Nhà khoa học "chân đất" nhận giải Nobel Giao Vy (*) Trong 110 năm qua, mới chỉ có 8 người Pháp được giải Nobel Hoá học. Mới đây, việc ông Yves Chauvin (ảnh) - nhà hoá học Pháp 74 tuổi, trước đây làm việc ở Viện Dầu khí Pháp và không phải là giáo sư ở một trường đại học (ĐH) nào - cùng hai đồng nghiệp Mỹ (Robert H. Grubbs, ĐH Bách khoa California, và Richard R. Schrock, ĐH MIT) được giải năm nay đã gây ra nhiều ngạc nhiên và chú ý. Nhiều người có thể nghĩ ông là một nhà khoa học rất nổi tiếng ở Pháp, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại! Dù được phát hiện từ thập niên 1950 bởi các nhà hoá học công nghiệp, phải chờ đến 1967, phản ứng "Olefin Metathesis" mới được nhóm Goodyear ở Ohio đặt tên. Những năm trước đó , nhiều nhà hoá học Mỹ cũng thu được các kết quả tương tự, nhưng không ai giải thích được cơ chế của phản ứng. Năm 1971, Yves Chauvin và cộng sự - Jean-Louis Hérisson - hiện làm việc ở Viện Hoá dầu Pháp, đã thử giải thích phản ứng "Olefin Metathesis" hoạt động như thế nào, và các hợp chất kim loại có thể sử dụng như các chất xúc tác cho phản ứng. Họ đề xuất rằng bắt đầu của phản ứng này là một carben-kim loại. Carben-kim loại phản ứng với một olefin tạo một chất trung gian, metallacyclobutane, và tách thành một olefin mới và một carben - kim loại mới, tiếp tục tham gia phản ứng. Chauvin kể rằng hai bài báo xuất bản năm 1964 đã đưa ông tới giả thuyết. Bài đầu tiên là của E.O. Fischer, ĐH Munich, Đức, về một kiểu liên kết mới của Carbon - Kim loại. Bài thứ hai của G.Natta, ĐH Bách khoa Milan (Italia) miêu tả quá trình tổng hợp mở vòng của cyclopentene với triethylaluminum và hexachlorotungsten. Nói chuyện với tạp chí "Chemical & Engineering News" ông Chauvin cho biết: "Hình như những bài báo này chẳng có gì chung, nhưng với tôi chúng là một sự phát hiện. Từ bài báo của Fischer, tôi cảm thấy rằng các hợp chất trong "Olefin Metathesis" có thể là các carben-kim loại". Những năm sau đó, nhiều kết quả công bố ủng hộ giả thuyết của Yves Chauvin về chất trung gian (ngoại trừ cơ chế). Chauvin nhớ lại lúc ông nghĩ ra cơ chế: "Đó là một buổi chiều chủ nhật, tôi đang ngồi trong phòng. Hôm đó trời xấu lắm. Bất chợt, tôi kêu lên: "A, hiển nhiên là thế mà!". Vậy đó, chỉ đơn giản thế và ý tưởng hay thường đến trong lúc nghỉ ngơi...". Richard R.Schrock là người đầu tiên đưa ra một xúc tác hiệu quả, hợp chất kim loại vào năm 1990. Hai năm sau, Robert H. Grubbs, đã tạo nên một chất xúc tác khác tốt hơn, ổn định trong không khí và được ứng dụng nhiều trong khoa học và công nghiệp. Theo W.F.Carroll - Chủ tịch Hội Hoá học Mỹ - thì "Olefin Metathesis" là một phản ứng hoá học hữu cơ quan trọng không những dùng để loại bỏ những chất phế thải độc, mà còn giúp sản xuất nhiều loại thuốc mới chống ung thư, bệnh alzheimer, và bệnh AIDS. Đây là một ví dụ điển hình nữa về những lợi ích mà khoa học cơ bản đã mang lại cho nhân loại và môi trường sống của con người. Thật vậy, công dụng lớn của phản ứng "Olefin Metathesis" là có thể biến đổi những phân tử carbon liên kết đôi (carbon-carbon double bond) thành những chất thủy dịch hữu dụng mà chỉ cần vài chất xúc tác trong nhiệt độ bình thường. Niềm vui sau 35 năm Ông Chauvin đã về hưu từ 10 năm nay. Đồng nghiệp kể rằng, ông là người vô cùng khiêm tốn. Rất lúng túng khi nhận tin báo được giải, ông nói: "Tôi không quen với sự nổi tiếng!". Thật vậy, trong ngành hoá học ít ai biết ông. Ông chỉ là một nhà khoa học bình thường đã cống hiến hết sức mình cho sáng tạo khoa học, song luôn luôn khiêm tốn... Phần lớn các nhà khoa học Pháp thế hệ ông không thông thạo tiếng Anh, vì vậy việc phải mặc áo mão đi gặp Vua Thụy Điển nhận giải, rồi phải cho một bài thuyết trình khoa học làm ông lo lắng. Ông tâm sự: "Tôi tìm ra cơ chế này 35 năm rồi. Sau đó tôi không để ý đến nó nữa. Tôi vui vì tìm ra cơ chế này hơn là được giải!". Ông cho biết sẽ không đến Thụy Điển nhận giải vào ngày 10.12 tới. Những nhà khoa học chân chính thường chỉ thấy niềm vui lớn khi ngồi làm việc trong phòng thí nghiệm của mình! (*) Tác giả là GS hoá học, hiện đang giảng dạy tại Bỉ. |
▪ Lãnh đạo ACMECS cam kết hợp tác chống cúm gia cầm (03/11/2005)
▪ Tuyên bố của lãnh đạo ACMECS về phòng chống cúm gia cầm (04/11/2005)
▪ Iran đồng ý cho LHQ khảo sát địa điểm nghi ngờ là căn cứ hạt nhân (03/11/2005)
▪ Việt Nam đăng cai ACMECS-3 (04/11/2005)
▪ Chưa thu hẹp khoảng cách Kuala Lumpur - Bangkok (04/11/2005)
▪ Mỹ duy trì thuế bán phá giá đối với tôm Thái Lan, Ấn Độ: Bão mạnh hơn sóng thần (04/11/2005)
▪ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng cường an ninh (05/11/2005)
▪ 18,5 triệu euro giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (05/11/2005)
▪ 143 kẻ quá khích bị bắt giữ (05/11/2005)
▪ EU điều tra hệ thống nhà tù bí mật của Mỹ (05/11/2005)