Giữa những khuôn mặt đang cúi gằm, thỉnh thoảng rụt rè ngẩng lên hoang mang, giật thót khi nghe cô y tá tên Hồng gọi đến mình trong buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB Ánh Dương (nhóm điều trị đặc hiệu ARV) ở Trung tâm y tế dự phòng Từ Liêm, Tuấn nổi bật với nụ cười và cái nhìn đầy tự tin. Cách đây vài năm, Tuấn cũng giống như những thành viên mới bây giờ.
Ma tuý không thể đánh bại tôi
Lê Thanh Tuấn (ở Thuỵ Phương, Từ Liêm, Hà Nội) sớm bỏ học theo lũ bạn chơi bời lêu lổng rồi “bập” vào ma tuý. Đến năm 1998, khi mới 21 tuổi, Tuấn phát hiện mình có HIV. Khi đó, Tuấn và gia đình gần như không ngạc nhiên trước thông tin này: “Không phải là chúng tôi không sợ HIV nhưng mọi người đã dự đoán được kết quả này từ trước, vì tôi nghiện từ lâu. Bản thân tôi thì suốt ngày “phê” nên cũng chẳng có ý niệm về bất cứ chuyện gì”. Nhưng sau này khi nhớ lại, Tuấn không khỏi kinh hãi: “Những tháng ngày đó đối với tôi thật đáng sợ, vật vã, lắt lay, không lúc nào tỉnh táo”. Đến một ngày: “Tự nhiên tôi cảm thấy mệt mỏi quá. Tôi muốn bỏ ma tuý”. Ước muốn được sống bỗng trỗi dậy. Mang theo quyết tâm từ bỏ ma tuý, Tuấn rời Hà Nội lên nhà người chú họ ở Hoà Bình. “Tôi bị nó “vật” liên tiếp 4 ngày trời, tưởng chết. Có lúc ông chú thấy thương quá, định đi mua thuốc về cho hút. Nhưng tôi đã quyết tâm rồi. Nếu không được trở lại làm người tử tế thì thà để cho nó “vật” chết còn hơn”.
Cai nghiện ma tuý là vô cùng khó khăn - “Muốn bỏ, tự bản thân mình phải quyết tâm”. Tuấn có không ít “kinh nghiệm” về những lần đi tập trung ở các trại cai nghiện. Tuấn kể: “Đã mấy lần tôi và vài đứa bạn được gia đình đưa lên các trung tâm cai nghiện. Nhưng trong đầu chúng tôi chỉ có một ý nghĩ là: “nhanh nhanh hết thời gian tập trung để về nhà. Về nhà sẽ hút. Kệ HIV, mặc dù tất cả chúng tôi đều biết HIV có thể lây nhiễm qua việc tiêm chích chung bơm kim tiêm, mà chúng tôi thì đều đã nghiện một thời gian dài”. Vì vậy, thời gian ở trại cai nghiện chỉ có thể dứt cơn, khi ra khỏi trại là gần như tất cả đều nghiện lại. Ý muốn cai nghiện phải xuất phát từ bản thân cộng với quyết tâm cao độ thì mới có thể thành công”.
Thuốc ARV và những điều kì diệu.
Trở về Hà Nội, Tuấn xin được làm bảo vệ ở một trường đại học. Có công ăn việc làm, có thu nhập, cuộc sống của Tuấn tương đối ổn định. Đã 7 năm trôi qua từ ngày phát hiện ra mình mang trong người virus HIV nhưng sức khoẻ của Tuấn vẫn còn khá tốt. Nhiều người xung quanh bắt đầu trầm trồ: “Ờ, người có HIV vẫn sống “ngon lành” đấy chứ, có sao đâu?”. Tuấn cười cười: “Sống lành mạnh, vui vẻ là bí quyết của tôi. Dứt được ma tuý, tôi tin rằng không khó khăn nào mình không vượt qua được”.
Cách đây 2 năm, một lần bị mắc bệnh lao, Tuấn được đưa vào bệnh viện điều trị với lượng tế bào CD4 ở mức 200. Sau quá trình điều trị tích cực, sức khoẻ hồi phục, bác sĩ khuyên Tuấn nên sinh hoạt ở một câu lạc bộ của những người có HIV. Và Tuấn bắt đầu tham gia vào nhóm tự nguyện “Ánh Dương” này: “Vào nhóm, tôi được tư vấn và điều trị ARV. Tôi được biết thêm nhiều kiến thức và thông tin về HIV/AIDS cũng như thuốc ARV. ARV đã kìm hãm sự phát triển của virus HIV trong cơ thế tôi. Và bây giờ, sau gần 2 năm điều trị, lượng CD4 của tôi là khoảng 800”. Một “kì tích” thật sự cho những người có HIV. Thông thường, lượng tế bào CD4 trong cơ thể một người bình thường vào khoảng 700 đến hơn 1000. Tuấn thấy “mình đã trở lại thành một người bình thường”. Không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị cho mình, Tuấn còn luôn có ý thức tư vấn, giúp đỡ những người có HIV khác trong nhóm. “Cái khó nhất trong việc điều trị ARV là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của bác sĩ, phải uống thuốc suốt đời và uống vào một giờ nhất định nếu không khả năng kháng thuốc sẽ cao. Tôi đã phải dán giấy nhắc nhở khắp nhà để không lúc nào được quên”.
Bác sĩ Nguyễn Thu Trang (người phụ trách CLB Ánh Dương) cho biết: “Hiện CLB có 143 người đang đang điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, 96 người điều trị ARV. Nhưng trên thực tế có rất nhiều người không tin vào tác dụng của thuốc ARV”. Tuấn đã khẳng định nhận xét này bằng câu chuyện có thật của cậu: “Trước đây, khi tôi đến vận động ông chú của mình tham gia CLB nhưng ông ấy bảo là tôi đánh lừa ông ấy. Đã bị HIV thì chỉ có nước chết thôi, không có thuốc nào có thể chữa được”. Đấy cũng là tâm lý chung của rất nhiều người. Khi một người phát hiện ra mình có HIV, phản xạ đầu tiên sau cơn sốc là sự tuyệt vọng và giấu kín không cho ai biết căn bệnh của mình. Vì vậy sẽ không được hỗ trợ những kiến thức về HIV nên càng lo sợ bị kì thị và càng thấy HIV/AIDS là một căn bệnh kinh khủng. Tuấn cho biết: “Nhưng bây giờ mọi việc cũng đã có xu hướng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Ít nhất là trong CLB của tôi, mọi người đã hiểu hơn về HIV, đã có cuộc sống và cách nhìn tích cực hơn và đặc biệt là tin tưởng vào tác dụng của thuốc ARV hơn trước rất nhiều”.
Hiện nay, Tuấn đã lấy vợ (cũng là một người có HIV) và đang có một cuộc sống rất hạnh phúc với những dự định tốt đẹp cho tương lai. Tuấn trở thành thành viên nòng cốt của nhóm, hàng ngày cùng các thành viên khác tư vấn, vận động, giúp đỡ những người có HIV tham gia vào CLB. Tuấn mong muốn: “Lấy bài học của bản thân mình để chứng minh cho mọi người (như ông chú tôi) rằng nếu chịu khó điều trị bằng ARV, người có HIV có thể sống khoẻ mạnh, vui vẻ như những người bình thường khác. ARV không tiêu diệt được HIV trong cơ thể bạn nhưng có thể kìm hãm sự phát triển của nó”.
Tuấn đã tìm thấy niềm hạnh phúc thật sự của đời mình: “Hạnh phúc nhiều khi thật bé nhỏ, giản đơn. Cuộc đời vẫn còn thật nhiều điều kì diệu. Sự quyết tâm đã đưa tôi trở về cuộc sống bình thường, và điều kì diệu đã cho tôi cuộc sống hạnh phúc như hôm nay” .
Thu Hiền
▪ Thuốc mới điều trị HIV dùng ngày 1 lần (11/10/2007)
▪ Nam Carolina: Khó khăn tài chính ở Chương trình hỗ trợ thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS (17/07/2006)
▪ Thuốc điều trị HIV/AIDS ngày một viên sẽ sớm phổ biến (15/07/2006)
▪ Abbott lựa chọn bệnh nhân để bán thuốc điều trị AIDS (13/07/2006)
▪ Thúc đẩy bào chế thuốc điều trị AIDS liều dùng một viên mỗi ngày (11/07/2006)
▪ Các nhà hoạt động về HIV/AIDS biểu tình bên ngoài sứ quán (10/07/2006)
▪ Zimbabwe kỳ vọng tăng gấp đôi số người được điều trị ARV vào cuối năm nay (10/07/2006)
▪ Ấn Độ: Dự kiến cấp thuốc ARV miễn phí cho 100,000 người bệnh (03/07/2006)
▪ Kem bôi ngừa HIV/AIDS Chemical Condom (03/07/2006)
▪ FDA thông qua thuốc mới điều trị HIV (28/06/2006)