Thoát nghèo nhờ... lũ
Các Website khác - 12/08/2005
Nông dân thu hoạch lục bình
ở Phú Tân, An Giang.
Trước đây, mỗi khi lũ về, cuộc sống của người dân vùng lũ đầu nguồn An Giang lại lao đao, vất vả, chủ yếu trông vào cứu trợ. Nhưng nay cuộc sống của họ đã khác - ổn định hơn, thậm chí không ít gia đình còn vươn lên khá giả nhờ... lũ.
Nhiều nghề mới, nhiều cách kiếm sống mới

Chúng tôi về huyện Châu Phú, một trong những địa bàn trọng điểm, thường xuyên bị ngập nặng mỗi khi mùa lũ đến. Xã Ô Long Vĩ, một xã nghèo vùng lũ của huyện Châu Phú. Trước kia, người dân nơi đây luôn phải vất vả, vật lộn, chống chọi với sóng nước mùa lũ cùng với cái nghèo đeo đẳng quanh năm. Nhưng nay, lũ không chỉ đem đến cho họ những phiền toái, vất vả, lo toan mà cả những cơ hội làm ăn. Mùa lũ năm 2004, xã Ô Long Vĩ đã xuất hiện 13 ngành nghề như: nuôi cá trong vèo, nuôi tôm đăng quầng, nuôi ba ba, trồng bông súng, trồng rau nhút (hay còn gọi là rau rút), vót đũa, hái bông điên điển (bông điên điển là món ăn khoái khẩu của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có khi lũ về)… thu hút hơn 500 lao động. Vuông tôm của ông Cù Lưu Dính ấp Long Thuận, xã Ô Long Vĩ, diện tích hơn 4,6ha. Vụ tôm năm ngoái, gia đình ông thả nuôi 250.000 con tôm giống; tôm khỏe, phát triển nhanh, kết quả gặt thu lãi lớn. Sau khi lũ rút đi trên mảnh đất nuôi tôm này, gia đình ông tiếp tục trồng lúa và mang lại lợi nhuận khá cao do phù sa của nước lũ để lại và nguồn phân bón từ con tôm thải ra. Với diện tích đất này ông Hai Dính đã sử dụng rất hiệu quả hai vụ lúa, một vụ tôm. Còn tại khu dân cư trung tâm xã có khoảng bảy hộ gia đình với hơn 20 người từ già đến trẻ là họ hàng của nhau đều cùng làm nghề vót đũa tre. Bà Nguyễn Thị Tư, cho biết nghề vót đũa chỉ làm trong mùa nước nổi mà thôi bởi mùa khô phải đi cắt lúa mướn. Tính trung bình mỗi ngày một gia đình ở Ô Long Vĩ sản xuất ra khoảng 500 đôi đũa, sau khi trừ chi phí cũng thu lãi được 40 nghìn đồng.

Phú Hội là xã nghèo tiếp giáp biên giới Cam-pu-chia, thuộc huyện An Phú. Hầu hết bà con nơi đây đã có được nghề thích hợp để mưu sinh trong lũ. Toàn xã trước đây có 285 hộ nghèo, chiếm gần 10% dân số, trong đó có 126 hộ được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền. Ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Dân bộc bạch: Nhà nước giúp tiền, phương tiện mưu sinh, cho vay vốn... chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải tạo môi trường thuận lợi cũng như hướng dẫn, chỉ ra cách thức làm ăn giúp bà con tự vươn lên trong cuộc sống. Đối mặt với lũ, ngoài việc tập trung ra sức bảo vệ cơ sở hạ tầng, chăm lo công tác phòng, chống, cứu hộ cứu nạn... thì vấn đề an sinh mùa lũ là công tác thường xuyên được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, đã có 48 hộ nghèo được cấp xuồng để đi lại mưu sinh, 73 hộ được vay vốn chăn nuôi thủy sản, gia cầm, buôn bán nhỏ trong mùa lũ. Anh Vĩnh, cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã cho biết, hiện toàn xã có 30 hộ chăn nuôi heo, hơn 100 hộ nuôi cá trong lồng bè, hơn 300 hộ nuôi cá giống, 21 hộ nuôi bò vỗ béo, một hộ nuôi trăn và nhiều hộ nuôi cá lóc, cá rô đăng quầng sát bờ sông. Một lực lượng không nhỏ làm nghề giăng câu, lưới, đặt lờ, đặt trúm... thu nhập mỗi ngày khoảng từ 40.000 đến 50.000 đồng. Nhiều hộ có phương tiện đi đánh bắt xa hơn thu nhập hàng trăm nghìn đồng/ngày. Hay như cơ sở sản xuất mặt hàng đan lát thảm lục bình (bèo tây hay còn gọi là bèo Nhật Bản) ở huyện Phú Tân thu hút hàng nghìn lao động với mức bình quân thu nhập khoảng 800.000 đồng/ người/tháng.

Việc làm cho dân vùng lũ- nhất cử lưỡng lợi

Từ năm 2002, chương trình tạo việc làm cho người dân vùng lũ tại tỉnh An Giang bắt đầu triển khai. Trong đó Sở Lao động-Thương binh-Xã hội đã tổ chức mở 410 lớp đào tạo nghề miễn phí cho nông dân, các nghề như: nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), tiểu thủ công nghiệp (nghề đan lát thảm lục bình), dịch vụ. Ngoài ra, đối với những người đi học nghề, UBND tỉnh còn trợ cấp tiền ăn 5.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, An Giang đã cấp 5.535 chiếc xuồng cho 5.323 hộ gia đình (có gia đình được cấp 2 chiếc), trị giá hơn 4 tỷ 984 triệu đồng để người dân vùng lũ làm phương tiện đi lại, kết hợp kiếm sống.

Mùa lũ năm 2004, tỉnh đã phát triển được 26 mô hình sản xuất, giải quyết việc làm, chẳng hạn như: sản xuất lúa vụ 3, hoa màu vụ 3, sản xuất lúa mùa nước nổi… sản xuất lưỡi câu, dệt chiếu, lưới, đánh bắt thủy sản, thu gom lục bình cung cấp cho các cơ sở đan lát… Mùa lũ năm 2003, 2004 toàn tỉnh có 21.620 hộ nghèo loại A được nhà nước hỗ trợ, cho vay vốn, cấp phát xuồng, dạy nghề, nhờ đó 12.200 hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 6,7% (năm 2002) xuống 3,5% (năm 2004). Những địa phương làm tốt công tác cho vay vốn, giải quyết việc làm cho dân vùng lũ như: huyện Phú Tân, Tân Châu, Châu Thành, Thoại Sơn.

Được biết hiện nay, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội An Giang hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bà con mùa lũ năm 2005. Ước tính, mưa lũ năm nay An Giang sẽ có hơn 400.000 lao động có việc làm, 3.150 học viên thuộc hộ nghèo được học nghề. Cũng mùa lũ này, An Giang sẽ có khoảng 1.530 lồng, bè cá; 600ha tôm càng xanh nuôi ở chân ruộng, nuôi đăng quầng 150ha, 89.572ha lúa, 8.085ha màu các loại…

Ông Lê Thành Sơn, Phó phòng quản lý dịch vụ việc làm, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội An Giang phấn khởi nói: Từ ngày có chương trình này, công việc cứu trợ giảm dần, tiến tới không phải cứu trợ, bà con vẫn tự túc kiếm sống ổn định. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà nước cũng dần bớt “gánh nặng” cứu trợ mỗi khi lũ về. Nỗi ám ảnh mỗi khi lũ về trước đây của người dân không còn nữa. Người dân vùng lũ đang bình thản và năng động sống chung với lũ.

Theo Quân đội nhân dân