêu ngăn ngừa 7 triệu ca lây nhiễm HIV mới, cung cấp thuốc men để điều trị cho 2 triệu người bị HIV dương tính, và chăm sóc 10 triệu người đang phải sống với HIV/AIDS và trẻ em mồ côi do căn bệnh này. Kế hoạch này tăng đóng góp của Mỹ cho Quỹ Toàn cầu thêm 1 tỷ đôla, nâng tổng số đóng góp của Mỹ lên 1,6 tỉ đôla - gần bằng một nửa tất cả cam kết tài trợ cho đến nay. Mỹ tiếp tục trợ giúp song phương cho khoảng 75 nước để chống HIV/AIDS và đề nghị tài trợ 9 tỉ đôla cho 14 nước điểm có số người mắc HIV/AIDS chiếm 50% số người nhiễm HIV/AIDS trên toàn thế giới. Đây là cam kết lớn nhất trong lịch sử một quốc gia vì một sáng kiến y tế thế giới.

Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam là cơ quan có đóng góp lớn nhất vào việc trợ giúp các nỗ lực của Việt Nam chống HIV/AIDS. Cục Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) giúp đỡ thực hiện một chương trình quy mô lớn về phòng chống, giảm nhẹ và chăm sóc người bị HIV/AIDS. Chương trình này tập trung can thiệp vào 3 tỉnh có tỷ lệ người mắc bệnh cao với những phương pháp đặc biệt mới nhằm vào các nhóm người có nguy cơ cao như gái mãi dâm và người tiêm chích ma tuý. Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Mỹ (CDC) giúp Bộ Y tế Việt Nam xây dựng và cụ thể hoá các thành phần cơ bản của chương trình quốc gia về phòng chống và chăm sóc người bị HIV/AIDS, với các hoạt động đuợc tiến hành ở 40 tỉnh. CDC cũng liên tục cung cấp tài chính và đào tạo cán bộ cho Bộ Y tế Việt Nam để thực hiện các hoạt động giám sát cảnh báo về HIV ở 10 tỉnh, giám sát bệnh lây qua đuờng tình dục ở 5 tỉnh, các dự án thí điểm ngăn ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở 3 tỉnh, tổ chức hội thảo tập huấn hàng năm về Kiểm soát và Chăm sóc HIV, và hàng năm giúp đưa một chuyên gia HIV của Harvard sang làm việc ở Việt Nam trong khuôn khổ các cơ chế cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh. Dự kiến năm 2004, các chương trình toàn diện do CDC và Bộ Y tế Việt Nam xây dựng thực hiện sẽ phát triển ra 30 tỉnh và hướng trọng tâm vào quản lý hiệu quả chương trình, dịch vụ chất lượng cao, và quản lý các hệ thống thu thập và báo cáo dữ liệu quốc gia.

Trở lại với tình hình AIDS trên thế giới, hiện vẫn còn nhiều thách thức to lớn. Năm triệu người đã bị nhiễm HIV kể từ Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm ngoái. Hơn ba triệu người nữa đã chết, để lại người thân trong đau khổ, trẻ em mồ côi và những cộng đồng bị tàn phá. Sự hiện diện của phụ nữ trong đại dịch AIDS ngày càng rõ rệt: phụ nữ hiện nay chiếm hơn một nửa số người nhiễm căn bệnh này trên toàn thế giới và tỉ lệ đó đang gia tăng. Cướp đi sinh mạng của lực lượng lao động sung sức nhất ở độ tuổi 15-45, HIV/AIDS đe doạ nguyên tắc cơ bản của sự phát triển đó là mỗi thế hệ đều làm việc hiệu quả hơn thế hệ trước đó. HIV/AIDS làm gia tăng tình trạng nghèo đói, làm giảm tuổi thọ, làm chệch hướng nguồn lực quốc gia, và để cho một thế hệ lớn lên mà không có tình thương, sự dạy bảo và trợ giúp của cha mẹ và giáo viên. Ở thời điểm khi chúng ta chào đón sự phổ biến của dân chủ, AIDS đe doạ xoá bỏ ký ức về những dân tộc non trẻ khi công chức phải gục xuống cầu nguyện AIDS.

Không còn nghi ngờ gì nữa HIV/AIDS là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Đánh bại AIDS đòi hỏi cam kết liên tục và có sự phối hợp của tất cả chúng ta. Để tối đa hoá tác động của các nỗ lực, nước Mỹ cam kết hợp tác với các chính phủ, các nhóm xã hội dân sự, và các tổ chức đa phương nhằm đạt được những mục tiêu trong kế hoạch của Tổng thống Bush. Nước Mỹ không thể đạt được những mục tiêu này một mình - đó là ngăn ngừa để 7 triệu người không trở thành nạn nhân mới của AIDS, điều trị cho hai triệu người, và chăm sóc 10 triệu người  - mà những mục tiêu này  là giới hạn có thể đạt được bằng nỗ lực chung. Cùng nhau hợp tác, những mục tiêu này chỉ là những bước tiếp nối tiến tới một thế giới trong đó AIDS không còn là cái thòng lọng đối với tương lai của chúng ta.

Cùng nhau hợp tác đòi hỏi các nhà lãnh đạo trong mọi khu vực - chính phủ, cộng đồng, các nhóm tín ngưỡng và tư nhân - đóng góp vào cuộc chiến chống HIV/AIDS. Với tư cách là các nhà tài trợ và đối tác, Mỹ, các nước khác và các thể chế đa phương sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nhà tài trợ không thể giáo dục được tất cả con em các bạn; không thể xây dựng, cung cấp nhân viên và duy trì cơ sở hạ tầng y tế thiết yếu; không thể chuyển đổi trái tim và trí óc của  đồng bào các bạn hay chăm sóc nhân công và những người hàng xóm của bạn. Chúng tôi có thể trợ giúp nỗ lực của các bạn, nhưng các bạn phải đưa ra những sáng kiến. Những nhà lãnh đạo của các bạn phải sẵn sàng, trong lời nói cũng như trong hành động để đối phó với căn bệnh này. Và do đó bạn cũng phải sẵn sàng trong lời nói và hành động để yêu cầu việc đó. HIV/AIDS không biết đến biên giới, nó không phân biệt bất cứ sắc tộc nào, giới tính nào, độ tuổi và tôn giáo nào. Nó sẽ không bỏ qua bạn mặc dù có thể bạn cố gắng lờ nó đi.

Nếu không có sự can thiệp, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng có trên 75 triệu người sẽ bị nhiễm HIV trên toàn thế giới vào năm 2010, với tổng số người chết vì AIDS là 100 triệu vào năm 2020. Đừng để thế giới chúng ta như vậy. Chúng ta hãy nhìn lại và nói với họ rằng họ đã đánh giá thấp tình thương của chúng ta, ý chí của chúng ta, và sức mạnh hành động của chúng ta. Hãy để chúng ta biến ngày Thế giới phòng chống AIDS này thành một bước ngoặt chống lại căn bệnh này.



Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội
Phòng Thông tin - Văn hóa | Phòng Thương vụ | Phòng Nông nghiệp
Phòng Lãnh sự | Chương trình Fulbright
Nhà Trắng | Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
[email protected]

Bảo vệ thông tin cá nhân
Trang web này do Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội xây dựng và cập nhật.