Khởi công tháng 8-2004, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2005 nhưng đến nay cây cầu chưa thành hình. Có muốn đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi cũng bó tay vì tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện nay quá chậm” - ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đã nói như vậy về dự án cầu vượt nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức).
Giá đền bù thấp, dân chưa chịu di dời
Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường thi công sáng 12-9, ở đầu cầu, đặc biệt là địa bàn phường Tam Bình, vẫn còn hàng chục nhà dân nằm chắn ngang công trình. Do nhà dân chưa được giải tỏa, gần 2 tháng nay, đơn vị thi công chỉ làm cầm chừng. Khi được hỏi về lý do vì sao chưa chịu di dời, nhiều hộ dân cho biết giá đền bù quá thấp, không thể tìm được nơi tái định cư (TĐC). Bà Bùi Thị Lặp (ngụ tại 577, khu phố 4, phường Tam Bình), cho biết: “Nghe bị giải tỏa trắng, gia đình tôi đã chạy đôn chạy đáo tìm mua đất, song họ rao giá trên 5 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù chưa đến 2,1 triệu đồng/m2, làm sao mua nổi”. Cũng theo người dân, cách tính lộ giới đường để áp dụng giá đền bù hiện tại cũng không phù hợp thực tế vì lộ giới đường Gò Dưa và Tỉnh lộ 43 được quy định nhỏ hơn đường Xuyên Á.
Trước tình hình giải tỏa mặt bằng của dự án quá ì ạch, tháng 6-2005, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo “thời hạn cuối cùng để quận Thủ Đức kết thúc đền bù giải tỏa mặt bằng công trình là 31-7-2005”. Tuy nhiên, theo Ban Bồi thường GPMB quận Thủ Đức cho biết, chỉ mới chi trả được cho 175/190 hộ dân bị ảnh hưởng.
Khu tái định cư chỉ là bãi đất trống
Một nguyên nhân khác khiến dự án trì trệ là do chính sách TĐC. Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận Thủ Đức, cho biết: Khi triển khai dự án, quận đã chuẩn bị nhiều phương án để hỗ trợ các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng. Trong khi chờ giao nền TĐC, người dân có thể tạm cư ở một chung cư quận tại phường Hiệp Bình Chánh); nếu tự tìm chỗ ở thì được hỗ trợ 1 triệu đồng (trên 4 nhân khẩu) và 250.000 đồng/người/tháng (từ 5 nhân khẩu trở lên). Tuy nhiên, sau khi tham quan nơi tạm cư, phần lớn người dân đều không chấp thuận và tiếp tục đề đạt nguyện vọng được giao nền TĐC trước khi bàn giao mặt bằng.
Vào tháng 3-2005, UBND quận Thủ Đức đã được UBND TP chấp thuận mua lại 12.874 m2 đất của Công ty TNHH Lan Phương tại phường Tam Bình để bố trí TĐC cho các hộ dân thuộc dự án cầu Gò Dưa nhưng nơi đây mới là một khu đất được san lấp tạm bợ, chưa có cơ sở hạ tầng. Tại các cuộc họp với Ban Bồi thường GPMB và UBND phường Tam Bình, hầu hết các hộ dân đều kiến nghị quận phải công bố rõ thời gian giao nền nhà và địa điểm nền cụ thể. Nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Châu cho biết: “Do khu đất của Công ty Lan Phương được quy hoạch xây dựng biệt thự, có diện tích lớn, nên quận phải xin TP phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500), sau đó mới có thể công bố cụ thể thời gian giao nền TĐC cho dân, do vậy người dân tiếp tục... chờ.
- Với tiến độ ì ạch kiểu này, cầu Gò Dưa đã và đang trở thành cầu dây dưa.
Dự án cầu vượt Gò Dưa có quy mô cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu; chiều dài 205,55 mét; tổng bề rộng 15,6 mét. Tổng mức đầu tư: 107,645 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa là 50,95 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải). |
Bài và ảnh: VĨNH TÙNG
▪ Hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa ASEAN và LHQ (14/09/2005)
▪ "Tuần Văn hóa Việt Nam" gây ấn tượng tại Hàn Quốc (14/09/2005)
▪ Vui Tết Trung thu 2005 ở Hà Nội (14/09/2005)
▪ Cần có những chuyến tàu du lịch (14/09/2005)
▪ Trẻ dưới 6 tuổi khám bệnh ngày nghỉ đang phải trả tiền (14/09/2005)
▪ Thế giới nỗ lực ngăn chặn dịch cúm gia cầm (14/09/2005)
▪ Đón Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học (14/09/2005)
▪ Nhà trường và gia đình, nơi rèn luyện lối sống, tạo dựng tính cách cho mỗi bạn trẻ nên người (14/09/2005)
▪ Hàng trăm nghìn tấn bom mìn vẫn nằm trong lòng đất Việt Nam (14/09/2005)
▪ Yêu Việt Nam như một người Việt Nam (14/09/2005)