Đám cưới xa hoa của giới thượng lưu Ấn Độ
Các Website khác - 17/10/2005

Trong một đám cưới tại khách sạn 5 sao ở New Delhi, cô dâu bước ra khỏi chiếc BMW thể thao hai cửa được mang đến từ châu Âu. Vũ công nhảy điệu flamenco của Tây Ban Nha, hoa lan tươi rói được mang đến từ Thái Lan. Những bức tượng bằng băng và thậm chí các ngôi sao Bollywood cũng góp mặt.

Tất cả những thứ kể trên chỉ là một số trong những sự xa hoa trong các đám cưới ở Ấn Độ gần đây và nó được coi là dịp để cả gia đình và bạn bè được cơ hội thể hiện sự giàu có.

"Chúng tôi nhận được những đền nghị 'bất thường' như thế này liên tục", Meher Sarid, một nhà tổ chức đám cưới ở New Dehli cho hay. "Bây giờ nó không còn bất thường nữa".

Các đám cưới của Ấn Độ vẫn luôn được tổ chức hoành tráng như lễ hội, như được thể hiện trong phim Đám cưới gió mùaCô dâu và Định kiến. Nhưng lớp trung lưu ngày càng nhiều ở Ấn Độ, hiện chiếm khoảng 300 triệu người, đang biến các đám cưới thành cơ hội thể hiện thu nhập ngày càng cao cũng như sự khát khao trở thành trung tâm của thị trường toàn cầu.

Sự hào phóng đã đẻ ra ngành công nghiệp đám cưới trị giá 11 tỷ USD, mỗi năm tăng 25%, và bắt đầu sánh với ngành công nghiệp trị giá 50 tỷ USD của Mỹ. Các doanh nghiệp địa phương và các hãng hàng xa xỉ hàng đầu thế giới bắt đầu hiểu rằng cách để đi vào túi tiền của lớp người tiêu dùng mới của Ấn Độ là thông qua đám cưới.

"Các đám cưới giờ đã trở thành hình thức thể hiện sự giàu có và vị thế xã hội mà vừa được chấp nhận lẫn mong đợi", cố vấn hình ảnh Dilip Cherian, người đứng đầu Perfect Relations, công ty PR hàng đầu của Ấn Độ nhận định.

Theo các nhà tổ chức thì ngân quỹ tối thiểu cho một lễ cưới là 34.000 USD, trong khi lớp thượng lưu có thể chi đến 2 triệu USD. (Trung bình một đám cưới ở Mỹ tốn khoảng 26.000 USD). Khoản tiền này chưa kể tiền mặt và các món quà giá trị làm của hồi môn.

Và các công ty lớn của thế giới không bỏ lỡ cơ hội làm ăn. Samsung, Sony, LG, và các hãng gia dụng khác lên kế hoạch giảm giá cho mùa cưới, bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến tận tháng 3. GE Money India giới thiệu khoản cho vay nhanh chóng và dễ dàng cho các đám cưới.

"18% dân số Ấn Độ thuộc tầng thượng lưu và đây là thị trường tiềm năng lớn cho các hãng hàng hiệu", Renuka Keron, giám đốc tiếp thị của LVMH Watch & Jewelry India Pvt. Ltd., công ty chuyên bán đồng hồ Tag Heuer và Christian Dior ở Ấn Độ, cho hay.

Hội đồng quốc gia về Kinh tế Ứng dụng của Ấn Độ cho hay, tầng lớp trung lưu của nước này có thu nhập từ 4.545 đến 23.000 USD một năm, và các loại sản phẩm tiêu dùng của nước này mỗi năm sẽ tăng gấp đôi cho đến năm 2010. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định hàng năm ở mức 6%, Ấn Độ được cho là một trong 10 thị trường lớn nhất thế giới.

Không việc gì khiến người Ấn Độ mạnh tay chi tiền bằng đám cưới. Đó là lý do các doanh nghiệp địa phương nghĩ ra các triển lãm đám cưới rình rang, các món quà khác lạ và các kỳ nghỉ đi kèm cùng các trò giải trí.

"Đây là một trong những ngành kinh doanh không bao giờ suy thoái ở Ấn Độ", Diivyaa Gurwaara, người tổ chức triển lãm đám cưới Bridal Asia hàng năm, cho hay. Triển lãm này đi kèm với các show thời trang, trang sức và các mặt hàng xa xỉ.

Gurwaara là người tạo ra trào lưu này năm 1999 và bà là người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng của loại hình kinh doanh này, ở đó các gia đình có thể lượn lờ sắm cưới trong bầu không khí có điều hòa mát rượi.

Kể từ đó, số khách tham dự tăng lên chóng mặt và bà hy vọng rằng triển lãm mùa cưới năm nay sẽ thu hút khoảng 60.000 khách. Ở đó có trưng bày đủ các mặt hàng từ truyền thống đến quốc tế và thu về ít nhất 50 triệu USD.

Những mặt hàng được trưng bày cho thấy gu của người Ấn Độ ngày càng quốc tế hóa. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự đam mê món ăn Nhật của giới thành thị Ấn Độ. Menu tại các nhà hàng giờ có cả món sushi và tempura. Các thỏi chocolate từ Libăng thay dần món mứt kẹo truyền thống trong các đám cưới.

Lisa Dutta, cô dâu tương lai 25 tuổi, cho biết: "Đám cưới khiến người ta đôn đáo đến các ngóc ngách thành phố để mua hoa, đặt thiếp mời và may quần áo".

Gurwaara thì cho rằng chi phí cho các buổi hôn lễ sẽ leo thang khi mà các nhà tổ chức đám cưới chuyên nghiệp đảm nhiệm mọi thủ tục mà lẽ ra do các bậc ông bà tiến hành.

Tuy nhiên không phải ai cũng hào hứng trước những nghi lễ xa hoa. Malvika Singh, giám đốc một nhà xuất bản đồng thời là nhà xã luận, cho rằng các đám cưới tốn kém chỉ là trò "vô duyên". "Ngày xưa người ta ăn mừng đám cưới, giờ đây người ta trình diễn chúng", bà nói.

Ngọc Sơn (theo CSM)