Nên gọi 7.11 là "Ngày cách mạng"
Các Website khác - 07/11/2005
Nên gọi 7.11 là "Ngày cách mạng"

Cách đây ít năm, lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11) được đổi tên thành "Ngày hoà giải và hoà hợp". Trên báo "Nezavisimaya Gazeta" (báo Độc Lập) của Nga số ra ngày 5.11, tác giả Sergei Konstantinov đã nhận xét rằng nên gọi "Ngày hoà giải và hoà hợp" là "Ngày cách mạng" thì mới đúng với sự thật lịch sử và lương tri. Lao Động trích giới thiệu bài viết này.

"Người bolshevik" - tranh của
Kustodiev B.
Đại chiến Thế giới lần thứ nhất (bắt đầu từ năm 1914) đã đẩy nhanh chiến thắng của những người bolshevik năm 1917. Lênin không xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Nếu như không có Đại chiến Thế giới thứ nhất, thì nước Nga có thể sẽ không có cả Cách mạng Tháng Hai lẫn Cách mạng Tháng Mười. Ngay từ tháng 2 năm 1914 (tức là trước chiến tranh), Bộ trưởng Nội vụ của chế độ Sa hoàng Petr Durnoi đã tiên đoán điều gì sẽ xảy ra, nếu nước Nga để mình bị lôi kéo vào chiến tranh. Trong bức thư gửi Sa hoàng Nikolai Đệ nhị, ông này viết: "Gánh nặng chính của chiến tranh sẽ rơi lên vai chúng ta. Vai trò người chọc thủng tuyến phòng ngự của Đức sẽ rơi vào chúng ta... Chiến tranh sẽ mang lại cho chúng ta những khó khăn to lớn và sẽ không thể kết thúc bằng khúc khải hoàn tiến vào Berlin. Những tổn thất về quân sự là không thể tránh khỏi... Chỉ cần xã hội không giữ được bình tĩnh, là những điều này sẽ được kích động. Bắt đầu bằng việc chính phủ phải chịu trách nhiệm về những thất bại. Các cơ quan lập pháp sẽ tiến hành chiến dịch cuồng nộ chống lại chính phủ... Cách mạng sẽ nổ ra trong nước... Quân đội, do đã mất một bộ phận nhân sự đáng tin cậy và đều có ý nguyện đất đai của nông dân, sẽ bị mất tinh thần và không còn là chỗ dựa đáng tin cậy của luật pháp và trật tự. Nước Nga sẽ bị xô đẩy vào sự hỗn loạn đen tối, không nhìn thấy đường ra".

Sự hậu thuẫn của giới trí thức yêu nước nhưng lại dè chừng với Đức đã khiến sa hoàng và phần lớn chính phủ cũng như giới quân sự để nước Nga bị cuốn vào cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Những người bolshevik đã kéo nước Nga khỏi cuộc chiến ấy bằng thoả ước Brest, cứu mạng sống của hàng vạn người lính. Đó là thực tế không thể phủ nhận.

Cũng không thể phủ nhận là những người bolshevik đã ngăn chặn sự đổ vỡ của nước Nga, cứu được vị thế cường quốc của đất nước, chứ không là "tờ giấy trắng" như điều Tổng thống Mỹ Wilson mong muốn năm 1918. Điều này được chính Sergei Melgunov - sử gia lưu vong ở phía bên kia, nhận xét rằng "chủ nghĩa bolshevik đã thắt chặt các dân tộc Nga lại với nhau".

Lênin và những người bolshevik không những ngăn chặn được việc biến nước Nga thành "tờ giấy trắng", mà còn mang đến cho đất nước một chính quyền có khả năng hoạt động. Những người chống đối chủ nghĩa bolshevik đã kịch liệt chỉ trích ý tưởng và chính sách của Lênin, nhưng không một ai ta thán ông về việc thiếu ý chí chính trị hay không biết điều hành chính quyền. Đó chính là điều tuyệt nhiên không có ở các lãnh tụ cuộc Cách mạng Tháng Hai, những người mơ ước về hành trình đến với nền văn minh Châu Âu. "Thụ động", "hạn chế", "thái độ nông nổi đối với công việc", "hai mặt", "hành vi đáng xấu hổ", "thiển cận"... là những từ mà ông Vladimir Nabokov - Chánh văn phòng Chính phủ lâm thời - dùng để mô tả những thành viên trong chính phủ này. Petr Savitsky - một trong những nhà hoạt động xã hội năm 1921 đã nhận xét rằng "sự thích dụng chính trị của những người bolshevik tương phản rõ nét với sự bất tài của phe đối lập".

Trong nhận thức của hàng triệu người về Cách mạng Tháng Mười, không thể lờ đi một điểm là đối với họ cuộc cách mạng này và chính quyền Xôviết đồng nghĩa với những thứ mà họ bị mất trong những cuộc cải cách hiện nay ở Nga. Đó là giáo dục, chữa bệnh và nhà ở không mất tiền, là việc tổ chức nghỉ ngơi cho người lớn và trẻ em. Quần chúng nhân dân dường như đã mãi mãi mất đi những thành quả xã hội của Tháng Mười. Thật hợp lý khi người ta còn giữ mãi tình cảm tốt đẹp về những năm tháng khi mà đất nước không có nạn thất nghiệp, tội phạm, mại dâm và trẻ em bụi đời. Đối với họ, ngày 7.11 đúng là ngày hội, chứ không phải là "Ngày hoà giải và hoà hợp" ảo. Ngày 7.11 cần phải được ghi trong lịch là "Ngày cách mạng" thì mới đúng với sự thật lịch sử và lương tri. Quỳnh An trích dịch