Giúp người nghèo khổ hơn một đời ăn chay
Các Website khác - 28/09/2005
"Một cây thiện cho ngàn quả thiện, mang được một ít mắm, ít muối, ít gạo đến với những mảnh đời khốn khó, bất hạnh đối với tôi còn hơn một đời ăn chay, niệm Phật" - sư thầy Thích Đàm Ánh, trụ trì chùa Phụng Thánh (Hà Nội) tâm sự.
Tuổi thơ dữ dội

Tuổi thơ của sư thầy Thích Đàm Ánh là một chuỗi những ngày khổ đau, đói rét theo những biến động của đất nước. Bà sinh năm 1924, tại thị xã Bắc Giang trong một gia đình dòng dõi. Nhưng không may, gia đình bị phá sản, 14 tháng tuổi bà phải theo bố mẹ ra ở trong một ngôi lều rách ngoài bãi tha ma. Rồi bố mẹ chia tay nhau, bà được gửi về sống với bà ngoại.

"Bà ngoại tôi là người ăn chay trường nên tôi cũng ăn chay từ đó đến nay" - sư thầy nhớ lại.

Năm 10 tuổi, bà ngoại gửi bà vào tu tại chùa Âm Hồn (Vạn Linh, thị xã Bắc Giang) để theo học giáo lý nhà Phật. "Tu ở chùa, đói tôi không được ăn no, rét tôi không được mặc ấm. Cái đói, cái rét, cái nhọc nhằn ngấm sâu vào máu thịt tôi. Đêm đêm nằm co quắp, tôi tự nguyện trong lòng: con nguyện với đức Phật, bao giờ con làm được tiền được mặc cái áo ấm, được ăn một bát cơm trắng với nước tương, con sẽ dành tiền để đi làm phúc cho những người nghèo khổ".

15 tuổi, chú tiểu Thích Đàm Ánh đã góp nhặt cái áo, cái quần, tấm chăn rách mang đến các bệnh viện, trại phong giúp đỡ những người không may mắn. Trận đói lịch sử năm 1945 vẫn còn ám ảnh bà.

"Chính mắt tôi thấy những thây người chết đói nằm rải khắp các đường phố. Những đám người sống sót thì rách rưới, teo tóp. Họ bới nhặt những cái đầu cá thối rữa rồi mút lấy mút để. Thật thê thảm, rùng rợn!". Khi ấy việc phát chẩn của chùa chỉ như muối bỏ bể.

Lực bất tòng tâm, chú tiểu Thích Đàm Ánh gạt nước mắt chôn cất những người xấu số. "Chúng tôi chỉ làm được một việc là vận động mọi người quyên góp manh chiếu rách để chôn những người chết đói" - sư thầy thở dài nhớ lại.

30 năm nằm một cái màn rách...

Sau cách mạng tháng 8, sư thầy Thích Đàm Ánh tham gia cách mạng, làm phó ban tuyên truyền Phật giáo cứu quốc huyện Từ Sơn. Năm 1975, bà được cử về trụ trì ở chùa Phụng Thánh.

Bà kể: "Khi tôi tiếp nhận, chùa Phụng Thánh quá hoang tàn. Một cái giường nằm không có, bàn thờ cũng không. Tôi và các tăng ni đêm đêm hì hụi chở cát làm nền nhà, xây lại bàn thờ Phật, xây nhà tổ, nhà giảng, nhà khách... hoàn thành việc xây chùa, tôi dồn công, dồn sức làm từ thiện cứu người".

Hơn 30 năm nay, năm nào sư thầy cũng tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các trại phong trên cả nước. Theo dõi báo, đài, biết ở đâu người dân gặp thiên tai, bão lũ là sư thầy cùng các tăng ni lặn lội tới tận nơi để sẻ chia nỗi mất mát và giúp họ bát gạo, tấm chăn ấm. Sư thầy cũng là người tiên phong trong phong trào tặng bò cho quản trang ở các nghĩa trang liệt sĩ.

"Nhiều người hỏi tôi tiền đâu mà làm từ thiện lắm thế? Tôi trả lời ngay: Muốn làm từ thiện trước hết phải làm ra đồng tiền thiện. Những đồng tiền thiện tôi có được một phần là do tăng ni phật tử đóng góp, phần còn lại là do tôi chắt chiu, dậy sớm, thức khuya lao động để có được 30 năm nay, tôi nằm một cái màn rách để lấy tiền giúp người nghèo".

Mỗi năm, sư thầy ướp được hàng trăm kg chè sen, chè nhài, vài nghìn lít tương và nấu cỗ chay thuê. Được đồng nào, bà lại cóp nhặt để dành tặng người nghèo. Gặp lúc thiên tai, nhiều người đói khổ, trong chùa không sẵn tiền, sư thầy đi vay lãi để mua quần áo, bánh mì ủng hộ. "Vay rồi làm dần để trả nợ!" - sư thầy cười hồn nhiên.

Còn sống còn giúp người khốn khó

Hơn 30 năm làm từ thiện, bằng khen, huy hiệu của sư thầy có thể treo kín các bức tường trong chùa Phụng Thánh. Nhưng bà lại xếp gọn trong cái hòm gỗ. Bà tâm sự: "Tôi làm việc thiện không vì danh lợi. Đức Phật dạy rằng: Đệ tử chân chính của ta mà ham danh thì không khác nào một nén hương vừa thắp, người ta ngửi thấy mùi thơm thì đã tàn".

Đã ngoài 80 tuổi, bước đi không vững nhưng sư thầy Thích Đàm Ánh vẫn quyết tâm: "Còn hơi thở, tôi còn giúp những người khốn khổ. Với tôi khi sinh ra không mang vật nào thì khi chết đi sẽ không mang vật gì theo đúng như đức Phật dạy: Sinh thời nhất văn bất tề như lai. Tử diệc bất trì nhất văn như khứ".

Theo Nông thôn ngày nay