“Sứ giả” Kangaroo làm nhân viên ở Việt Nam 
Các Website khác - 28/09/2005
Các “sứ giả” trẻ trong buổi gặp gỡ
đồng nghiệp mới tại Hà Nội.
Một nhóm các bạn trẻ từ Australia đến Việt Nam và làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ ở khắp các vùng miền theo chương trình "Sứ giả trẻ Australia vì sự phát triển" trong vòng từ 6-12 tháng. Các lĩnh vực họ tham gia chủ yếu tập trung vào quản lý nhà nước, phát triển nông thôn, giáo dục...
Đây là lần thứ 14, các bạn trẻ xứ sở Kangaroo đến làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ... theo “Chương trình Sứ giả trẻ Australia vì phát triển”. 6 đến 12 tháng là khoảng thời gian các “sứ giả” trẻ sẽ làm việc cùng các đồng nghiệp ở Việt Nam ở khắp các vùng miền. Các “sứ giả” sẽ làm những công việc khác nhau theo đúng chuyên môn của họ và rất háo hức chờ đón giây phút được gặp các đồng nghiệp mới, được góp một chút sức lực và trí tuệ vì sự phát triển trong các cơ quan mà họ sẽ làm việc như những nhân viên bình thường.

Hầu hết trong số 15 “sứ giả” trẻ đều lần đầu tiên đến Việt Nam, nhưng có duyên nợ với đất nước này. Cô Rhonda Mann, 24 tuổi, là cán bộ nghiên cứu nông nghiệp trong một cơ quan nhà nước ở Australia, sẽ trở thành “công chức” ở Viện Nghiên cứu chè (tỉnh Phú Thọ) trong 6 tháng tới. Rhonda chưa từng đến Việt Nam, nhưng thời sinh viên cô đã có nhiều đề tài nghiên cứu về nền nông nghiệp Việt Nam và biết rằng Phú Thọ là vùng đất của những thương hiệu chè nổi tiếng. Được “sếp” ở Viện Nghiên cứu chè xuống tận Hà Nội tiếp đón, Rhonda rất bất ngờ và xúc động. Rhonda cho biết đến Việt Nam không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm làm việc ở một nước phát triển như Australia mà còn để học hỏi các đồng nghiệp vì cô cũng vừa tốt nghiệp đại học cách đây 2 năm.

Anh Gregor Edeson, 25 tuổi, là cán bộ chương trình về quản lý tài nguyên và giảm nhẹ thiên tai, sẽ trở thành “người nhà” của Tổ chức Văn hoá Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trong vòng 1 năm tới. Bố mẹ Gregor từng làm việc ở Việt Nam, nên từ lâu anh đã ghi tên đăng ký tham gia Chương trình Sứ giả trẻ vì phát triển. Trải qua vài vòng tuyển chọn kỹ lưỡng, chờ đợi khoảng ba tháng, Gregor mới được thoả ước nguyện sang Việt Nam làm việc. Gregor “khoe” rằng phải có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao mới được chọn làm việc cho UNESCO vì ở đây anh sẽ được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người dân Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực.

Cùng làm ở UNESCO với Gregor còn có cô Jan Kinsella, một chuyên gia giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm ở Australia. Chuyến “du lịch ba lô” qua nhiều vùng quê Việt Nam năm 2001 đã để lại cho Jan những ấn tượng tốt đẹp về một đất nước thanh bình với những con người thân thiện. Jan vừa trở lại Việt Nam, nhưng đã kịp nhận ra những thay đổi lớn về diện mạo của Thủ đô Hà Nội.

Anthrea Moore cũng như các bạn trẻ khác không dám nhận mình là “sứ giả” vì với cô điều này lớn lao quá trong khi mình chỉ là một cán bộ bình thường trong lĩnh vực giáo dục. Anthrea sẽ làm việc cùng nhiều đồng nghiệp người Việt Nam trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Phát triển kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Hỏi rằng có cảm thấy lo lắng khi làm việc trong một môi trường mới, Anthrea tin tưởng sẽ nhanh chóng hoà nhập với cách làm việc và lối sống ở Việt Nam vì ngay trong buổi gặp đầu tiên với các đồng nghiệp mới, cô đã cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện.

Nhóm “sứ giả” trẻ đầu tiên của Australia đến Việt Nam ngày 13-5-1999. Từ đó đến nay đã có gần 200 sứ giả trẻ xứ sở Kangaroo sang Việt Nam làm việc, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm. Các lĩnh vực mà “sứ giả” trẻ Australia làm việc ngày càng mở rộng, nhưng chủ yếu tập trung vào quản lý nhà nước và phát triển nông thôn.


Theo Tiền phong