Quốc hội thảo luận 3 dự luật
Các Website khác - 09/11/2005

Băn khoăn giữa luật pháp và thực tế
Trong Dự luật Phòng, chống HIV/AIDS, Điều 20 quy định về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong phòng ngừa, lây nhiễm HIV. Phần đông ý kiến đồng tình với quan điểm của UBTVQH, vì các biện pháp, giảm tác hại trong phòng ngừa, lây nhiễm HIV (tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, cung cấp bao caosu, bơm, kim tiêm sạch...) đều là những biện pháp rất có hiệu quả, nhiều chuyên gia còn cho rằng các biện pháp đó như một "quả đấm thép".

Nhưng có điều băn khoăn rằng các biện pháp này có trường hợp liên quan đến những đối tượng nhạy cảm và vi phạm pháp luật, nên cũng có nhiều nước không đưa vào luật mà giao cho chính phủ quy định. Ở nước ta, trong hệ thống văn bản luật chưa bao giờ thừa nhận các biện pháp đó, thậm chí bơm kim tiêm sạch, bao caosu còn là tang vật của vụ việc liên quan đến ma tuý, mại dâm.

Nhưng trên thực tế trong vòng hơn 10 năm qua, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp này và đem lại hiệu quả nhất định. Tức là điều luật này đang đứng giữa hai "dòng nước",
một là hiệu quả thực tế của các biện pháp can thiệp và một bên là vướng mắc về mặt pháp lý và quan điểm. Vì vậy, những quy định trong dự luật chỉ là mặt nguyên tắc, Chính phủ sẽ hướng dẫn cho phù hợp tình hình thực tế.

Trong dự luật không đề cập đến những quy định về việc chi trả khám chữa bệnh của quỹ BHYT đối với người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Nhưng nhiều ý kiến đồng tình với việc người có thẻ BHYT bị nhiễm HIV được thanh toán tiền điều trị, điều này thể hiện sự chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Dự án Luật Đầu tư khó được thông qua
Về dự án Luật Đầu tư, các ĐB đặc biệt quan tâm thảo luận về những ưu đãi đầu tư (ĐT) đặc biệt đối với các nhà ĐT nước ngoài. Qua thảo luận, Dự án Luật ĐT đã bộc lộ nhiều thiếu sót. ĐB Trương Hữu Chí (Đồng Nai) góp ý vào Điều 10, về áp dụng giá, phí và lệ phí thống nhất. Ông cho rằng, nếu ta kiến trúc Điều 10 thế này thì rất khó khả thi. Chẳng hạn hiện nay áp dụng giá lệ phí thống nhất (một giá) đối với điện, nước, bưu chính viễn thông, vận tải... là không thực hiện được vì giá điện nông thôn khác thành thị, giá nước cũng vậy, viễn thông nhiều hãng khác nhau có giá khác nhau...

Cũng không đồng tình với quy định thời hạn tồn tại của một doanh nghiệp là 20, 30 , 50 năm. Ông nói: "Qua tiếp xúc các doanh nghiệp khối Châu Âu, thấy họ rất thắc mắc tại sao chúng ta cứ phải có một doanh nghiệp tồn tại trong 20 năm, 30 năm, 50 năm. Họ cho chúng ta đang phạm một sai lầm. Doanh nghiệp bản thân nó sinh ra, nó không tồn tại nữa là theo yêu cầu của thị trường, theo nội sinh của doanh nghiệp. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta nên để cho các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm ĐT vào ta lâu dài thì không nên có thời hạn cho các doanh nghiệp nước ngoài ĐT vào VN".

Điều 28, Chương V, quy định về địa bàn khuyến khích ĐT là: Địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đặc biệt. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đưa quan điểm:"Tôi nghĩ nên thay cụm từ này bằng "địa bàn ưu đãi ĐT", khuyến khích vào chỗ khó khăn thì không ai vào đâu, mà nên nói ngay là "địa bàn ưu đãi ĐT", ưu đãi như thế nào thì Chính phủ có Nghị định sau. Nếu nói "khuyến khích ĐT" thì họ không bao giờ đồng ý chữ "khuyến khích" vào chỗ chết".

Về thủ tục hành chính trong việc khuyến khích và ưu đãi ĐT, nhiều ĐB cho rằng dự luật quy định thời hạn tối đa 7 ngày là rất tốt, nhưng theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào: "Chúng ta không nên ghi thời hạn, 7 ngày không được đâu. Thứ hai đầu tuần đến gặp các bác, xong thứ ba các bác hẹn, các bác đi họp, thế là hai tuần qua ngay. Tốt nhất là nên có một giới hạn nào đấy khả thi để người nước ngoài nhìn thấy chúng ta nói không quá". ĐB Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) bình luận thêm: "Luật phải cụ thể, khả thi, không thể có những điều, những khoản vận dụng kiểu nào cũng được, nói kiểu gì cũng được. Chính vì vậy các nhà ĐT nước ngoài hay nghi ngờ đối với luật của chúng ta".

Trước nhiều ý kiến còn khác nhau về quản lý nhà nước, trình tự thủ tục, và chính sách ưu đãi ĐT... trong dự án Luật ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói: "Các nhà ĐT là họ nghiên cứu luật của ta kỹ lắm. Luật của ta là Luật ĐT, thực chất là khuyến khích ĐT, vậy thì phải làm sao để các nhà ĐT hài lòng hơn luật cũ về quản lý nhà nước, về trình tự thủ tục, về các chính sách v.v... Thường vụ và Chính phủ sẽ nghe Ban soạn thảo trình xem tiếp thu thế nào, trên cơ sở đó ta có thông qua tại kỳ họp này hay không? Không phải cứ vào lịch là ta thông qua, là ta làm tích cực khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng".

Quản lý, sử dụng vốn DNNN
Về Dự án Luật Doanh nghiệp, vấn đề được các ĐB quan tâm là dự luật đưa ra quy định quản lý, sử dụng vốn trong DNNN thế nào? Theo quan điểm của UB Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội thì quản lý, sử dụng vốn ĐT trong DNNN thuộc quyền định đoạt của chủ sở hữu là Nhà nước. Chủ sở hữu sẽ có biện pháp cách thức bảo toàn vốn và tài sản... Vì vậy luật không thể có quy định về vấn đề này, nội dung này sẽ được quy định trong văn bản riêng.

Tuy nhiên ĐB Phạm Quang Dự và nhiều ĐB khác lại cho rằng, cần phải quy định rõ trong dự luật về quản lý, sử dụng vốn của DNNN để tránh tình trạng thất thoát lãng phí như hiện nay. Nhiều ĐB còn cho rằng, dự luật vẫn còn nhiều điều quy định tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN là không nên... L.H - Đ.L.T