Khủng bố tại Châu Á: Vẫn là bài toán phức tạp
Các Website khác - 30/12/2005
Hiểm hoạ khủng bố tại Châu Á:
Vẫn là bài toán phức tạp

Mối đe doạ khủng bố tại Châu Á trong tương lai, theo các chuyên gia phân tích cấp cao, vẫn hết sức rắc rối, khó phân tích để dự kiến giải pháp đối phó.

Người Hồi giáo ở Bangladesh biểu
tình phản đối các vụ đánh bom liều
chết ở Dhaka ngày 9.12.

Nhận định trên được các chuyên gia chống khủng bố đưa ra hôm 29.12, dựa trên cơ sở phân tích mọi thông tin từ các viên chỉ huy cấp cao của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã bị tiêu diệt hoặc bắt giữ ở Pakistan, tới loạt vụ đánh bom mới đây tại Bangladesh và vụ tấn công khủng bố thứ hai nhằm vào các du khách ở đảo Bali (Indonesia)...

Lực lượng Al-Qaeda tuy đã suy yếu đáng kể, song cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động kéo dài đã 4 năm qua vẫn chưa đạt được mục tiêu là bắt trùm khủng bố Osama bin Laden phải quy hàng.

Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ, Al-Qaeda đã đạt được mục đích là thu hút về phía mình các nhóm vũ trang Hồi giáo địa phương, đặc biệt là ở Châu Á, thông qua vai trò cung cấp tài chính, huấn luyện và tư vấn lựa chọn mục tiêu tấn công cho các nhóm địa phương.

"Các nhóm ở Châu Á, Trung Đông, Châu Phi và vùng Kavkaz nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hệ tư tưởng của Al-Qaeda về "global jihad" (cuộc thánh chiến Hồi giáo toàn cầu), từ chỗ được ủng hộ nay đang ganh đua với chính Al-Qaeda" - ông Rohan Gunaratna, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố ở Singapore, nhận xét sau khi phân tích các dữ liệu cho thấy các nhóm khủng bố địa phương đã thực hiện các vụ đánh bom sát hại nhiều người, bao gồm cả các vụ đánh bom liều chết "mang dấu ấn" của Al-Qaeda.

Lùi lại xa hơn, kể từ khi thành lập, Al-Qaeda đã nhiệt tình ủng hộ một số nhóm Mujaheedin chủ chốt bị đánh bật khỏi Afghanistan sau khi Mỹ tấn công nước này, và đã tạo nên một mạng lưới ủng hộ và che giấu cho các thành viên cốt lõi của Al-Qaeda tại Pakistan. Sau đó, một số nhóm đã cùng "dàn trận" với Al-Qaeda và cung cấp nhân sự để thực thi các vụ tấn công nhằm vào các nhân vật cấp cao ở Pakistan.

"Tuy nhiều thủ lĩnh hàng đầu của Al-Qaeda đã bị bắt và những nơi từng được coi như thiên đường an toàn cho chúng đã bị đánh tan tác, song khả năng tái tạo nên lực lượng vũ trang mới của Al-Qaeda dường như chưa hề suy suyển" - một quan chức chống khủng bố hàng đầu của Pakistan nói.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Al-Qaeda đã có được các đồng minh khu vực như Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) và nhóm của Abu Sayyaf ở Philippines; nhóm Jemmah Islamiyah và Lashkar Jundullah ở Indonesia; nhóm Kumpulan Mujahidin ở Malaysia; Jemmah Salafiyah ở Thailand; Arakan Rohingya Nationalist Organisation và Rohingya Solidarity Organisation ở Myanmar và Bangladesh.

Theo nhà phân tích an ninh Pakistan M.A. Niazi, các mối liên kết giữa các nhóm này đã tạo ra tình huống bất ổn cùng những vấn đề khu vực theo đúng xu thế khuếch trương toàn cầu của Al-Qaeda.

Còn theo nhận xét của ông Gunaratna, hiện tại Al-Qaeda đã phân tán bớt khỏi khu vực hạt nhân Afghanistan- Pakistan, và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhóm vũ trang ở Đông Nam Á cả về nơi ẩn náu, sự ủng hộ và lực lượng thực hiện các chiến dịch tấn công. Do vậy, khu vực này nhiều khả năng phải chứng kiến thêm các cuộc tấn công trong tương lai rất gần.

"Al-Qaeda vẫn là một tổ chức linh hoạt và có kỹ năng, nên cuộc chiến chống các loại hình khủng bố theo kiểu Al-Qaeda sẽ còn lâu dài và gian khổ" - chuyên gia người Bangladesh - viên tướng hồi hưu Mohammad Ibrahim cảnh báo.

L.L.Q (Theo AFP)