Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện chỉ có 10% trong số 337 trường có nhân viên y tế theo quy định. Trong khi đó, theo thống kê của bệnh viên Nhi trung ương, học sinh mầm non là lứa tuổi dễ bị tai nạn nhất
Đa số các bác sĩ chuyên khoa nhi đều cho rằng, trẻ em 1-3 tuổi có rất nhiều nguy cơ bị tai nạn như hóc thức ăn, hóc dị vật do nuốt đồ chơi, nghiêm trọng hơn là điện giật, ngã chấn thương hoặc bị bỏng... Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT cũng đã quy định bất kỳ trường mầm non nào cũng phải có phòng y tế sơ cứu cho trẻ. Song rất ít trường thực hiện nghiêm túc quy định này.
Tại Hà Nội, chỉ có trên 51% trường mầm non có phòng y tế hoặc góc sức khỏe riêng biệt với đầy đủ cơ số thuốc và trang thiết bị tối thiểu. Số trường có nhân viên y tế phụ trách phòng sức khỏe còn ít hơn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số trường. Đó là những trường điểm của quận và thành phố như trường Mầm non Việt - Bun, 20-10, Việt Triều.
Theo khảo sát của VnExpress, góc sức khỏe của các trường thực chất chỉ là một tủ thuốc gia đình có bông băng và một số thuốc thông thường. Khi có tai nạn, các giáo viên chỉ biết băng bó, lau chùi vết thương rồi đưa đến bệnh viện. Một số trường đã chuyển những giáo viên đứng lớp lâu năm sang làm nhân viên y tế hoặc giáo viên phải kiêm nhiệm. "Đội ngũ này vẫn có lương, song lại không có nghiệp vụ, khả năng cấp cứu khi tai nạn xảy ra là không cao", một cán bộ của Sở GD&ĐT nhận xét.
Một phụ huynh gửi con tại trường mẫu giáo Yên Lãng bày tỏ sự lo lắng: "Khi xin học cho con, tôi cũng hỏi nhà trường về công tác y tế. Các cô giáo cho biết, trường có tủ thuốc và giáo viên đều được đào tạo về nghiệp vụ sơ cứu. Nhưng thật lòng mà nói, nếu không phải là nhân viên chuyên môn thì khó có thể đảm bảo sẽ giải quyết được toàn bộ các trường hợp xấu xảy ra".
Theo bà Ngô Minh Khuê, Trưởng phòng Mầm non của Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT quy định phải có phòng y tế sơ cứu cho trẻ em, nhưng lại chưa có sự chỉ đạo thống nhất và kịp thời về biên chế cho các cán bộ chuyên trách y tế. Đây là khó khăn lớn nhất, gây trở ngại cho các trường. Trên thực tế, lương, chế độ dành cho cán bộ y tế hợp đồng đều do các trường tự lo và được trích từ quỹ học phí.
Trước mắt, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với các trường Bồi dưỡng cán bộ giáo viên, trường Trung học Y tế Hà Nội mới tổ chức được 2 lớp hướng dẫn, bồi dưỡng y tế học đường dành cho các nhân viên y tế nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng sơ cứu kịp thời cho trẻ khi gặp tình huống xấu. Các trường mầm non, nhất là trường ở ngoại thành đều đã cử giáo viên tham gia các lớp học này. "Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những đề nghị với UBND thành phố, mỗi trường cần có một nhân viên y tế, và cần bổ sung chế độ, chính sách cho đội ngũ này", bà Khuê nói.
Tuy nhiên, những kiến nghị này hiện vẫn chưa có hồi đáp.
Trịnh Vũ
▪ Mái dầm và tấm huy chương... (13/09/2005)
▪ MDG phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam (12/09/2005)
▪ An toàn vệ sinh cho thức ăn đường phố (13/09/2005)
▪ Thêm nhiều tour mới (13/09/2005)
▪ Thị trường Hà Nội Tết Trung thu: Nhiều mặt hàng tăng giá (13/09/2005)
▪ Một thành tựu đáng tự hào của nước ta về phát triển con người (13/09/2005)
▪ Quyết vượt lên số phận (13/09/2005)
▪ Năm 2010, Hà Nội mới chấm dứt tình trạng lấn chiếm sông Hồng (13/09/2005)
▪ Người bạn của các em nhỏ thiệt thòi (13/09/2005)
▪ "Hối lộ" ở giảng đường (13/09/2005)