Bầu cử tổng thống Mỹ bao giờ cũng là sự kiện thu hút sự chú ý của cả thế giới, bởi vì việc chọn lựa người đứng đầu siêu cường quốc duy nhất sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện toàn cầu nhưng chưa bao giờ bầu cử tổng thống Mỹ lại lôi cuốn dư luận quốc tế như lần này, bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một người da đen có khả năng và thực tế đã bước vào Nhà Trắng.
Tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho biết dư luận đa số các nước trên thế giới mong muốn ứng cử viên Dân chủ thắng cử, mà lý do một phần là vì họ không đồng tình với chính sách của Tổng thống Cộng hòa George Bush trong hai nhiệm kỳ qua. 78% dân Pháp muốn Obama đắc cử. Tỷ lệ này ở Đức là 72%, ở Tây Ban Nha là 68%. Ngay tại Anh, cũng chỉ có 11% người dân ủng hộ ông McCain. Riêng tại Pháp, cơn gió "Obamania" đã thổi qua nước này từ nhiều tháng qua. Ứng cử viên Dân chủ được tôn vinh trong các buổi trình diễn ca nhạc, chân dung của ông được in lên các áo thun, hình ảnh của ông được thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật và thậm chí còn là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang. Dân Pháp vốn có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ hơn là Cộng hòa, và lần này một người da đen lên làm tổng thống lại càng làm cho dư luận thêm hứng khởi. Phong cách cởi mở của ứng cử viên Dân chủ có thể góp phần cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Tây Âu.
Cũng giống như ở Tây Âu, đa số người dân Đông Âu nghiêng về ứng cử viên Dân chủ Obama. Chẳng hạn như tại Ba Lan, theo một cuộc thăm dò gần đây, có đến 62% nói rằng nếu được bỏ phiếu như dân Mỹ, họ sẽ chọn ông Obama, chỉ có 38% là bỏ phiếu cho ông McCain. Còn tại Nga, dân chúng chẳng nghiêng về ai. Trong một cuộc thăm dò gần đây, chỉ có 29% ủng hộ Obama, 15% có cảm tình với McCain, còn lại thì nói là ai đắc cử cũng được.
Tại châu Á, dư luận đa số cũng có vẻ nghiêng về ông Obama. Ngay tại Trung Quốc, người dân cũng ủng hộ ông Obama nhiều hơn vì ông được coi là biểu tượng cho thành công của các sắc tộc thiểu số. Tại Nhật Bản, đa số người dân cũng muốn ông Obama thắng cử vì không muốn đất nước họ tiếp tục bị lôi kéo vào những cuộc chiến tranh khác. Chính phủ cùng giới doanh nghiệp ở các nướcĐông Á tỏ ra thận trọng hơn với viễn cảnh ứng cử viên Dân chủ thắng cử. Khác với ứng cử viên Cộng hòa, ông Obama thiên về xu hướng bảo hộ mậu dịch hơn, chứ không chủ trương đẩy mạnh tự do mậu dịch như ông McCain. Thành ra, việc ông Obama lên làm tổng thống sẽ gây thêm rắc rối thương mại giữa Mỹ với những nước như Hàn Quốc. Trong khi đó, tại Australia, đồng minh thân cận khác của Mỹ, đa số người dân bất mãn với chính sách của Tổng thống Bush tại Iraq, nên cũng quay sang ủng hộ ứng cử viên Dân chủ.
Dưới thời Tổng thống Bush, Washington có vẻ lơ là khu vực châu Mỹ Latinh, trong khi dư luận tại các quốc gia này ngày càng có xu hướng bài Mỹ, do bất mãn với chính sách của Tổng thống Bush. Trong bối cảnh như vậy, ứng cử viên Dân chủ Obama rõ ràng là được sự ủng hộ nhiều hơn, bởi vì ông được coi là có nhãn quan cấp tiến hơn và dễ dàng đối thoại hơn.
Tại châu Phi, đa số dân chúng dĩ nhiên là ủng hộ ông Obama vì ông là người da đen, nhưng cũng vì ông được là xem là biểu hiện của tương lai. Tại Nigeria chẳng hạn, vừa ra khỏi sân bay thủ đô Abuja là người ta thấy ngay một bức chân dung khổng lồ của ứng cử viên Obama cùng với một bản đồ châu Phi và hàng chữ: "Cả thế giới ủng hộ Obama". Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là ông Obama, mà cha là người Kenya, một khi đắc cử có sẽ quan tâm hơn đến lục điạ bị bỏ quên này hay không. Nhưng một số người có đầu óc thực tiễn thì cho rằng Obama là người con của nước Mỹ, chứ không phải của châu Phi và như vậy ông sẽ quan tâm bảo vệ quyền lợi nước Mỹ hơn. Đây cũng là suy nghĩ chung của người dân tại Kenya, quê cha của ông Obama.
Về truyền thống thì các quốc gia vùng Vịnh vẫn thiên về phía Đảng Cộng hòa, bởi lẽ họ quen thuộc hơn với chính sách của phe Cộng hòa nên nếu McCain thắng cử, chắc chắn ông sẽ tiếp tục chính sách của Tổng thống Bush. Còn nếu Obama trở thành tổng thống, thì các nước vùng Vịnh sẽ đợi xem chính sách mới của Mỹ sẽ như thế nào, bởi vì họ không biết nhiều về ứng cử viên Dân chủ. Ngược lại với chính quyền, người dân thường ở các quốc gia này thì đa số nghiêng về ông Obama hơn. Riêng tại Iraq, đa số người dân thủ đô Baghdad đèu biết rõ là ông Obama chủ trương nhanh chóng triệt thoái quân Mỹ.
Tại Afghnistan, một chiến trường khác của Mỹ, đa số người dân ủng hộ ông Obama hơn với hy vọng là ông sẽ tìm ra một giải pháp chấm dứt bạo động tại nước này.