Sáng nay, Công an thành phố, công an quận huyện và lãnh đạo các bến xe đã thống nhất triển khai những biện pháp ngăn chặn nguy cơ cháy nổ; trấn áp trộm cắp, người bán vé chợ đen, cò mồi lôi kéo hành khách... trong dịp Tết.
Hành khách đến mua vé tại bến xe miền Đông sáng 11/1. Ảnh: L. Đức. |
Theo trung tá Phan Văn Minh, Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh, vào những ngày cao điểm phục vụ khách, tình hình an ninh trật tự trong và ngoài bến xe miền Đông hết sức phức tạp. Trộm cắp trấn lột thường tăng cường hoạt động. Thậm chí, "những người buôn bán hàng lậu, hàng giả, văn hóa phẩm đồi trụy, dùng tiền giả, bán vé chợ đen... còn lấy bến xe làm điểm tập kết hàng hoặc thực hiện lừa đảo khách đi xe", trung tá Nguyễn Quang Linh, trưởng công an phường 26, quận Bình Thạnh, nói.
Từ giữa tháng Chạp, Công an quận Bình Thạnh triển khai các lực lượng an ninh, cảnh sát kinh tế, hình sự, phòng chống ma túy. "Ngày cao điểm, quân số các đội nghiệp vụ trên sẽ được tăng thêm gấp hai lần", trung tá Minh cho biết.
Công an sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực quanh bến. "Khi bắt giữ kẻ phạm pháp, bảo vệ bến xe cần chuyển ngay cho chúng tôi để lập hồ sơ, đưa đi trường, trại. Đối với các gói hàng, túi xách nghi ngờ có chất dễ cháy nổ phát hiện được, cần cô lập hiện trường và báo cho công an phường, quận", trung tá Linh đưa ra đề nghị.
Bên ngoài bến Miền Đông, cảnh sát giao thông của quận và thành phố cũng sẽ được tăng cường để kịp thời điều hòa giao thông, tránh ùn tắc trên các tuyến đường xung quanh bến.Theo ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Giám đốc bến xe miền Đông, trong những ngày sẽ thu gom nhóm bụi đời, sống lang thang tại đây. Giới xe ôm, buôn bán trên vỉa hè các tuyến đường quanh bến thường tham gia lôi kéo, ép buộc hành khách đi xe dù cũng sẽ bị giải tỏa.
Đến cuối giờ chiều 11/1, bến xe miền Đông đã bán trước được hơn 5.000 vé cho hành khách đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trong khi đó, điểm bán vé trước ở số 14 Cách mạng tháng Tám mở ra từ ngày 8/1 mới chỉ bán được khoảng 20 vé. Theo ông Phi Sơn, trưởng phòng bán vé bến xe miền Đông, tâm lý hành khách là muốn đến bến để có thể dễ dàng lựa chọn loại xe, ngày giờ đi. |
"Trong các ngày cao điểm, sẽ có các tổ thanh tra giao thông công chánh tuần tra, kiểm soát các tuyến đường quanh bến xe miền Đông, miền Tây và các điểm bến cóc để phát hiện, xử lý xe dù", ông Lê Hồng Việt, phó trưởng Ban Thanh tra giao thông công chánh cho biết như vậy. Ông cũng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông công chính nên phát hành phù hiệu dành riêng cho các xe chở khách đi từ các bến.
Theo thống kê của Sở Giao thông công chính TP HCM, trong 10 ngày cao điểm trước Tết Bính Tuất (từ ngày 20 đến 29 tháng Chạp) mỗi ngày có khoảng 90.000 hành khách đến các bến xe miền Đông, miền Tây và Chợ Lớn để đi xe về quê ăn Tết.
Lưu Đức
▪ Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy thế mạnh du lịch (11/01/2006)
▪ Ô nhiễm làng nghề và những giải pháp khắc phục (11/01/2006)
▪ Kính dỏm xuống đường Hà Nội (11/01/2006)
▪ TP Hồ Chí Minh: Loay hoay tìm chỗ đậu xe (11/01/2006)
▪ Tết Nguyên đán: Cảnh giác với nguy cơ ngộ độc thực phẩm (11/01/2006)
▪ Quản lý các triển lãm, hội chợ (11/01/2006)
▪ Không để hàng thật chật vật vì hàng giả (11/01/2006)
▪ Năm 2005, tai nạn giao thông giảm nhưng số vụ, số người chết và bị thương còn ở mức cao (11/01/2006)
▪ Xuân về Yên Lâm (11/01/2006)
▪ Đường sắt Việt Nam trong lộ trình mới (11/01/2006)