![]() |
Nữ nghị sĩ Sue Myrick |
Chuyện gì đã xảy ra?
Hải cảng là cửa ngõ an ninh quan trọng và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Mỹ vẫn trong tầm ngắm Al-Qaeda. Thế mà lại giao cho một công ty Trung Đông cai uản thì liệu có thể tin cậy được? Ngay cả các ông nghị Cộng hòa cũng “phát điên” khi biết chuyện Washington trao quyền kiểm soát và điều hành 6 cụm cảng Mỹ cho Công ty Dubai Ports World (DPW) thuộc UEA.
Nội bộ lủng củng
Ủng hộ công khai DPW, Tổng thống Bush khẳng định ông sẽ phủ quyết nếu bị Quốc hội ngăn cản, dù Nhà Trắng nói rằng cá nhân Tổng thống Bush không hề biết trước vụ giao dịch DPW. “Thưa ngài Tổng thống kính mến, liên quan vụ bán các cụm cảng Mỹ cho DPW, chúng ta không chỉ nói Không mà là Tuyệt Đối Không” – nữ nghị sĩ Cộng hòa Sue Myrick viết trong lá thư vỏn vẹn một câu gửi Tổng thống Bush. Vụ việc xảy ra ngay lúc Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice chuẩn bị ghé UEA (chặng cuối trong chuyến kinh lý 3 nước Ả Rập vào thứ năm, 23-2-2006. Nó bắt đầu rùm beng khi ngày 17-1, nội các Bush chuẩn y thương vụ bán quyền kiểm soát và điều hành cho Công ty DPW.
Washington cho biết 23 ngày xem xét toàn bộ chi tiết hợp đồng cho thấy DPW chẳng đem lại mối nguy hiểm gì và thật ra những cảng quan trọng vẫn thuộc trách nhiệm giám sát của lực lượng Tuần dương Mỹ (U.S. Coast Guard). Tất cả công nhân làm việc cho DPW đều bị kiểm tra lý lịch chặt chẽ – Nhà Trắng khẳng định. Tuy nhiên, thương vụ đầy tính nhạy cảm an ninh quốc gia này hiện bị chặn từ Quốc hội. Thủ lĩnh phe đa số Thượng viện Bill Frist (Cộng hòa) và Chủ tịch Hạ viện J. Dennis Hastert (Cộng hòa) đã bác ý kiến Bush về việc cho phép thương vụ tiến hành vào đầu tháng 3-2006.
Đây có lẽ là lần đầu tiên nội bộ Cộng hòa lủng củng và xào xáo (giữa Bush và các ông nghị cùng đảng) quanh một vấn đề liên quan an ninh quốc gia. Sự việc càng làm uy tín tổng thống Bush bị sứt mẻ. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống thấp như hiện tại (chỉ khoảng 40%) sẽ là bất lợi lớn cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11-2006. Giới chính khách Cộng hòa, vốn đã bất đồng với Tổng thống Bush quanh chính sách Iraq, Iran, gián điệp nội chính, bây giờ càng căng thẳng trong vụ Washington “bưng” cụm cảng Mỹ trao cho UEA. Xì-căng-đan càng “náo nhiệt” khi hãng tin AP (vào ngày 23-2) cho biết, họ tiếp cận được tài liệu cho thấy chính Nhà Trắng đã bí mật yêu cầu DPW hợp tác với Mỹ. Theo tài liệu AP, Washington đã quá hớ hênh trong thương vụ DPW, chẳng hạn Nhà Trắng chẳng hề yêu cầu DPW lưu hồ sơ hoạt động trên đất Mỹ...
Vài năm gần đây, UEA hợp tác tốt với Mỹ trong các chương trình quân sự (Mỹ dùng cảng cũng như phi trường UEA làm căn cứ hậu cần và huấn luyện không quân). Tướng Peter Pace (Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ) chẳng giấu giếm khi cho biết thêm máy bay do thám U2 và chuyên cơ do thám không người lái Global Hawk hiện đặt ở căn cứ không quân Al-Dhafra. Tháng 3-2000, UEA và Mỹ đã hoàn thành hợp đồng bán 80 chiến đấu cơ F-16 loại hiện đại nhất... Xin nhắc lại, UEA từng ủng hộ chế độ Taliban tại Afghanistan; và 2 tên trong nhóm khủng bố tấn công Mỹ ngày 11-9-2001 chính là dân UEA.
Mất uy tín
Bất chấp UEA “tay trong tay” với quân đội Mỹ, các ông nghị ở Capitol Hill tiếp tục phản đối gay gắt thương vụ DPW. “Vụ này chưa thông qua kiểm tra về an ninh quốc gia. Tôi cho rằng đó là sai lầm” – phát biểu của dân biểu Cộng hòa Jim Saxton, Chủ tịch Tiểu ban Hạ viện về các hiểm họa khủng bố. Nếu thương vụ được tiến hành, DPW sẽ kiểm soát 6 cảng chính New York, New Jersey, Baltimore, New Orleans, Miami, Philadelphia và giám sát hơn 40 triệu tấn hàng hóa/năm.
Một số người Mỹ gốc Ả Rập bất bình trước sự phản đối thương vụ của các ông nghị. Hussein Ibish, nhà phân tích quan hệ Mỹ-Ả Rập, bình luận: “Việc thương vụ (nếu) không được tiến hành sẽ là thông điệp gửi đến thế giới Ả Rập rằng “này, chúng tôi (Mỹ) chẳng tin ai trong quý vị nghe; chúng tôi kinh hãi tất cả quý vị; chúng tôi nghi ngờ tất cả quý vị”... Dù gì thì gì, đã có dư luận cho rằng vấn đề khủng bố và chống khủng bố từng giúp Tổng thống Bush tái củng cố vị trí nguyên thủ nhiệm kỳ 2, bây giờ chính là yếu tố gây lung lay uy tín ông. Cuộc thăm dò Zogby vào tháng 1-2006 cho thấy có 75% người Mỹ hoang mang rằng khủng bố sẽ xảy ra tại Mỹ trong 2 năm nữa...
Tâm lý lo ngại ở những người phản đối thương vụ DPW không phải không có cơ sở. Joseph King – chánh chỉ huy lực lượng chống khủng bố thuộc Hải quan - nói rằng DPW phải đứng ra xin hàng trăm visa cho viên chức-nhân viên đến làm việc tại Mỹ và sẽ có khả năng rằng Al-Qaeda gây sức ép viên chức cấp thấp tại DPW phải “chạy” visa cho chúng. Theo kinh nghiệm bản thân, Joseph King cho biết trong quá khứ có nhiều nhóm tội phạm từng thâm nhập cảng New York và New Jersey bằng cách trên. Và rồi các vụ gửi tiền của công nhân DPW có thể bị trà trộn và trở thành những vụ chuyển khoản hợp pháp của thành phần Al-Qaeda (lọt vào Mỹ) cho đồng bọn ở Trung Đông hoặc các nước khác. Một công ty cỡ DPW liệu có đủ năng lực cũng như phương tiện để giám sát tất cả?
Kim Nguyên (tổng hợp)
▪ Bạo loạn tại Nigeria: (25/02/2006)
▪ Bangladesh: Cháy nhà máy dệt, ít nhất 52 người thiệt mạng (25/02/2006)
▪ Tổng thống Philippines tuyên bố tình trạng khẩn cấp (25/02/2006)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (25/02/2006)
▪ Anh: Cướp 2,5 triệu bảng từ ngân hàng (24/02/2006)
▪ Iraq bên bờ vực nội chiến (24/02/2006)
▪ Thêm một công trình lớn của kiến trúc sư Kancheli bị sập (24/02/2006)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (24/02/2006)
▪ Cháy xí nghiệp dệt ở Bangladesh, 51 người chết (25/02/2006)
▪ Chúng tôi có đủ lý lẽ thuyết phục (23/02/2006)