Trong năm 2002, việc truyền thông giáo dục tuy được tổ chức khá rầm rộ nhưng chỉ thu được kết quả rất ít ỏi trong việc thay đổi hành vi của đối tượng tuyên truyền, nhất là ở nhóm nguy cơ cao. Các mô hình can thiệp giảm tác hại được đánh giá cao (như phong trào 100% bao cao su) lại chưa được nhân rộng.
Đó là nhận định từ báo cáo của Bộ Y tế vừa được công bố sáng nay tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống AIDS. Bản báo cáo nêu rõ, tuy cuộc chiến với HIV đã đạt được một số thành tựu (100% mẫu máu được sàng lọc trước khi truyền, 70% người nhiễm HIV có địa chỉ được theo dõi và quản lý) nhưng hiệu quả thực sự của nó vẫn chưa đáng kể.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là mạng lưới cán bộ phòng chống HIV/AIDS vừa mỏng về số lượng vừa yếu về năng lực. Hiện chỉ 45% cán bộ y tế có hiểu biết về phòng chống căn bệnh này. Cùng với sự thiếu thốn về kinh phí, cơ sở vật chất, sự yếu kém về trình độ của cán bộ chính là nguyên nhân khiến cho hiệu quả phòng chống AIDS ở các trại giam, trung tâm chữa bệnh xã hội (dành cho người nghiện ma túy, gái mại dâm) chỉ ở mức rất thấp. Trong khi đó, các cơ sở này lại là nơi tập trung nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nhất.
AIDS đang "trẻ hóa" - Nếu như năm 1993, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tuổi 30-39 cao gấp 3 lần nhóm 20-29 thì nay, tương quan này đã đảo ngược. - Năm 1997, lứa tuổi 20-29 chỉ chiếm 29% trong tổng số nhiễm HIV được phát hiện. Năm 2002, tỷ lệ này lên tới gần 60%. - Tỷ lệ nhiễm HIV ở nam thanh niên hiện đã tăng 8 lần so với 1996. (Bộ Y tế) |
Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệu và chống nhiễm trùng cơ hội hiện rất thấp. Ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này không đáng kể, trong khi đa số bệnh nhân là người nghèo, không có khả năng chi trả tiền thuốc. Ngay cả đối với cán bộ y tế bị phơi nhiễm, các thủ tục cấp thuốc điều trị dự phòng vẫn rất rườm rà. Trừ các thành phố lớn, số giường bệnh dành cho bệnh nhân HIV/AIDS hiện vẫn quá ít so với nhu cầu.
Riêng với đối tượng trẻ em, số cháu bị bệnh đang có xu hướng gia tăng vì việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiện vẫn chỉ được thực hiện ở các thành phố lớn. Ngoài ra, chỉ 50% trẻ bị bệnh được tiếp cận thuốc điều trị. Việc chẩn đoán muộn (Việt Nam chưa có khả năng chẩn đoán nhiễm HIV trước 18 tháng tuổi) cũng khiến kết quả điều trị rất hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống AIDS, trong năm 2003, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc tư vấn và xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao. Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến cho biết, do HIV/AIDS đang lan rộng trong nhóm nguy cơ thấp nên các chương trình phòng chống AIDS tại nơi làm việc sẽ được mở rộng (mục tiêu là 50% doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, 70% doanh nghiệp trực thuộc bộ ngành trung ương sẽ triển khai hoạt động này).
Một số mục tiêu khác của ngành y tế trong năm nay:
- Có 50 phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn khẳng định HIV dương tính (con số này hiện là 35).
- 20% bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận thuốc điều trị đặc hiệu và nhiễm trùng cơ hội, 100% trẻ nhiễm HIV được điều trị.
- 90% cán bộ y tế có hiểu biết về phòng chống AIDS.
- 100% tinh trùng sử dụng trong điều trị vô sinh phải được xét nghiệm HIV.
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)
▪ Thành lập Trung tâm Chăm sóc bệnh nhân AIDS (25/11/2002)
▪ Nỗi xấu hổ của Châu Á (06/10/2002)
▪ Phát hiện cơ chế kháng virus HIV của các bệnh nhân không bị AIDS (03/10/2002)
▪ HIV "treo" đầu làng (25/09/2002)
▪ Giới trẻ Nhật thích "quan hệ bừa bãi" (22/09/2002)
▪ Nguy hiểm như khủng bố (09/07/2002)