Áp thấp nhiệt đới tràn vào miền Trung làm 3 người chết
Các Website khác - 14/09/2005
Đường 14D bị sạt lở.
Đường 14D bị sạt lở.

Khoảng 2h sáng 13/9, áp thấp nhiệt đới với gió mạnh cấp 6-7 đã đổ vào Đà Nẵng sớm hơn khoảng 4-5 tiếng so với bản tin dự báo thời tiết. Gần 200 ngôi nhà bị tốc mái, 6 ngôi nhà tại phường Thọ Quang, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) và phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) bị sụp đổ hoàn toàn.

Tại Trường Võ Thị Sáu, một nhà kho bị sập, nhà xe và nhiều phòng học bị tốc mái. Tường rào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Nguyễn Hiền bị sụp trước sức gió của lốc. Trên nhiều đoạn đường chính như Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Trần Quý Cáp, nhiều cây lớn bị gãy đổ từ khuya ngày 12/9, gây nên tình trạng ách tắc giao thông trên những tuyến đường này vào hôm qua.

Đến chiều 13/9, hơn 320 thuyền của quận Sơn Trà đi biển đã về neo trú tại âu thuyền Thọ Quang; nhưng có đến 3 ghe bị chìm, 60 tàu của phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) bị mất liên lạc. Theo thông báo từ Bộ đội biên phòng thành phố, có 807 tàu xuất bến qua cửa biên phòng, nhưng chỉ mới có 670 tàu trở về, còn 137 tàu với khoảng 1.600 lao động vẫn chưa liên lạc được.

Ở Thừa Thiên - Huế, mưa lớn kèm theo gió lốc làm mực nước trên sông Hương dâng cao 2,06 m (vượt mức báo động 2 là 0,06 m) và sông Bồ cao 3,68 m (vượt báo động 2 là 0,68 m). Tại huyện Phú Vang, lúc 6h30 ngày 13/9, tại xã Vinh Thái đã xảy ra một cái chết thương tâm khi chiếc đò đưa 10 học sinh đến trường đã bị lật và đắm. 9 học sinh đã được cứu, riêng em Nguyễn Thị Mơ, học sinh lớp 8 đã bị chết đuối.

Nhà bị tốc mái do lốc.
Nhà bị tốc mái do lốc.

Tại huyện A Lưới, hàng chục ngôi nhà đã bị sập và tốc mái; 159 ha lúa sắp thu hoạch bị ngập và hơn 5 ha ao nuôi cá bị nước lũ cuốn trôi. Lúc 9h ngày 13/9, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) Thừa Thiên - Huế nhận được tin báo tàu Minh Linh 27 chở hơn 1.000 tấn than, trên đường đi tránh bão đã bị mắc cạn, cách cửa biển Thuận An khoảng 1 hải lý, trên tàu có 11 thuyền viên. Do sóng lớn, các phương tiện cứu hộ bằng đường biển không thể tiếp cận được vị trí tàu mắc cạn nên Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có điện khẩn đề nghị Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia điều động máy bay trực thăng để giải cứu các thuyền viên. Đến khoảng 16h chiều qua 13/9, các thuyền viên trên tàu Minh Linh vẫn chưa được giải cứu.

Một tai nạn khác cũng diễn ra ở Quảng Nam. Vào 11h ngày 13/9, em Nguyễn Thị Nga, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Văn Dư (huyện Phú Ninh) trên đường đi học về khi qua suối Cau (địa phận hai xã Tam Thành - Tam Phước) đã rơi xuống nước mất tích, đến nay chưa tìm được.

Hàng chục km đường ở huyện Nam Trà My, Bắc Trà My cũng bị phá hủy khiến giao thông bị gián đoạn. Trong khi đó, chỉ có hơn 1.800 phương tiện tàu thuyền quay vào bờ qua hai cửa An Hòa, Cửa Đại so với gần 2.000 phương tiện đã xuất bến. Hiện 2 tàu của Hải đội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh) và 6 ca nô của các đơn vị khác sẵn sàng ứng cứu. Tuyến Quốc lộ 14D dài 75 km từ Nam Giang dẫn lên biên giới Việt - Lào cũng bị sạt lở nghiêm trọng, nặng nhất tại các điểm Km số 3, Km số 41, Km 59+600, Km 61, Km 65...

Ở các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, lốc lớn cũng gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Lúc 13h chiều ngày 13/9, tại địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã xảy ra lốc xoáy, làm 120 nhà bị tốc mái, trong đó có Trường Mầm non liên cơ Hoàn Lão, làm 7 em nhỏ bị thương. Lốc xoáy còn làm 1 máy biến áp bị cháy, 1.000m dây điện thoại, điện chiếu sáng bị đứt, nhiều cây lâu năm bị gãy đổ. Thiệt hại ban đầu ước tính 600 triệu đồng...

Ban PCLB tỉnh Bình Định cho biết, 3 tàu đánh cá cùng 7 ngư dân trong tỉnh khi hành nghề khai thác hải sản tại vùng biển cách đất liền 20 hải lý đã gặp nạn. Ngay sau khi bị nạn vì thuyền bị chết máy, các tàu nói trên đã phát tín hiệu cấp cứu về đất liền. Bộ đội biên phòng Bình Định đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ và đưa 3 chiếc tàu bị nạn về bờ an toàn.

Còn ở Quảng Ngãi, tính đến 17h chiều ngày 13/9, có 21 ngôi nhà thuộc xã Bình Long, huyện Bình Sơn bị gió lốc làm tốc mái, trong đó có 4 nhà bị tốc mái hoàn toàn; triều cường dâng cao đã đánh sập ngôi nhà của ông Dương Huỳnh, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, đe dọa trực tiếp trên 100 nhà khác của làng chài này. Do có thông báo sớm nên 2.000 tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi đã về đến các cửa biển an toàn. Trong những ngày qua, lượng mưa ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi đo được từ 150 đến 200 mm nên nước ở các sông dâng lên rất nhanh. Mực nước sông Trà chiều ngày 13/9 đạt xấp xỉ mức báo động 3. Theo lãnh đạo tỉnh thì có 500 hộ dân cần di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sau nhiều ngày mưa kéo dài, đến sáng 13/9, tình trạng lũ lụt đã xảy ra trên diện rộng của tỉnh Đăk Lăk, nước lớn cuốn trôi 6 người dân ở TP Buôn Ma Thuột và huyện Chư M’Gar, trong đó có 4 trẻ em và 2 người lớn. Đến nay cả 6 người dân này vẫn còn mất tích. Đến chiều 13/9, có 3 đập bị vỡ và nhiều đập khác có nguy cơ vỡ nếu tiếp tục có mưa lớn; hàng ngàn hecta hoa màu bị ngập nước và nhiều tuyến đường trong tỉnh bị hư hại nặng.

Những cơn mưa kéo dài suốt đêm 12/9 đến sáng hôm sau đã gây ra lũ quét tại xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, vào 8h sáng 13/9, làm ngập 300 ha lúa, một số trường học và nhà dân. 3h hồ cá bị phá hỏng hoàn toàn. Tỉnh lộ 721 từ Đạ Huoai vào Cát tiên bị ngập nhiều đoạn gây ách tắc giao thông. Tất cả các vùng trúng của huyện Đạ Huoai đều xảy ra lũ cục bộ, trong đó thị trấn Đạm Ri và các xã Đạ Tồn, Đạ Huoai bị ngập trên diện rộng.

(Theo Thanh Niên, Tiền Phong)