Lễ hội đổ giàn
Các Website khác - 12/08/2005
Vào dịp rằm tháng bảy người Việt gốc Hoa ở thị tứ An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) thường tổ chức lễ hội đổ giàn. Trong lễ hội này họ lập đàn cầu nguyện có nghi thức "xô cỗ, xô giàn" rất độc đáo với sự tham gia của các võ sĩ trong vùng.
Trước đây, lễ hội đổ giàn được tổ chức vào những năm: Tỵ, Dậu, Sửu cứ bốn năm một lần vào trung tuần tháng 7 âm lịch tại Ngũ bang Hội quán ở An Thái. Lễ hội được chuẩn bị khá công phu. Trước tiên là lập một Ban tổ chức và phân công cụ thể cho từng thành viên. Người chánh bái là một vị cao niên được tập thể tín nhiệm. Ngày 13-7 người ta làm lễ rước nước lấy ở sông Côn về chùa Phổ Tịnh, dâng lên bàn thờ Thiên hậu Thánh Mẫu và các chùa khác trong Hội quán. Đoàn rước nước có kiệu, trống, chiêng và ban nhạc. Ngày 14-7 tiến hành lễ rước các vị sư trụ trì chùa Phổ Tịnh đến nơi tổ chức lễ. Tại Ngũ bang Hội quán tổ chức cúng chay liền ba ngọ (ngày 14, 15 và 16) với lễ dâng hương, dâng sớ và phát chẩn. Ngày 16-7 lễ rước cỗ tiến hành đến từng nhà có lòng cúng dâng lễ (gồm mâm gạo, muối, bánh và thịt heo). Sau đó cỗ này rước về đặt trước bàn thờ tại Ngũ bang Hội quán.

Trung tâm của lễ hội là nghi thức đổ giàn được tổ chức vào ngày 16, sau ba ngọ cúng chay. Lá phướn sẽ được cắm trên nóc chùa báo hiệu thời gian đổ giàn. Đàn cúng bằng gỗ cao khoảng 10m, diện tích khoảng 20m2, được thiết lập tại trung tâm Hội quán. Mâm cúng gồm hương, hoa, trà và một con heo quay. Các võ sĩ, võ sư của các võ đường được tập luyện chu đáo với tinh thần quyết giành được lá phướn và con heo cúng. Nhân dân địa phương và các nơi khác về tham dự lễ hội rất đông. Hàng nghìn người già, trẻ, trai, gái chen chúc nhau chung quanh chiếc giàn cao có đặt con heo cúng. Võ sĩ của các môn phái khác nhau tụ hội dưới giàn cúng. Ghi lòng 4 chữ "tâm-nhân-thiện-đạo" khi theo học võ, trong lễ hội đổ giàn, họ quyết liệt giành phần thắng cho môn phái của mình nhưng luôn giữ tinh thần thượng võ. Ai cũng mong cướp cho được heo cúng để chứng tỏ năng lực và nâng cao uy tín làng võ của quê hương.

Làng võ An Thái - An Vinh: Câu ca dao "Roi thuận Truyền, quyền An Thái" là lời ca tụng hai địa danh có truyền thống giỏi võ. Khi ba anh em nhà Nguyễn Huệ dấy nghĩa, đội quân thành thạo 18 môn binh khí của họ phần lớn là người ở An Vinh, An Thái. Nói chung "trai An Thái, gái An Vinh" rất giỏi võ công và truyền thống này được lưu truyền và tôn vinh qua nhiều thế hệ.

Sau khi vị chánh bài làm lễ xong thì giây phút đổ giàn sẽ bắt đầu. Vòng người vây quanh được nới rộng ra để các võ sĩ tiến vào. Khi vị chủ tế ra lệnh xô giàn cũng là lúc các võ sĩ phi thân lên giàn để tranh cướp con heo quay. Họ phải trổ hết tài nghệ và sự khôn ngoan để "chiến lợi phẩm" không lọt vào tay các đối thủ. Đám đông quần chúng hò reo vang trời. Người võ sĩ nào cướp được heo quay sẽ được các võ sĩ cùng môn phái bảo vệ để về đến địa điểm an toàn đã định trước. Con heo quay sau đó sẽ xẻ ra để khao tất cả những võ sĩ có mặt trong cuộc tranh tài, không phân biệt thắng hay thua. Trong những cuộc tranh tài như thế này, làng võ An Thái - Bình Khê thường giành chiến thắng hơn cả. Vì vậy mới có câu ca:

Tiếng đồn An Thái - Bình Khê
Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo

Vào buổi chiều cùng ngày, phần hội sẽ được tổ chức với nghi thức phóng sinh trên bờ sông Côn. Còn tại chùa Phổ Tịnh sẽ có múa lục cúng và ba đêm hát bội tại Hội quán.

Lễ hội đổ giàn đã bị mai một thời gian dài. Được biết, năm 2005 Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định sẽ khôi phục lễ hội này trên quê hương An Thái.

Theo Theo Du lịch