Trung Quốc: Sự trở về của chất xám Không chỉ số lượng, mà còn là chất lượng! Đó là mục tiêu của giáo dục đại học ở Trung Quốc (TQ). Để đạt được điều đó, một trong những chính sách quan trọng được áp dụng là chiến lược thu hút nhân tài. Hiện nước này đã đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng các phòng thí nghiệm tối tân và thu hút những nhà nghiên cứu nổi tiếng người TQ và Hoa kiều từ các trường đại học (ĐH) hàng đầu thế giới trở về phục vụ quê hương. Tham vọng
Hiện nay TQ đang có tham vọng biến những trường ĐH tốt nhất của mình thành các trường ĐH hàng đầu thế giới trong vòng một thập kỷ. Hàng tỉ USD đã được đầu tư để thu hút những nhà nghiên cứu nổi tiếng như tiến sĩ Yao, và xây dựng các phòng thí nghiệm tối tân. Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của TQ nhằm nâng cao hình ảnh của mình với tư cách là một cường quốc. TQ đã và đang có được một trong những sự phát triển giáo dục ngoạn mục nhất trong lịch sử của thế giới hiện đại nhờ gia tăng số lượng sinh viên đại học và số người có bằng tiến sĩ lên gấp 5 lần trong vòng 10 năm. Mô hình hiệu quả Để thu hút chất xám, TQ đã áp dụng một mô hình khá đơn giản: tuyển mộ các chuyên gia TQ và Hoa kiều hàng đầu được đào tạo tại nước ngoài, đặt họ vào trong các phòng thí nghiệm tối tân, giao cho họ các sinh viên xuất sắc và để họ tự do làm việc. Một số người được trả lương theo kiểu Mỹ; những người khác bị quyến rũ bởi những chi phí cho cuộc sống, các tiện nghi nhà cửa và các phòng thí nghiệm hiện đại. TQ hiện đang tập trung nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ - lĩnh vực phản ánh các nhu cầu phát triển của đất nước. Niềm tin về việc gia nhập nhóm các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới đang ngày càng được củng cố trong các chính khách, các nhà quản lý, các sinh viên và giáo sư. Rao Zihe - Viện trưởng Viện Lý sinh tại ĐH Thanh Hoa, trường nổi tiếng về những thành tựu khoa học và được nhiều người coi là ĐH tốt nhất TQ - tỏ ra lạc quan: "Có lẽ trong 20 năm nữa, ĐH Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cũng sẽ phải học tập mô hình của Thanh Hoa. Chưa thể dự đoán khi nào chúng tôi sẽ bắt kịp các ĐH hàng đầu thế giới, nhưng trong một số lĩnh vực chúng tôi đã vượt qua cả Harvard". Chỉ trong một thế hệ, TQ đã nhanh chóng gia tăng tỉ lệ giáo dục đại học từ 1,4% năm 1978 lên tới 20%. Riêng ngành kỹ thuật, mỗi năm TQ đào tạo được 442.000 kỹ sư mới, cùng với 48.000 thạc sĩ và 8.000 tiến sĩ. Hiện TQ đã vượt qua các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản về số lượng sinh viên đại học (hiện khoảng 20 triệu), và sẽ không dừng lại ở đó. Từ năm 1998, khi nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân chính thức khởi động chương trình cải cách các trường ĐH, ngân sách quốc gia dành cho giáo dục ĐH của nước này đã tăng gấp hơn 2 lần, và đạt tới con số 10,4 tỉ USD năm 2003, năm cuối cùng công bố những con số chính thức. Xu Tian - nhà di truyền học hàng đầu của ĐH Yale - hiện đang vận hành một phòng thí nghiệm tối tân tại ĐH Phúc Đán, nơi ông tiến hành các thí nghiệm biến đổi gene mới. Ngày 12.8 vừa qua, nghiên cứu đột phá của ông đã được đăng trên trang bìa của tạp chí uy tín Cell. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học TQ có được vinh dự này. Còn ĐH Bắc Kinh đã hấp dẫn Tian Gang - nhà toán học hàng đầu của ĐH Công nghệ Massachusetts, để thành lập một trung tâm nghiên cứu quốc tế về toán cao cấp, cùng với một loạt các trung tâm nghiên cứu hiện đại khác. Theo các thành viên của ĐH Bắc Kinh, khoảng 40% giáo viên của trường được đào tạo ở nước ngoài, phần lớn là Mỹ. Đối với ĐH Bắc Kinh, Thanh Hoa, Phúc Đán và một số trường ĐH khác của TQ, chiến lược đầu tư và thu hút chất xám một cách hiệu quả chính là một trong những nhân tố quyết định giúp các trường này có thể cạnh tranh với những trường ĐH hàng đầu trên thế giới. Hoàng Giang (Theo New York Times) |
▪ Lãnh đạo ACMECS cam kết hợp tác chống cúm gia cầm (03/11/2005)
▪ Tuyên bố của lãnh đạo ACMECS về phòng chống cúm gia cầm (04/11/2005)
▪ Iran đồng ý cho LHQ khảo sát địa điểm nghi ngờ là căn cứ hạt nhân (03/11/2005)
▪ Việt Nam đăng cai ACMECS-3 (04/11/2005)
▪ Chưa thu hẹp khoảng cách Kuala Lumpur - Bangkok (04/11/2005)
▪ Mỹ duy trì thuế bán phá giá đối với tôm Thái Lan, Ấn Độ: Bão mạnh hơn sóng thần (04/11/2005)
▪ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng cường an ninh (05/11/2005)
▪ 18,5 triệu euro giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (05/11/2005)
▪ 143 kẻ quá khích bị bắt giữ (05/11/2005)
▪ EU điều tra hệ thống nhà tù bí mật của Mỹ (05/11/2005)