Người tàn tật cũng có thể đi xe buýt
Các Website khác - 12/08/2005
Sắp có thêm một niềm vui
cho người tàn tật.
Chậm nhất đến năm 2007, các thành phố phải thực hiện quy định về việc bảo đảm cho người tàn tật có thể tham gia các phương tiện giao thông công cộng.
Ngày 11-8, Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD) đã phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ người tàn tật Hoa Kỳ (VNAH) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho hai văn bản về giao thông tiếp cận cho người tàn tật.

Các văn bản đó là "Quy định tổ chức vận tải công cộng bằng xe buýt tại các thành phố để đảm bảo người tàn tật sử dụng" và "Tiêu chuẩn ôtô khách thành phố" (có tính đến khả năng tiếp cận của người tàn tật) dự kiến sẽ được Bộ GTVT ban hành trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - các quy định trên khi được ban hành và đi vào cuộc sống, người tàn tật nước ta sẽ có khả năng được tiếp cận với các vị trí dừng, đỗ và các nhà chờ xe buýt có biển báo, ký hiệu, thông tin dành riêng cho người tàn tật; có các xe buýt và tuyến xe được thiết kế bảo đảm cho người tàn tật lên, xuống thuận tiện. Quy định nêu rõ, khi xây dựng hành trình chạy xe của một tuyến xe buýt phải bố trí tối thiểu ba - năm vị trí dừng, đỗ đón trả khách thuận tiện cho người tàn tật; các vị trí đỗ phải có đường dốc cho xe lăn hoạt động dễ dàng; xe buýt phải được thiết kế phù hợp cho người tàn tật, tay vịn, khoảng trống cho xe lăn, chuông báo dành cho người khiếm thị... Quy định còn yêu cầu chậm nhất là năm 2007, các thành phố phải đầu tư, bổ sung phương tiện và các điều kiện thực hiện đúng các quy định trên.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Trưởng ban NCCD Đàm Hữu Đắc, trong lĩnh vực giao thông vận tải, đây là lần đầu tiên việc xây dựng văn bản có tính đến khả năng tiếp cận của người tàn tật... Ông Nghiêm Xuân Tuệ - Giám đốc NCCD - nhận xét, việc ra đời các văn bản trên là một trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm tới "Một xã hội hoà nhập và không vật cản vì quyền lợi của người tàn tật" (chủ đề Thập kỷ vì người tàn tật châu Á - Thái Bình Dương 2003 - 2013). Chữ "vật cản" ở đây được hiểu ở cả nghĩa đen (không có lối đi, phương tiện trợ giúp người tàn tật) và nghĩa bóng (sự thành kiến, thờ ơ của xã hội).

Theo Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng (Bộ Xây dựng ban hành năm 2002), các công trình y tế (bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh...), cơ quan hành chính các cấp (trụ sở uỷ ban hành chính, cơ quan quản lý nhà nước...), giáo dục (trường học các cấp), thể thao (sân vận động, nhà thi đấu), văn hoá (công viên, khu vui chơi, nhà hát, thư viện...), dịch vụ công cộng (khách sạn, bưu điện, siêu thị...), nhà ở chung cư, đường và hè phố phải đảm bảo để người tàn tật sử dụng như lối đi, bãi để xe, cửa ra vào, khu vực hoạt động công cộng, vị trí làm việc, các thiết bị chuyên dùng, nhà vệ sinh...


Theo Lao động