Người dũng cảm ở thôn Dũng Cảm
Các Website khác - 12/08/2005
Ông Nguyễn Khắc Thuật cho cá ăn
tại ao vườn nhà mình.
Đó là một nông dân dám đấu tranh quyết liệt với cả một băng nhóm tham ô, rút ruột kho thóc suốt mấy năm liền...
Chuyện ông Nguyễn Khắc Thuật, ở thôn Dũng Cảm (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây) dũng cảm đứng ra bảo vệ lẽ phải cho thôn là một câu chuyện dài đầy thử thách.

Mọi việc bắt đầu từ năm 2000 khi Mai Văn Úc khống chế người dân bầu y vào chức trưởng thôn, rồi tham ô, rút ruột kho thóc… Dù đã bị khai trừ Đảng, Úc vẫn bám vào “ghế” trưởng thôn, tập hợp những thành phần quá khích, côn đồ đi chửi bới, đánh đập những người không “ăn cánh” và nghiêm trọng hơn là xúi giục người dân khiếu kiện vượt cấp khắp nơi để trả thù những ai đã “hạ bệ” mình. Mọi hoạt động của người dân trong thôn Dũng Cảm đều bị Úc và các tay chân y kiểm soát chặt chẽ. Thông tin, chỉ đạo của tỉnh, của huyện và của xã đều không đến được với người dân trong thôn. Sự việc lên đến đỉnh điểm vào giữa năm 2003, chính quyền xã Trung Tú thấy tình hình thôn Dũng Cảm quá nguy hiểm nên quyết định thay thế trưởng thôn, Úc tập hợp những phần tử quá khích đến đập phá trụ sở công an, UBND xã, cắt đường dây điện thoại, ở lì trong trụ sở thôn và trạm truyền thanh.

12 đối tượng gây rối trật tự công cộng tại thôn Dũng Cảm do Mai Văn Úc cầm đầu đã bị truy tố và ra trước vành móng ngựa vào ngày 15-7-2005. Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa (Hà Tây) đã tuyên phạt Mai Văn Úc 42 tháng tù. Chín tên đồng bọn khác của Úc như Vương Công Luận, Chu Duy Đệ, Vương Văn Tuyển, Mai Văn Tuyển... cũng bị tuyên án từ 15-54 tháng tù. Phiên tòa được xử lưu động tại thôn Dũng Cảm trước sự chứng kiến của hàng nghìn người.


Người trong thôn ai ra mặt chống đối hoặc thậm chí chỉ cần một ý kiến không đồng tình, là bị bọn tay chân của Úc bắt trói, đánh đập. Cả thôn Dũng Cảm lúc ấy có 558 hộ dân, gần phân nửa trong số đó đã bị bọn chúng khống chế. Một thời gian dài thôn Dũng Cảm như một ốc đảo, mất thông tin liên lạc với xã, huyện, tỉnh; người dân luôn sống trong bầu không khí hoang mang, tinh thần xuống dốc.

Giữa lúc khó khăn đó, ông Thuật không chịu ngồi yên nhìn Úc và đồng bọn tác oai tác quái. Ông tìm đến UBND xã Trung Tú xin được đứng ra “dẹp loạn”. Ông nói với lãnh đạo xã: “Tôi xin đại diện nông dân đứng ra cùng với các anh lập lại kỷ cương phép nước!”.

Mặc cho hàng chục tên côn đồ, tay gậy gộc, cuốc xẻng luôn bao vây nhà ông hù dọa, chửi bới, đòi “làm thịt” cả nhà, ông vẫn động viên vợ con và quyết tâm làm đến cùng. Với chiến thuật “lấy tuyên truyền chống tuyên truyền”, ông Thuật lắp một cụm loa truyền thanh ngay tại nhà mình và giữ vai trò “trưởng đài kiêm phát thanh viên”. Mỗi sáng ông lên máy, vặn hết công suất loa và đọc các thông báo mới về chủ trương của huyện, của xã, vạch trần bộ mặt của Mai Văn Úc và đồng bọn. Đồng thời, ông kêu gọi bà con mạnh dạn đứng lên đấu tranh chống lại nhóm gây rối trật tự công cộng này. Loa phóng thanh nhà ông hết bị phá rồi bị tháo xuống, ông lại sửa, lại treo để tiếp tục được nói với dân.

Thời điểm đó, ông Thuật gần như là “cầu nối” thông tin duy nhất giữa thôn Dũng Cảm với chính quyền xã, huyện. Ông đứng ra dẫn đường cho cán bộ xã xuống gây dựng lại các đoàn thể, điều hành sản xuất của hợp tác xã, động viên người dân tham gia tố giác các hành vi phạm pháp của Úc và tay chân của y để có thêm thông tin, chứng cứ xử lý theo pháp luật.

Đầu năm 2004, để có thêm điều kiện chống lại thế lực xấu, ông Thuật vận động bà con bầu ông vào chức vụ trưởng thôn. Ngày 9-2-2004, ông Thuật chính thức đảm nhận chức vụ trưởng thôn Dũng Cảm trong nỗi lo lắng của gia đình. Sau khi ông “nhậm chức” được bốn ngày, các tên Chu Duy Đệ, Vương Văn Tuyển, Mai Văn Tuyển (đàn em của Mai Văn Úc) mở “chiến dịch” chửi bới, đập phá tài sản và hành hung hàng loạt cán bộ xã Trung Tú. Ông Thuật vẫn lặng lẽ mà quyết liệt, làm việc không ngơi nghỉ ngay tại nhà của mình.

Mấy tháng liền sau đó ông Thuật bắt tay vào gây dựng lại bộ máy cán bộ thôn, các đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… Ông mời gọi cả những người trước đây từng thuộc phe cánh của tên Úc nhưng nay đã nhận ra bộ mặt thật của y sang tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Ông đến nhà từng hộ trong thôn giải thích cho bà con hiểu chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước và kêu gọi mọi người tẩy chay tên Úc và đồng bọn của y. “Thật ra bà con trong thôn rất tốt. Nhưng một số đã bị bọn Úc xúi giục, khích động nên mới bị lôi kéo vào những vụ gây rối, mất trật tự thôn xóm” - ông Thuật phân tích. Rồi ông bình tĩnh vừa điều hành công việc của thôn, vừa thu thập thêm những thông tin, chứng cứ để cung cấp cho cơ quan chức năng về những hành vi phạm pháp của Úc và đồng bọn, sau đó giúp lực lượng công an giải tán và bắt giữ nhóm quấy rối của Úc. Bà con thôn Dũng Cảm vẫn còn nhớ cái ngày sau gần hai năm làm “trưởng thôn tại gia”, ông Thuật đàng hoàng bước vào trụ sở thôn làm việc. Thôn Dũng Cảm đi qua cơn bão, mọi sinh hoạt lại yên bình trở lại, chòm xóm hàn gắn lại những gì đã mất.

“Sóng gió đã qua rồi. Đã là người thôn Dũng Cảm, cái tên mà tổ tiên đặt cho, phải sống cho thật xứng đáng. Tôi đang tìm người để giới thiệu ra ứng cử chức vụ trưởng thôn thay mình đây, tôi năm nay đã trên 60 rồi” - ông Thuật nói và phóng tầm nhìn ra đầu làng có lũy tre thanh bình xanh mướt…

Theo Tuổi trẻ